Kỳ 1: Âm mưu của Hitler
Vào ngày đầu tiên của tháng 9/1939, gần 1,5 triệu binh sĩ, 2.750 xe tăng và 2.300 máy bay của Đức Quốc xã đã tràn qua biên giới vào Ba Lan. Cùng ngày hôm đó, Anh và Pháp, bị ràng buộc bởi hiệp ước bảo vệ chủ quyền của Ba Lan, đã đưa ra tối hậu thư kêu gọi quân Đức rút quân ngay lập tức. Tối hậu thư bị phớt lờ và vào ngày 3/9, các nước Đồng minh tuyên chiến với Đức. Chiến tranh Thế giới thứ hai ở châu Âu đã bắt đầu.
Mặc dù mục tiêu thực sự của trùm phát xít Adolf Hitler là rõ ràng với tất cả mọi người, nhưng Quốc trưởng biện minh cho cuộc xâm lược trên là một phản ứng đối với hành vi gây hấn ngày càng tăng của Ba Lan. Hitler chỉ ra một loạt các cuộc tấn công chống người Đức cả ở Ba Lan và bên kia biên giới. Mặc dù nhiều cuộc tấn công trong số này thực sự đã diễn ra, nhưng không phải do người Ba Lan thực hiện mà do các điệp viên Đức dàn dựng trong một chiến dịch giả được phối hợp cẩn thận nhằm mang lại cho Hitler lý do cần thiết để phát động cuộc chiến tranh. Đó chính là Chiến dịch Himmler.
Ba Lan nằm trong danh sách đen của Adolf Hitler kể từ khi hắn lên nắm quyền ở Đức vào năm 1933. Vào ngày 28/6/1919, sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, các cường quốc Đồng minh chiến thắng đã buộc nước Đức bại trận phải ký Hiệp ước Versailles, coi Đức là quốc gia chịu trách nhiệm duy nhất về việc khơi mào Chiến tranh Thế giới thứ nhất và buộc phải chấp nhận hàng loạt nhượng bộ khắc nghiệt. Đức buộc phải trả số tiền bồi thường tương đương 33 tỷ USD hiện nay, bị cấm có lực lượng không quân hoặc quân đội thường trực nhiều hơn 100.000 người, bị tước bỏ trên 65.000 km2 lãnh thổ và tất cả các thuộc địa ở nước ngoài. Trong số những nhượng bộ lãnh thổ này có việc thiết lập Hành lang Danzig, một dải đất rộng 50 km nối Cộng hòa Ba Lan mới được khôi phục với bờ biển Baltic và cắt đứt hoàn toàn nước Đức khỏi lãnh thổ Đông Phổ.
Người ta thường cho rằng các điều khoản của Hiệp ước Versailles, đặc biệt là các khoản bồi thường, là quá khắc nghiệt và trực tiếp dẫn đến siêu lạm phát những năm 1920, khiến Đức Quốc xã trỗi dậy và làm bùng nổ của Chiến tranh Thế giới thứ hai. Sau khi ký hiệp ước trên, Tư lệnh tối cao của lực lượng Đồng minh, Thống chế Ferdinand Foch đã tuyên bố: “Đây không phải là hòa bình. Đó là hiệp định đình chiến trong 20 năm”.
Trên thực tế, các khoản bồi thường chỉ đóng vai trò một phần trong các khó khăn kinh tế sau chiến tranh của Đức. Hơn nữa, bản thân các khoản bồi thường đã bị hủy bỏ vào năm 1932 sau khi Đức chỉ thanh toán 5 tỷ USD trong nghĩa vụ trị giá 33 tỷ USD. Tuy nhiên, đối với nhiều người Đức, Hiệp ước Versailles là một điều sỉ nhục quốc gia và Adolf Hitler đã lợi dụng tâm lý oán giận này triệt để nhằm đưa bản thân và Đảng Xã hội Quốc gia của ông ta lên nắm quyền.
Hitler không lãng phí thời gian để giành lại lãnh thổ bị mất theo Hiệp ước Versailles. Vào ngày 7/3/1936, quân Đức tái chiếm Rhineland - nơi đã bị phi quân sự hóa từ năm 1919, trong khi vào ngày 12/3/1938, sự kiện Anschluss chứng kiến Đức và Áo sáp nhập thành “Đại Đức” (Greater Germany). Tiếp theo, Hitler tuyên bố chủ quyền đối với vùng Sudetenland của Tiệp Khắc, nơi sinh sống của một số lượng lớn người dân tộc Đức. Những tuyên bố này đã gây ra một cuộc khủng hoảng quốc tế và đưa châu Âu đến bờ vực chiến tranh.
Trong thời điểm tuyệt vọng, vào tháng 9/1938, Thủ tướng Anh Neville Chamberlain đã bay tới Munich và đàm phán về việc giao vùng Sudetenland để đổi lấy việc chấm dứt bành trướng lãnh thổ của Đức. Thỏa hiệp này đã phản tác dụng mạnh mẽ, vì Hitler đã lợi dụng chính sách nhân nhượng của phe Đồng minh và đã xâm chiếm phần còn lại của Tiệp Khắc vào ngày 15/3/1939. Tuy nhiên, vì hầu như không có người dân tộc Đức nào sống ở khu vực này của Tiệp Khắc, nên cuộc xâm lược đã phơi bày ý đồ thực sự của Hitler. Do đó, khi hắn tiếp tục yêu cầu trả lại Hành lang Danzig cho Đức, các nước Đồng minh không còn sẵn sàng đàm phán như trước.
Khi đó, Hitler đã nhờ đến lực lượng vũ trang Schutzstaffel (SS) khét tiếng để dàn dựng một loạt cuộc tấn công như thể là do Ba Lan thực hiện dọc biên giới. Mục đích là lấy cớ cho cuộc xâm lược và chiếm đóng hoàn toàn Ba Lan. Kế hoạch dự kiến diễn ra vào ngày 26/8/1939. Vào ngày 22/8, khi binh sĩ Đức đang tập trung ở biên giới, Hitler nói với các tướng lĩnh: “Tôi sẽ cung cấp một lý do biện minh cho chiến tranh nhằm mục đích tuyên truyền. Độ tin cậy không quan trọng. Người chiến thắng sẽ không bị hỏi liệu có nói sự thật hay không”.
Các hoạt động đánh lừa này có mật danh là Undernehemen Himmler, đặt theo tên của Heinrich Himmler - người đứng đầu SS. Nhiệm vụ lập kế hoạch cho hoạt động trên được giao cho Heinrich Müller - Giám đốc cảnh sát mật Gestapo - và Reinhard Heydrich - lãnh đạo Sicherheitsdienst (SD - cơ quan tình báo của SS). Chiến dịch Himmler sẽ gồm một loạt 21 cuộc tấn công được SS dàn dựng. Theo đó, binh lính SS mặc đồng phục Ba Lan và tấn công các mục tiêu khác nhau ngay bên kia biên giới Đức, trong đó có cả tuyến đường sắt tại đèo Jablunka, trạm hải quan Đức tại Hochlinden, ga xe lửa tại Alt-Eiche và trạm kiểm lâm tại Pitschen. Tuy nhiên, chiến dịch phức tạp nhất sẽ nhằm vào đài phát thanh ở Gleiwitz tại vùng Thượng Silesia. Được xây dựng vào năm 1935, cột ăng-ten cao 33 mét của đài phát thanh này vẫn là kiến trúc bằng gỗ cao nhất ở châu Âu. Sau khi giành quyền kiểm soát đài phát thanh này, binh lính SS sẽ phát một thông điệp ủng hộ Ba Lan trên khắp nước Đức, cung cấp bằng chứng không thể chối cãi về hành vi gây hấn của Ba Lan.
Để làm cho hoạt động này và các hoạt động khác trông thuyết phục hơn nữa, các tù nhân ở trại tập trung Dachau sẽ bị bắt mặc đồng phục Ba Lan, bị đánh thuốc mê, bắn vào mặt để tránh bị nhận dạng rồi bị bỏ lại tại hiện trường vụ tấn công. Những xác chết bị cài cắm này được gọi là konserve, tức là “thịt đóng hộp”.
Người được giao nhiệm vụ chỉ huy cuộc tấn công vào đài phát thanh Gleiwitz là Alfred Naujocks, 29 tuổi, thuộc lực lượng SS. Hắn là một võ sĩ quyền anh nghiệp dư từ những ngày đầu của Đảng Quốc xã. Đến năm 1939, hắn trở thành một trong những đặc vụ đáng tin cậy nhất của Reinhard Heydrich và được giao phụ trách bộ phận nước ngoài của SD, làm giả hộ chiếu, chứng minh thư, cung cấp tiền và các giấy tờ khác cho các đặc vụ SD hoạt động ở nước ngoài.
Naujocks đã nói với một phóng viên vào năm 1960 rằng Heydrich đã gọi mình đến văn phòng và giải thích: “Trong vòng một tháng nữa, chúng ta sẽ có chiến tranh với Ba Lan. Quốc trưởng đã quyết tâm. Nhưng trước tiên, chúng ta phải có một cái gì đó để gây chiến. Chúng tôi đã tổ chức các sự cố ở Danzig, dọc biên giới của Đông Phổ với Ba Lan và dọc biên giới Đức. Nhưng phải có một cái gì đó lớn và rõ ràng”.
Đón đọc kỳ cuối: Tiến hành chiến dịch