Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin tức và Dân tộc, tại các cụm chung cư như Ngô Gia Tự (Quận 10 cũ), 137 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình cũ), Vĩnh Hội (Quận 4 cũ), Cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh cũ), Sơn Kỳ và Gò Dầu 1 (quận Tân Phú cũ)… đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nhất là không bảo đảm an toàn như không có hệ thống báo cháy tự động, dây điện giăng mắc chằng chịt, lối thoát hiểm bị lấn chiếm, nhỏ hẹp, rất dễ xảy ra hỏa hoạn.
Chung cư Vĩnh Hội (Quận 4 cũ) được xây dựng từ trước năm 1975, quy mô 4 tầng, diện tích đất hơn 3.600 m2, có tổng cộng 104 căn hộ với khoảng 534 người cư trú. Dù được xếp loại D đã nhiều năm, nhưng đến nay, những hộ dân sinh sống ở đây vẫn chưa được di dời đến nơi ở tạm, luôn sống trong bất an vì chung cư ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Chợ tự phát nằm giữa các cụm chung cư Ngô Gia Tự (Quận 10 cũ) tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Các "chuồng cọp" tại chung cư Sơn Kỳ (quận Tân Phú cũ).
Tại chung cư 137 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình cũ), nhiều mảng tường bong tróc, trần thấm nước, dây điện chằng chịt, đặc biệt chỉ có một lối ra vào duy nhất. Chung cư này đã được xác định là cấp D từ năm 2018, cần di dời khẩn cấp. Tuy nhiên đến nay, sau 7 năm, việc di dời vẫn chưa được thực hiện.
Bên trong chung cư 137 Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình cũ) đã xuống cấp nghiêm trọng.
Chung cư chỉ có 1 lối duy nhất đi vào.
Chị Trang chỉ tay lên trần nhà bị thấm nước nhiều năm nay.
Chị Trịnh Thị Phương Trang, một cư dân đã sống tại chung cư này hơn 36 năm, cho biết: “Nhiều năm nay chỉ nghe nói sẽ di dời nhưng không thấy triển khai. Hiện chung cư quá xuống cấp, mưa thì thấm dột, tường bong tróc. Nghe tình hình cháy nổ xảy ra thường xuyên ở một số chung cư cũ khiến cư dân lo sợ, đêm đến cũng không dám ngủ yên”.
Đồ đạc, xe máy chất kín trong chung cư 137 Lý Thường Kiệt.
Một căn hộ xuống cấp không thể ở nên người dân dùng để xe máy.
Theo chị Trang, hiện chung cư còn khoảng 30 hộ dân sinh sống, phần còn lại bỏ trống vì quá xuống cấp không thể ở. “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, có 4 người, mẹ già hơn 80 tuổi nằm một chỗ, chồng thất nghiệp, tôi đi làm công phụ buôn bán. Nếu không thể di dời, mong chính quyền có biện pháp sửa chữa tạm để người dân có thể tiếp tục sống an toàn”, chị Trang nói thêm.
Không chỉ riêng chung cư Lý Thường Kiệt, các chung cư khác như Vĩnh Hội, Ngô Gia Tự… cũng thuộc diện cấp D đang xuống cấp nghiêm trọng, cơ sở vật chất đã xuống cấp, hệ thống điện chằng chịt nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn cao.
Khu vực giữ xe máy tại chung cư Sơn Kỳ.
Mối lo về cháy nổ tại các khu chung cư cũ càng trở nên hiện hữu sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra vào tối 6/7 tại cư xá Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa, TP Hồ Chí Minh). Theo đó, lửa bùng phát dữ dội tại tầng trệt, kèm theo nhiều tiếng nổ lớn khiến cư dân hoảng loạn.
Cư xá Độc Lập, phường Phú Thọ Hòa nơi xảy ra vụ cháy khiến 8 người tử vong vào khuya ngày 6/7.
Đến rạng sáng 7/7, dù đã nỗ lực cứu được 3 người, lực lượng chức năng đã tìm thấy 8 thi thể nạn nhân, trong đó có 2 trẻ em.
Ngay sau vụ việc, lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao như chung cư cũ, nhà trọ, nhà trong hẻm nhỏ khó tiếp cận; đồng thời yêu cầu tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC cho người dân; vận động trang bị bình chữa cháy, đèn pin, chuông báo khói, búa phá cửa; phát triển các tổ chữa cháy liên gia, tổ chữa cháy lưu động; thường xuyên huấn luyện nghiệp vụ PCCC tại các khu vực nguy cơ cao.
Thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định quản lý an toàn PCCC phù hợp với thực tiễn, đặc biệt tại các khu vực đông dân, hẻm nhỏ, nguy cơ cao, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại khi có sự cố xảy ra.