Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của quân Đồng minh trong Thế chiến thứ hai là Adolf Hitler và Đức Quốc xã sẽ sử dụng cái gọi là Wunderwaffen, hay “vũ khí kỳ diệu”. Một số vũ khí được đồn đại của phát-xít Đức khá kỳ quặc, như máy phát động đất và tia tử thần. Nhưng những thứ khác, như vũ khí vi trùng, tên lửa và khí độc mới, thì hoàn toàn khả thi. Và điều đáng ngại nhất là khả năng người Đức sẽ chế tạo và kích nổ một quả bom nguyên tử.
Vào đầu Thế chiến II, Đức đã vượt xa các nước khác trong nghiên cứu hạt nhân. Năm 1938, các nhà khoa học Đức phát hiện ra sự phân hạch hạt nhân. Người Đức thậm chí đã thành lập một đơn vị khoa học đặc biệt, đứng đầu là nhà vật lý lượng tử Werner Karl Heisenberg, có nhiệm vụ phát triển vũ khí hạt nhân và tích trữ kho urani cho nỗ lực này.
Để tìm hiểu sự thật, năm 1943 người Mỹ đã tổ chức một đơn vị đặc nhiệm bí mật có nhiệm vụ khám phát bí mật hạt nhân của Đức quốc xã và bắt cóc các nhà khoa học hàng đầu của họ. Đơn vị có tên Phái bộ Alsos này, được đặt mật danh là “Tia chớp A”, bao gồm các nhà khoa học và sĩ quan phản gián, đứng đầu là Đại tá Boris T. Pash. Là một sĩ quan phản gián từng phụ trách an ninh cho chương trình sở hữu vũ khí hạt nhân của Mỹ- Dự án Manhattan, ông Pash từng phát hiện ra một đường dây gián điệp tìm cách đánh cắp vũ khí hạt nhân.
Đại tá Pash và nhóm của ông ban đầu theo quân Đồng minh lên mặt trận Italy và Pháp, thẩm vấn các nhà khoa học Đức bị bắt và thu giữ tài liệu nghiên cứu. Ban đầu họ đi đến kết luận người Đức không có khả năng phát triển một vũ khí hạt nhân nhưng lại không có bằng chứng rõ ràng. Và trong khi thế giới bắt đầu manh nha một cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ, người Mỹ ngày càng lo lắng việc các nhà khoa học Đức Quốc xã và các nghiên cứu hạt nhân của Đức có thể bị Liên Xô thu giữ khi chiến tranh kết thúc.
Để ngăn chặn điều đó xảy ra, Pash đã lãnh đạo đơn vị “Tia chớp A” tiến hành một sứ mạng táo bạo và nguy hiểm nhất của họ: băng qua chiến tuyến và xâm nhập vào lãnh thổ Đức.
"Chiến dịch Lớn": Lùng ra phòng thí nghiệm hạt nhân của Đức Quốc xã
Khi đơn vị nhỏ của Pash xâm nhập vào lãnh thổ kẻ thù vào ngày 22/4/1945, trong một sứ mạng có tên “Chiến dịch Lớn”, họ chỉ được bảo vệ bởi hai chiếc xe bọc thép, bốn xe jeep gắn súng máy và một số vũ khí Đức thu giữ được. Mặc dù khi đó chế độ Đức Quốc xã đang trên đà sụp đổ, đơn vị này vẫn đối mặt với mối đe dọa từ những đơn vị kháng cự của Đức, được gọi là Wehrwulf, gồm những thanh niên Đức Quốc xã cực đoan.
Đi trước cả lực lượng Đồng minh, nhóm “Tia chớp A” lùng sục khắp các vùng nông thôn quanh Heidelberg, hướng tới thị trấn Haigerloch về phía Nam. May mắn cho Pash, người Đức trong thị trấn tin rằng chiến tranh sẽ sớm kết thúc nên đã chủ động đầu hàng, treo hàng loạt tờ giấy trắng từ các cửa sổ và cột điện.
Trong một cái hang cách không xa Haigerloch, Đại tá Pash đã tìm thấy "phần thưởng cho sứ mệnh để đời" của mình: một phòng thí nghiệm hạt nhân của Đức quốc xã, với một lò phản ứng đang thử nghiệm. Người Mỹ bắt đầu tháo dỡ nó ngay ngày hôm sau, rồi phá hủy địa điểm. Sau đó Pash chia nhỏ đội của mình, tiếp tục săn lùng các nhà khoa học Đức đã lẩn trốn.
Vào ngày 24/4, nhóm của Pash đã có một phát hiện lớn khác: một nhà máy dệt và các tòa nhà xung quanh đã được chuyển đổi thành phòng thí nghiệm phục vụ các nỗ lực nghiên cứu hạt nhân của Đức. Ở đó họ đã bắt giữ được 25 nhà khoa học. Qua các cuộc thẩm vấn, Pash biết rằng các tài liệu nghiên cứu của Đức đã không bị phá hủy như các nhà khoa học tuyên bố trước đó, mà được niêm phong trong một chiếc trống, rồi đánh chìm xuống một bến tàu. Nhóm của Pash sau đó đã thu hồi được chiếc trống này.
Cuối cùng đội của ông còn phát hiện một kho urani và nước nặng (một dạng nước chứa lượng hydro lớn hơn bình thường), được chôn trong một cánh đồng gần Haigerloch. Họ thậm chí xác định được văn phòng của Heisenberg, dù nhà khoa học hạt nhân này đã biến mất. Một tuần trước đó, Heisenberg đã chạy trốn bằng tàu hỏa và xe đạp trở về nhà của mình ở vùng núi Bavaria, cách đó hơn 300 km.
Cuộc săn lùng Heisenberg
“Chiến dịch Lớn” kết thúc nhưng Pash vẫn muốn bắt được Heisenberg. Lần theo những đầu mối, ông tìm đến vùng núi Alps ở Bavaria, Đức. Sau khi lực lượng thanh niên Quốc xã Wehrulf phá hủy một cây cầu quan trọng bắc qua hẻm núi, “Tia chớp A” phải từ bỏ các phương tiện xe cộ, Pash dẫn 19 người trong đội leo bộ lên núi.
Khi đến thị trấn Urfeld gần hồ Walchen trên núi cao, họ thấy người Đức đầu hàng hàng loạt. Khoảng 700 tên lính SS nhường đường cho đội quân của Pash. Nhưng viên Đại tá chỉ quan tâm tới việc tìm ra Heisenberg. Sau khi thẩm vấn người dân địa phương, Pash đã lần ra nhà khoa học và gia đình ông ta trong một căn nhà trên núi vào ngày 2/5/1945. Chỉ hai ngày trước đó, Hitler đã tự sát trong boongke ngầm ở Berlin.
Các nhà khoa học Đức cuối cùng được đưa đến một ngôi nhà an toàn có tên Farm Hall ở Anh. Họ công khai tuyên bố đã chống lại Đức quốc xã và từng tìm cách phá hoại các nghiên cứu để Hitler không thể phát triển được bom hạt nhân.
Tình báo Anh đã bí mật cài máy nghe trộm tại Farm Hall và biết được rằng, nhóm khoa học gia Đức đã rất bất ngờ khi biết người Mỹ kích nổ thành công một quả quả bom nguyên tử ở Hiroshima. Otto Hahn, nhà khoa học đã phát hiện ra sự phân hạch hạt nhân, là người chống Đức quốc xã và không tham gia vào nỗ lực nghiên cứu hạt nhân của Hitle, cảm thấy cá nhân ông cũng phải chịu trách nhiệm khi những khám phá ban đầu của ông đã dẫn đến nhiều cái chết khủng khiếp.