Xuất thân từ một chiến sỹ du kích trong thời kỳ Đại chiến thế giới thứ 2, Marcel Leroy-Finville đã tham gia tổ chức các đội quân chiến đấu ngay trong lòng địch hậu khi quân phát xít Đức chiếm đóng lãnh thổ nước Pháp. Là một người có tài thao lược bẩm sinh, sau khi chiến tranh kết thúc, ông được mời về làm việc tại Cục tình báo nước ngoài và phản gián Pháp (SDECE) và chính tại đây ông đã phát huy được những phẩm chất tuyệt vời của một điệp viên. Với những thành tích đặc biệt trong công tác, Leroy được bổ nhiệm làm trưởng Phòng 7 của SDECE và được giới tình báo phương Tây thừa nhận là một điệp viên bậc thầy với những kỹ năng thu thập thông tin có một không hai. Theo những tài liệu được giải mật sau này, 90% thành quả mà tình báo Pháp đạt được trong những năm 1960-1970 có sự đóng góp của Phòng 7 do Leroy lãnh đạo.
Kỳ 5: Chụp hình căn cứ tên lửa
Trong những năm 1950, mối quan hệ Pháp-Mỹ đang diễn ra hết sức tốt đẹp, cơ quan tình báo hai nước cũng có những thỏa thuận trao đổi thông tin mật thiết. Do Pháp là nước phương Tây duy nhất lúc bấy giờ có đường bay qua lãnh thổ Liên Xô nên phía Mỹ đã đề nghị tình báo Pháp giúp chụp ảnh các căn cứ tên lửa của Liên Xô. Đề nghị này đã được Cục trưởng Cục Tình báo nước ngoài và Phản gián Pháp (SDECE) Pierre Boursicot chấp thuận và giao nhiệm vụ thực hiện cho Phòng 7 của Marcel Leroy.
Tình báo Pháp từng sử dụng các máy bay dân sự để thực hiện điệp vụ chụp hình các căn cứ của Liên Xô. |
Đây là một công việc vô cùng mạo hiểm và đòi hỏi có được sự hợp tác của phi công bởi vì những máy bay hàng không dân dụng của Pháp qua lãnh thổ Liên Xô phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo và phải bay trong một hành lang bay chật hẹp được đánh dấu rõ ràng trong hiệp định giữa Pháp và Liên Xô. Và nếu máy bay, dù chỉ là các máy bay dân dụng, vượt ra khỏi ranh giới có khả năng sẽ phải trả giá rất đắt. Cùng thời gian đó, phía Mỹ cũng cung cấp cho Phòng 7 của Leroy một loại phim màu đặc biệt có thể chụp rõ các mục tiêu từ trên cao nhưng theo cam kết giữa tình báo Pháp và Mỹ, số phim này sau khi chụp xong sẽ phải chuyển ngay cho phía Mỹ để tráng rửa tại nước này và sau đó mới chuyển lại cho Pháp. Leroy lờ mờ nhận thấy có điều gì đó không bình thường trong cam kết này.
Sau khi nhận được máy ảnh và phim, đích thân Leroy lên máy bay đi thực nghiệm. Ông đã chụp một loạt bức ảnh về phong cảnh Pari từ trên cao và sau đó đưa về phòng thực nghiệm của SDECE để tráng rửa những thước phim đó. Quả nhiên như Leroy phán đoán, loại phim đó không thể rửa thành ảnh nếu không có một loại thuốc đặc biệt. Leroy bắt đầu cảm thấy khó chịu vì bị tình báo Mỹ điều khiển. “Chúng ta là những người phải dấn thân vào nguy hiểm nhưng họ lại là những người hưởng thành quả. Đó là điều không thể chấp nhận được”, Leroy đã tâm sự như vậy với các cộng sự. Và để vạch rõ âm mưu của tình báo Mỹ, Leroy đã bí mật đưa cuộn phim đã chụp thử và nhờ một người bạn làm ở công ty ảnh Kodak tìm cách nghiên cứu và chế ra loại thuốc có thể rửa được loại phim này. Với cấp trên là Cục trưởng Boursicot, Leroy luôn cố tìm cách trì hoãn thực hiện nhiệm vụ để chờ cho tới khi chế ra được loại thuốc rửa phim.
Khi được thông báo là đã có loại thuốc tráng phim phù hợp với loại phim do người Mỹ cung cấp, Leroy đã thông qua một số người bạn để tiếp cận với cơ trưởng trong một phi hành đoàn thường xuyên bay chuyến Pari-Mátxcơva. Sau một số buổi tiếp xúc và cảm thấy có thể tin tưởng được tay cơ trưởng này, Leroy quyết định nói rõ ý định của mình và đề nghị viên phi công này tìm các lý do có sức thuyết phục nhất để bay trệch ra ngoài hành lang bay một chút để chụp ảnh. Leroy cũng không ngờ viên phi công đã đưa ra câu trả lời một cách đầy quả quyết: “Chỉ cần đây là hành động quan trọng đối với quốc gia của chúng ta thì tôi sẵn sàng làm”.
Leroy giao cho viên phi công này hai máy ảnh và đề nghị ông ta và phụ lái cùng chụp một lúc các mục tiêu đã được chỉ định sau khi bay vượt ra khỏi hành lang bay. Nhiệm vụ này sau đó đã được hai phi công hoàn thành một cách xuất sắc. Họ giao lại hai cuốn phim cho Leroy sau khi trở về Pari nhưng điệp viên lão luyện này chỉ chuyển một cuộn cho phía Mỹ theo cam kết và cuộn còn lại ông đưa cho người bạn làm ở công ty Kodak để tráng ra. Theo hiệp định giữa tình báo Pháp và Mỹ, sau khi tráng rửa xong, tình báo Mỹ sẽ chuyển lại cho phía Pháp bộ âm bản đã tráng hoàn chỉnh nhưng khi Leroy mang ra đối chiếu với cuộn phim ông rửa ở Kodak thì thấy cuộn phim người Mỹ trao lại có nhiều cắt xén, nhiều bức ảnh giá trị đã bị ỉm đi.
Một số căn cứ tên lửa và tàu ngầm của Liên Xô đã từng lọt vào ống ngắm của các “phó nháy” Pháp. |
Ông báo cáo lại sự việc với Cục trưởng Boursicot và lúc đó mới nói rõ toàn bộ những việc đã làm kể từ sau khi nhận nhiệm vụ để vạch trần ý định của tình báo Mỹ. Cục trưởng Boursicot vô cùng phẫn nộ vì có thể đã bị mắc lừa người Mỹ nếu không có sự tỉnh táo của Leroy. Boursicot ngay lập tức gửi thư phản đối tới phía Mỹ và khẳng định nếu tình báo Mỹ không trao toàn bộ những bức ảnh trong cuộn phim đó thì sẽ chấm dứt hợp tác. Phía Mỹ sau đó phải nhượng bộ và chấp nhận cho tình báo Pháp tráng rửa những thước phim chụp được ngay tại Pari.
Các chuyến bay “lệch đường” sau đó vẫn liên tục diễn ra. Thậm chí trên các máy bay đó còn được lắp cả máy lọc không khí, có thể phân tích tầng không khí trên không phận Liên Xô, phát hiện ra được bụi tỏa ra từ cơ sở thí nghiệm hạt nhân. Mỗi khi máy bay về đến Pari, các nhân viên tình báo Phòng 7 liền có mặt niêm phong máy lọc không khí, sau đó đưa lên máy bay quân dụng để chở tới phòng thí nghiệm đặc biệt.
Trước những diễn biến bất thường của các chuyến bay dân dụng Pháp, Bộ Ngoại giao Liên Xô buộc phải gửi công hàm phản đối tới chính phủ Pháp và cảnh cáo nếu sự việc còn tái diễn thì các máy bay chiến đấu của Liên Xô sẽ không nhượng bộ. Ngay sau đó, hãng hàng không Pháp nhận được lệnh của cấp trên phải trừng phạt nghiêm khắc và treo bằng lái của cơ trưởng những chuyến bay vi phạm đó. Khi sự việc vỡ lở như vậy, Phòng 7 và SDECE không thể can thiệp được gì bởi như vậy sẽ làm bại lộ những thông tin thuộc lĩnh vực quốc phòng và điều họ làm là giữ im lặng.
Minh Nhựt (Tổng hợp)