Mắc lỗi sửa chữa, kỹ sư Boeing gây ra thảm kịch hàng không chết chóc nhất mọi thời đại - Kỳ 1

Sau khi đạt độ cao bay ổn định ở 7.300 mét, vách ngăn ở phía sau chiếc Boeing 747 bị vỡ với một tiếng nổ lớn. Chiếc máy bay trở thành chú chim sắt bất trị, vượt khỏi kiểm soát của phi công, và cuối cùng lao vào sườn núi, khiến 520 người tử vong.

LINH CẢM BẤT THƯỜNG

Chú thích ảnh
Chiếc Boeing 747 gặp nạn là chiếc có hồ sơ an toàn bay hoàn hảo. Vậy tại sao thảm kịch lại xảy ra? Ảnh: Getty/Photo Illustration

Điều mà Susanne Bayly-Yukawa nhớ nhất, có lẽ là việc bạn đời của cô không muốn lên chuyến bay đó. Sáng ngày 12/8/1985, một ngày thứ Hai, và Akihisa Yukawa đã có lịch trình ở lại Osaka một đêm. Cặp đôi đã gặp nhau ở London 8 năm trước, khi công việc của Yukawa đưa anh đến Vương quốc Anh, làm giám đốc chi nhánh của Ngân hàng Sumitomo. Bây giờ anh đã trở lại Nhật Bản, sau khi được giao nhiệm vụ phụ trách xây dựng bộ phận tài chính cho thuê máy bay của ngân hàng. Gần như cứ hai tuần, Yukawa lại bay với Japan Airlines từ Tokyo đến Osaka để công tác. Tuy nhiên, sáng thứ Hai đó lại khác.

“Cả buổi sáng đó, anh phàn nàn rằng mình có tâm trạng bồn chồn, và điều đó thật bất thường vì anh ấy vốn phải bay liên tục”, Bayly-Yukawa nhớ lại.

Yukawa thậm chí còn yêu cầu trợ lý của mình đặt chỗ trên tàu cao tốc cho anh. Nhưng tàu đã chật cứng, vì hàng triệu công dân Nhật Bản đang di chuyển trong tuần đó để chuẩn bị cho lễ Obon. (Ngày lễ hàng năm diễn ra vào tháng 8, là thời điểm mọi người trở về quê hương để tưởng nhớ tổ tiên). Khi Yukawa về nhà ăn trưa, anh đã rất tức giận vì trụ sở chính vẫn khăng khăng bắt anh phải đi Osaka.

“Anh ấy rất muốn hủy chuyến đi”, Bayly-Yukawa, lúc đó đang mang thai đứa con thứ hai được 9 tháng, cho biết. “Yukawa có một cảm giác rất tệ.”

Đó là lần cuối cùng cô nhìn thấy người bạn đời của mình. Tối hôm đó, anh lên chuyến bay Japan Airlines 123, một chiếc Boeing 747. Vào thời điểm đó, đây là máy bay chở khách lớn nhất và ấn tượng nhất thế giới và có hồ sơ an toàn gần như hoàn hảo. Nó cất cánh lúc 18h12 mà không gặp trục trặc nào từ Sân bay Haneda của Tokyo, nhưng không bao giờ đến được Osaka.

Chuyến bay thường lệ kéo dài 54 phút đã trở thành thảm họa chỉ trong 12 phút. Sau khi đạt độ cao bay ổn định ở 7.300 mét, vách ngăn ở phía sau chiếc Boeing 747 bị vỡ với một tiếng nổ lớn. Vách ngăn phía sau, một sự kết hợp của tấm nhôm, đinh tán, thanh gia cố và các dải kim loại gia cố gọi là dây xé, ngăn cách khoang hành khách có áp suất với đuôi máy bay không có áp suất. Khi vách ngăn bung ra, không khí tràn vào phía sau máy bay 747 với lực mạnh đến mức xé toạc chóp đuôi ở phần sau thân máy bay, nơi chứa các thiết bị điện tử hàng không nhạy cảm.

Vụ nổ đã xé toạc bộ phận động cơ phụ của chiếc Boeing và một phần lớn cánh ổn định thẳng đứng, bao gồm cả bánh lái. Nguy hiểm nhất: Khi vụ nổ cắt đứt phần sau của máy bay, nó đã cắt đứt cả bốn hệ thống thủy lực, cung cấp năng lượng cho bánh lái, cánh tà và các bàn điều khiển khác của máy bay. Nếu không có chúng, chiếc máy bay phản lực khổng lồ này giống như một chiếc máy bay giấy, đang bay liệng trong một ngày gió giật, hoàn toàn không phản ứng với các lệnh lái của phi công.

Chú thích ảnh
Đường bay đã định (màu xanh) chồng lên đường bay thực tế (màu đỏ) chỉ khoảng 12 phút sau khi cất cánh, sau đó chiếc máy bay chệch sang một hướng khác rồi gặp nạn.

Chuyến bay đã định từ Tokyo đến Osaka của JAL 123 đã đi chệch hướng khoảng 12 phút sau khi bay.

Trong 32 phút, phi hành đoàn đã chật vật chiến đấu để giữ cho chiếc 747 tiếp tục bay trên không. Do hệ thống điều khiển bay thông thường của máy bay không hoạt động, họ chỉ có một lựa chọn: sử dụng lực đẩy của động cơ để bay lên và hạ xuống trong nỗ lực giữ cho máy bay cân bằng.

Nhưng thiệt hại quá nghiêm trọng. "Hết rồi!" Cơ trưởng Masami Takahama hét lên tuyệt vọng. Vài phút sau, Chuyến bay 123 của Japan Airlines đâm vào sườn núi Osutaka, cách Tokyo gần 100km về phía tây bắc. Chỉ có bốn người sống sót. 520 người khác trên máy bay, gồm ba phi công, 12 tiếp viên và 505 hành khách, đều đã tử vong, bao gồm cả Akihisa Yukawa, ở tuổi 56. Cho đến ngày nay, đây vẫn là thảm họa máy bay đơn lẻ chết chóc nhất thế giới.

Hoạt động cứu hộ và điều tra đã thu hồi được các thi thể và các bộ phận máy bay trong những ngày và tuần sau đó. Khi các nhà chức trách thu thập các mảnh vỡ, họ bắt đầu tập hợp các manh mối để tìm hiểu sai sót gì đã xảy ra và tại sao. Một ủy ban từ Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản đã kết luận vào năm 1987 rằng một lỗi sửa chữa vách ngăn do Boeing thực hiện vài năm trước đó đã dẫn đến sự cố của máy bay. Trong những tháng sau đó, Boeing đã thực hiện những thay đổi đáng kể đối với một số bộ phận quan trọng của máy bay chủ lực 747. Tuy nhiên, gần 40 năm sau vụ tai nạn, người thân của các nạn nhân vẫn đặt câu hỏi liệu có thể làm gì hơn nữa để đảm bảo an toàn cho hành khách sau thảm họa này hay không.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: “Phi hành đoàn đã làm tất cả những gì có thể”, Ron Schleede, một thành viên của nhóm điều tra, thuộc Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, đến Nhật Bản để hỗ trợ điều tra vụ tai nạn, cho biết, “Vụ tai nạn là không thể tránh khỏi”.

Chú thích ảnh
Xác chiếc Boeing 747 ngồn ngang trên sườn núi Osutaka. Ảnh: Asahi Shimbun

Sau vụ tai nạn, chính quyền đã huy động hơn 8.000 người để hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu hộ và điều tra.

Quy mô của thảm kịch JAL 123 đã thu hút sự chú ý của quốc tế. Việc nó xảy ra với một chiếc Boeing 747 càng gây chú ý nhiều hơn nữa. Chiếc máy bay này, mặc dù mới ra mắt cách thời điểm đó 15 năm, đã nổi tiếng khắp thế giới.

Năm 2023 đã đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên. Vào tháng 1/2023, Boeing giao chiếc 747 cuối cùng, một máy bay chở hàng cho Atlas Air. Ngày nay, chỉ còn chưa đầy 50 chiếc 747 chở khách đang hoạt động thường xuyên. Trong những năm qua, sự thống trị của 747 đã dần bị thay thế bởi những chiếc máy bay thân rộng hai động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Nhưng trong thế kỷ trước, chiếc máy bay được mệnh danh là "Nữ hoàng bầu trời" này đã khởi đầu một cuộc cách mạng hàng không bằng cách biến việc đi lại bằng máy bay trở nên dễ dàng hơn và giá cả phải chăng hơn bao giờ hết. Đây là chiếc máy bay mà Leonardo DiCaprio và đội bay trong mơ của anh đã bay trong bộ phim Inception. Đây cũng là chiếc máy bay mà chính phủ Mỹ tin tưởng để chở tổng thống của họ, chiếc Không lực Một.

Từ chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 9/2/1969 và trong nhiều thập kỷ sau đó, Boeing 747 là máy bay chở khách ấn tượng nhất thời bấy giờ. Và thảm kịch ở Nhật Bản thực sự là một cú sốc với cả thế giới.

Xem Kỳ 2: "Nữ hoàng bầu trời"

Thu Hằng/Báo Tin tức
Mắc lỗi sửa chữa, kỹ sư Boeing gây ra thảm kịch hàng không chết chóc nhất mọi thời đại - Kỳ cuối
Mắc lỗi sửa chữa, kỹ sư Boeing gây ra thảm kịch hàng không chết chóc nhất mọi thời đại - Kỳ cuối

Chiến thắng của sự đổi mới và công nghệ hiện đại trên chiếc Boeing 747 đã bị phá hủy bởi một sửa chữa sai sót. Nếu cuộc kiểm tra nghiêm ngặt hơn phát hiện ra vấn đề, Chuyến bay JAL 123 của Japan Airlines đã tới được Osaka vào tối thứ Hai đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN