Xuất thân từ một chiến sỹ du kích trong thời kỳ Đại chiến thế giới thứ 2, Marcel Leroy-Finville đã tham gia tổ chức các đội quân chiến đấu ngay trong lòng địch hậu khi quân phát xít Đức chiếm đóng lãnh thổ nước Pháp. Là một người có tài thao lược bẩm sinh, sau khi chiến tranh kết thúc, ông được mời về làm việc tại Cục tình báo nước ngoài và phản gián Pháp (SDECE) và chính tại đây ông đã phát huy được những phẩm chất tuyệt vời của một điệp viên. Với những thành tích đặc biệt trong công tác, Leroy được bổ nhiệm làm trưởng Phòng 7 của SDECE và được giới tình báo phương Tây thừa nhận là một điệp viên bậc thầy với những kỹ năng thu thập thông tin có một không hai. Theo những tài liệu được giải mật sau này, 90% thành quả mà tình báo Pháp đạt được trong những năm 1960-1970 có sự đóng góp của Phòng 7 do Leroy lãnh đạo.
Kỳ cuối: Hồi kết đáng quên của siêu điệp viên
Vụ án Ben Barka là một trong những nguyên nhân chấm dứt sự nghiệp tình báo của M.Leroy. |
Với việc Phòng 7 do Marcel Leroy liên tục lập được những thành tích nổi bật, tiếng tăm của họ ngày một vươn xa. Tuy nhiên cũng chính điều đó đã khiến cho một số thế lực trong nội bộ Cục Tình báo nước ngoài và Phản gián Pháp (SDECE) không cảm thấy thoải mái. Một số ý kiến cho rằng Leroy và Phòng 7 được ưu ái một cách quá mức và họ đang “đi quá giới hạn”. Cũng trong thời gian đó, giữa những năm 1960, mối quan hệ giữa Pháp và Mỹ bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Tổng thống Charles de Gaulle chỉ trích SDECE cấu kết với Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) quá chặt chẽ và điều đó có thể phản tác dụng. Ông chỉ thị cần phải tìm mọi cách giảm mức độ hợp tác giữa cơ quan tình báo của hai nước.
Những ý kiến đó ngay lập tức được một số nhân vật không có thiện cảm với Phòng 7 ở SDECE “chộp lấy” và họ cho rằng đây là cơ hội không thể tốt hơn để loại Leroy, một người được coi là có mối liên hệ mật thiết với tình báo Mỹ. Lãnh đạo SDECE giao nhiệm vụ cho Leroy phải tìm cách lọt vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Frankfurt (Đức) để ăn cắp đầu đạn tên lửa. Một nhiệm vụ nghe qua đã thấy hết sức mạo hiểm và phi lý nhưng vì trách nhiệm và lòng tự trọng nên Leroy đã chấp nhận.
Sau một thời gian điều nghiên, Leroy đã có trong tay đầy đủ các thông số về qui mô căn cứ quân sự Frankfurt, vị trí nơi cất giấu đầu đạn tên lửa, hệ thống cảnh giới cũng như các biện pháp bảo vệ khu vực này. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm cách nào để đột nhập được vào bên trong và đưa một đầu đạn nặng trên 50 kg ra ngoài mà không bị phát hiện. Cuối cùng Leroy và các cộng sự quyết định sẽ rạch một đường ở chỗ ghép hai mảng dây thép gai bởi làm như thế khó phát hiện hơn mở một lỗ ở mảng dây thép gai đơn thẳng đứng. Công việc khó khăn nhất là vận chuyển đầu đạn ra ngoài khiến nhóm hành động của Leroy mất vài ngày suy tính. Lúc đầu Leroy dự định dùng xe đạp để vận chuyển bởi phương tiện này không phát ra tiếng động và dễ bề ngụy trang nhưng điểm yếu là để chở một khối hàng hơn 50 kg thì vô cùng khó khăn và nếu bị phát hiện thì khó chạy thoát. Cuối cùng, Leroy quyết định chọn phương án sử dụng xe máy, vừa nhỏ gọn và cũng rất linh hoạt. Điều duy nhất cần phải khắc phục là giảm thiểu tiếng ồn động cơ.
Kế hoạch đã được trình lên cấp trên và được chấp thuận một cách chóng vánh, một điều “bất thường” khiến Leroy phải suy nghĩ. Tuy vậy, ông và các cộng sự vẫn miệt mài tập luyện để chuẩn bị thực hiện điệp vụ mạo hiểm này. Cả nhóm của Leroy tập trung ở một doanh trại gần sân bay Orly ở ngoại ô Pari để tập luyện. Mục tiêu của họ là rút càng ngắn càng tốt thời gian di chuyển từ sau khi lấy “hàng” khỏi căn cứ Frankfurt tới điểm tập kết, cũng như tìm cách giảm tối đa âm thanh động cơ xe máy. Tuy nhiên, đúng vào lúc công việc chuẩn bị gần như hoàn tất thì Leroy nhận được lệnh hủy bỏ điệp vụ này. Các thành viên khác trong nhóm vô cùng phẫn nộ và chưa hiểu chuyện gì xảy ra nhưng Leroy thì không. Ông lờ mờ hiểu rằng điệp vụ này thực ra chỉ là màn kịch để đánh lạc hướng Phòng 7 để phục vụ cho một âm mưu đen tối nào đó trong cuộc đấu đá nội bộ tại SDECE.
Điệp vụ đột nhập căn cứ quân sự của Mỹ tại Đức chỉ là một màn kịch để hạ bệ Leroy. |
Quả đúng như Leroy nhận định, cùng thời điểm đó sự kiện Ben Barka nổ ra, tạo một bước ngoặt quyết định đối với sự nghiệp tình báo của Leroy. Trưa 29/10/1965, lãnh tụ Liên minh Lực lượng Nhân dân Toàn quốc Marốc Mehdi Ben Barka bị hai người lạ mặt bắt cóc khi đang đi bộ trên đại lộ Germain ở thủ đô Pari và sau đó bị thủ tiêu một cách đầy bí ẩn. Điều tra của cảnh sát Pháp sau đó phát hiện ra rằng SDECE có dính líu tới vụ thanh toán nhân vật này và một trong những kẻ tình nghi bị bắt là Antoine Lopez, một điệp viên của Phòng 7. Trước đó Leroy, mặc dù rất bận với việc chuẩn bị kế hoạch đột nhập căn cứ quân sự Frankfurt, đã từng hai lần cảnh báo với cấp trên về những biểu hiện bất ngờ của Lopez sau khi tay này tiết lộ với ông một số thông tin, tuy nhiên báo cáo của Leroy không được để ý tới. Và cũng chính vì vậy nên khi Lopez bị bắt thì Leroy cũng bị liên lụy vì ông là cấp trên trực tiếp của tay điệp viên này. Họ cáo buộc rằng “Leroy có nhiều thông tin có thể giúp ngăn chặn vụ bê bối Ben Barka nhưng đã không báo cáo kịp thời với những người có trách nhiệm” và đã bắt tạm giam Leroy để phục vụ công tác điều tra.
Cuộc điều tra kéo dài khiến Leroy trở nên bi quan. Mặc dù ông đã khẳng định trong các cuộc thẩm vấn rằng tất cả những thông tin biết được ông đều báo cáo cấp trên bằng văn bản nhưng cơ quan tư pháp lại lấy lý do việc này liên quan tới an ninh quốc gia nên không trao cho luật sư của ông những bằng chứng mà ông đề cập tới. Tại phiên tòa sau đó vài tháng, Leroy bất ngờ được tuyên bố vô tội và được trả tự do nhưng thời gian ông bị tạm giam cũng đã kéo dài gần 4 tháng. Đó là thời gian quá đủ để các thế lực đối địch tại SDECE gây sức ép giải tán Phòng 7. Sau khi ra tù, Leroy cay đắng thừa nhận: “Đây là một âm mưu cực kỳ thâm độc. Không chỉ tôi bị hạ bệ mà cả Phòng 7 do tôi dày công xây dựng cũng bị tan rã. Đó mới là mục đích chính của họ”. Ít ngày sau khi được tự do, Leroy thu dọn đồ đạc, đáp một chuyến bay tới vùng quê bên bờ biển Địa Trung Hải. Ông quyết định rời xa Pari để quên hết mọi chuyện và bắt đầu một cuộc sống mới sau những năm tháng vinh quang và tủi nhục ở SDECE.
Minh Nhựt (Tổng hợp)