Nằm cách Vienna khoảng 100 km về phía Tây Bắc, ở miền Bắc Áo, là một ngôi làng nhỏ có tên Döllersheim. 80 năm trước, ngôi làng nhỏ bé này đã bị tên trùm phát xít Đức xóa sổ trên bản đồ trong nỗ lực dập tắt những nghi ngờ về nguồn gốc không danh tiếng của gia đình hắn.
Döllersheim từng gây chú ý lần đầu tiên vào năm 1143, khi được đề cập trong một chứng thư của Công tước Henry XI xứ Bavaria. Ngôi làng tọa lạc ở một vị trí đẹp, vừa gần biên giới Áo lại giáp với Bohemia, một thị trấn buôn bán của Séc sau này bị phá hủy bởi chiến tranh.’
Theo trang Amusing Planet, chính tại Döllersheim, vào năm 1837, một người phụ nữ tên Maria Schicklgruber đã hạ sinh một đứa con ngoài giá thú. Đứa trẻ đó là Alois Schicklgruber, cha của Adolf Hitler. Danh tính của cha đứa trẻ, vốn dan díu với người phụ nữ 42 tuổi chưa kết hôn, không được tiết lộ trên giấy chứng nhận rửa tội của em bé trong nhà thờ giáo xứ. Sau này, khi Alois lên 5 tuổi, mẹ cậu kết hôn với ông Johann Georg Hiedler, kể từ đó Alois lấy họ là Hitler, theo họ của cha dượng Hiedler.
Kể từ khi Adolf Hitler khét tiếng trên vũ đài chính trị, các nhà sử học đã cố gắng tìm hiểu bí ẩn về nguồn gốc thực sự của tên trùm phát xít - một yếu tố quan trọng trong quan niệm về "chủng tộc thượng đẳng" của Hitler, khi bản thân hắn tuyên bố mình là hậu duệ người Aryan.
Trong số nhiều "ứng cử viên" được cho là ông nội của Hitler, nhà sử học Werner Maser cho rằng cha đẻ thực sự của ông Alois là Johann Nepomuk Hiedler, chính là anh trai của Johann Georg Hiedler, người đã nuôi dưỡng Alois qua tuổi thiếu niên và sau đó di chúc lại cho con nuôi một phần đáng kể số tiền tiết kiệm cả đời của mình.
Theo Maser, Nepomuk là một nông dân đã có vợ nhưng ngoại tình với mẹ Alois và sau đó sắp xếp để người em trai độc thân Hiedler kết hôn với người phụ nữ này để tạo một vỏ bọc cho Nepomuk có thể giúp đỡ và chăm sóc Alois mà không bị vợ nghi ngờ.
Một giả thuyết khác chưa được chứng minh là cha Alois là một người Do Thái tên Leopold Frankenberger, được gia đình Maria Schicklgruber thuê làm đầu bếp ở thị trấn Graz. Anh đầu bếp Do Thái và cô chủ đã dan díu với nhau. Nhưng giả thuyết này bị các nhà sử học bác bỏ vì không có người Do Thái nào sống ở Graz vào thời điểm Maria Schicklgruber mang thai.
Và những tin đồn như vậy thường khiến Hitler nổi cơn thịnh nộ. “Người dân không được biết tôi là ai”, hắn nói, “Họ không được biết tôi đến từ đâu”.
Năm 1931, Hitler ra lệnh cho lực lượng cận vệ khét tiếng SS điều tra những tin đồn liên quan đến tổ tiên của mình và không tìm thấy bằng chứng nào về nguồn gốc Do Thái. Sau đó, hắn lệnh cho một nhà sử học vẽ một cây phả hệ lớn thể hiện lịch sử tổ tiên của mình. Phả hệ này được trùm Quốc xã sử dụng trong cuốn sách "Die Ahnentafel des Fuehrers" ("Phả hệ của thủ lĩnh") vào năm 1937.
Thậm chí vẫn không hài lòng với cây phả hệ đó, Hitler còn ra lệnh xóa sổ toàn bộ ngôi làng Döllersheim nơi những người hoài nghi đã đến tìm hiểu về tổ tiên của hắn. Ngay sau khi xâm chiếm Áo, Hitler ra lệnh cho người dân Döllersheim, cùng với một số làng lân cận khác phải sơ tán để quân đội xây dựng một trại huấn luyện quân sự lớn. Hơn hai nghìn cư dân đã được tái định cư và nhà của họ bị đánh bom san bằng.
Mọi người không thể chắc chắn lý do chính xác Adolf Hitler đã chọn khu vực này để sơ tán và lập căn cứ huấn luyện quân sự, và do đó một số thuyết âm mưu đã ra đời. Có thể Döllersheim là một nơi thực sự tốt để huấn luyện quân sự. Nhưng nhiều người có xu hướng tin rằng nó được Adolf Hitler chọn vì hắn không muốn mọi người biết rằng mình có tổ tiên là người Do Thái, vì gần như toàn bộ sự trỗi dậy quyền lực của tên trùm phát xít Đức dựa trên sự căm ghét người Do Thái. Hitler không thể chấp nhận những hoài nghi rằng hắn đến từ chính dân tộc mà hắn ghê tởm đến mức tìm cách loại bỏ mọi dấu vết của họ khỏi cái gọi là xã hội "thượng đằng" và "hoàn hảo" của mình.
Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, trại huấn luyện tại Döllersheim được Hồng quân Liên Xô quản lý, và nơi này vẫn là khu vực miễn trừ quân sự của Lực lượng vũ trang Áo cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, kể từ năm 1981, quảng trường chính, các phế tích của nhà thờ giáo xứ La Mã Saints Peter và Paul, cũng như khu nghĩa địa xung quanh đã được mở cửa đón du khách.