Philby và Blunt, cùng với Guy Burgess, Donald Maclean và John Cairncross, tạo thành nhóm điệp viên "Ring of Five" – một nhóm cựu sinh viên Đại học Cambridge (Cambridge Five) đã cung cấp thông tin mật cho Liên Xô từ thập niên 1930 đến ít nhất thập niên 1950.
Hồ sơ của MI5, được lưu trữ tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, kể lại quá trình điều tra nhóm điệp viên này, những người đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim và tiểu thuyết về gián điệp.
Một trong những tài liệu đáng chú ý nhất là bản thú tội dài sáu trang chưa hoàn chỉnh của điệp viên Philby từ năm 1963. Trong đó, Philby, người được xem là thủ lĩnh của nhóm Cambridge Five và từng là nhân vật cấp cao tại cơ quan tình báo đối ngoại MI6 của Anh, thừa nhận hành vi làm gián điệp sau nhiều năm bị nghi ngờ.
Philby kể lại lần đầu tiếp xúc với một người đàn ông tên Otto năm 1934, theo lời giới thiệu của vợ ông là Lizzy.
“Ngắn gọn, ông ấy đề nghị tôi làm việc cho một tổ chức mà sau này tôi nhận ra là OGPU (cơ quan mật vụ Liên Xô)”, Philby viết.
Philby, với mật danh "PEACH" do MI5 đặt, mô tả chi tiết việc ông chiêu mộ Guy Burgess và Donald Maclean, và sau đó cảnh báo họ về việc Maclean sắp bị lộ vào năm 1951.
Điều này dẫn đến việc cả hai đào tẩu sang Liên Xô. Bản thân Philby cũng chạy trốn sang Moskva ngay sau khi thú tội, nơi ông được vinh danh bằng một tấm bảng tưởng niệm tại trụ sở tình báo Nga vào năm 2010.
Hồ sơ của MI5 cũng bao gồm bản ghi chép cuộc thẩm vấn năm 1964 với Blunt, do sĩ quan Arthur Martin thực hiện. Trong đó, Blunt thú nhận làm gián điệp để đổi lấy miễn truy tố.
Thời điểm đó, Blunt đang là cố vấn nghệ thuật cho Nữ hoàng Elizabeth II, vai trò ông đảm nhiệm cho đến năm 1972. Tuy nhiên, sự thật về việc ông là gián điệp chỉ được công khai vào năm 1979.
Một ghi chú vào tháng 3/1973 cho biết, thư ký riêng của Nữ hoàng đã thông báo với bà về sự việc này. “Bà tiếp nhận thông tin một cách bình tĩnh và không bất ngờ”, ghi chú viết.
John Cairncross, thành viên cuối cùng của nhóm Cambridge Five được xác định vào thập niên 1990, cũng thừa nhận làm gián điệp cho Liên Xô trong một cuộc thẩm vấn năm 1964 tại Mỹ.
“Cairncross thú nhận hoạt động gián điệp từ năm 1936 đến 1951”, một bức điện từ Washington tiết lộ.
Một số tài liệu sẽ được trưng bày trong triển lãm đặc biệt mang tên "MI5: Official Secrets" tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, gồm các hồ sơ, hình ảnh, tài liệu và thiết bị từng được sử dụng trong lịch sử 115 năm của MI5.
Giám đốc MI5 hiện tại, ông Ken McCallum, chia sẻ: “Dù phần lớn công việc của chúng tôi phải giữ bí mật, triển lãm này thể hiện cam kết của MI5 trong việc minh bạch ở mức độ có thể”.
Ngoài nhóm Cambridge Five, các tài liệu mới công bố còn tiết lộ MI5 từng quan tâm tới nam diễn viên Dirk Bogarde, người từng bị nghi ngờ có liên hệ với tình báo Nga. Tuy nhiên, sau cuộc thẩm vấn, nghi ngờ này đã được bác bỏ.
Một cuốn sổ tay hướng dẫn giám sát từ năm 1939 đến 1951 cũng được công bố. Trong đó, cuốn sách khuyên rằng không nên sử dụng cải trang mặt, như râu hoặc ria giả. Kiểu cải trang này dễ bị phát hiện, đặc biệt dưới ánh sáng ở nhà hàng, quán rượu hoặc tàu điện ngầm.
Hồ sơ Cambridge Five không chỉ vén màn những bí mật về một trong những vụ điệp viên hai mang nổi tiếng nhất lịch sử Anh, mà còn phản ánh những góc khuất trong cuộc chiến tình báo thời Chiến tranh Lạnh.
Triển lãm tại Cơ quan lưu trữ Quốc gia sẽ mang đến cho công chúng cái nhìn cận cảnh hơn về những câu chuyện đầy kịch tính này.