Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt - 'tấm khiên bảo vệ' của Israel

Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) và hiệu quả hoạt động của nó có lẽ là một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất trong các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau đang diễn ra giữa quân đội Israel và các phe nhóm tại Dải Gaza.

Đầu tư khổng lồ 

Chú thích ảnh
Rocket phóng từ Dải Gaza hướng về lãnh thổ Israel ngày 11/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2021, hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt tròn 10 năm kể từ khi chính thức được đưa vào hoạt động và ngăn chặn thành công mối đe dọa của tên lửa tầm ngắn từ Gaza. Tại thời điểm ra đời năm 2011, hệ thống này được đánh giá là bước đột phá trong phát triển lực lượng phòng không và phòng thủ tên lửa của quân đội Israel.

Ý tưởng nghiên cứu phát triển và chế tạo các hệ thống giúp ứng phó với các mối đe dọa tên lửa và phương tiện bay không người lái đã xuất hiện từ lâu. Năm 1996, Israel và Mỹ đã nhất trí hợp tác trong dự án laser năng lượng cao, cấp chiến thuật có tên gọi là THEL (từng bị nhầm với dự án Nautilus trước đó của Mỹ cũng trong lĩnh vực này). Ban đầu, dự án này chỉ đặt ra mục tiêu là xây dựng một mô hình trình diễn công nghệ cho các dự án tiếp theo.

Đến năm 2001, hàng loạt thử nghiệm đã cho thấy tiềm năng của tia laser trong việc ngăn chặn các mối đe dọa, nhưng Israel đánh giá hệ thống đánh chặn kiểu này chưa phù hợp cho triển khai tác chiến tại nước này, do khả năng sẵn sàng chiến đấu thấp, bảo đảm hậu cần phức tạp, cũng như nguy cơ tác động tới môi trường. Do vậy, các nhà khoa học quân sự Mỹ và Israel quyết định chuyển sang nghiên cứu phát triển các hệ thống THEL di động. Thế nhưng đến năm 2005, kết quả của gần 9 năm nỗ lực và chi phí 600 triệu USD chỉ là một hệ thống trình diễn, chưa thể đưa vào tác chiến vì tỷ lệ thành công chưa tới 50%.

Cuối năm 2005, một đề xuất về giải pháp phòng thủ tên lửa tầm ngắn của tập đoàn công nghiệp quốc phòng Rafael của Israel đã được thông qua và đặt tên là "Vòm Sắt". Sau nhiều năm nỗ lực và đầu tư nghiên cứu lớn, với kinh phí chủ yếu từ Mỹ, Vòm Sắt đã khắc phục những hạn chế trước đó. Kết quả là tháng 3/2011, Vòm Sắt đã được chính thức triển khai hoạt động và kiểm tra hiệu quả trước mối đe dọa thực tế từ Gaza. Từ đó đến nay, hệ thống này đã có đóng góp quan trọng trong phòng thủ tên lửa tổng thể của Israel, bên cạnh các hệ thống khác như David's Sling tầm trung-tầm xa của Rafael; các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và đầu đạn hạt nhân tầm cao Arrow của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI); hệ thống phòng không và đánh chặn máy bay không người lái, tên lửa lướt trên mặt biển Barak-8 của IAI...

Hoạt động nghiên cứu phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel đến nay vẫn nhận được các khoản đầu tư lớn từ Mỹ. Đáng chú ý là Bản ghi nhớ năm 2016, có hiệu lực từ năm 2019 giữa Mỹ và Israel do Tổng thống Barack Obama khi đó và Thủ tướng Benjamin Netanyahu thúc đẩy, trong đó Mỹ cam kết hỗ trợ 500 triệu USD/năm cho các dự án thuộc diện này. 

Điểm yếu của Vòm Sắt

Chú thích ảnh
Hệ thống Vòm Sắt phóng tên lửa ngày 13/5/2021. Ảnh: IDF

Theo đánh giá của nhà sản xuất Rafael, Vòm Sắt là hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai nhiều nhất trên thế giới, có khả năng phát hiện, phân tích đánh giá và ngăn chặn nhiều mối đe dọa đường không, gồm C-RAM (tên lửa, đạn pháo và đạn cối), tên lửa hành trình, tên lửa dẫn đường chính xác (PGM), máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, phương tiện bay không người lái (UAV), các mối đe dọa ABT (vũ khí hút và sử dụng không khí làm thành phần đốt cháy trong quá trình bay tới mục tiêu)... ở tầm ngắn, kể cả những loạt bắn dày đặc. Với hơn 2.000 lượt đánh chặn và tỷ lệ thành công hơn 90%, Rafael cho rằng hệ thống Vòm Sắt hoàn toàn có thể bảo vệ các lực lượng đang di chuyển trên chiến trường, cũng như các căn cứ tác chiến tiền phương, tàu hộ tống cỡ nhỏ, giàn khoan ngoài khơi và khu dân cư.

Quân đội Israel hiện triển khai ít nhất 10 khẩu đội Vòm Sắt trên cả nước, mỗi khẩu đội có 3-4 bệ phóng và mỗi bệ có khả năng phóng đi 20 quả tên lửa đánh chặn nhằm phá hủy các mối đe dọa trong phạm vi 4-70km, trong mọi điều kiện thời tiết. Diện “che chắn” của mỗi khẩu đội lên tới 150km2.

Tuy nhiên, Israel chỉ kích hoạt Vòm Sắt mỗi khi tên lửa, đạn pháo của kẻ thù có quỹ đạo nhằm vào các mục tiêu quan trọng, nhạy cảm như khu dân cư, công trình thiết yếu. Một trong những nguyên nhân là do chi phí đánh chặn khá cao. Mỗi quả tên lửa có trị giá từ 20.000-50.000 USD (năm 2014) và 100.000-150.000 USD (năm 2020). Trong khi đó, một quả tên lửa Qassam của Hamas chỉ có giá khoảng 800 USD và một quả Grad cũng chỉ vài nghìn USD.

Theo thống kê chính thức, các hệ thống Vòm Sắt đã hoạt động tương đối hiệu quả trong nhiều lần xung đột với Gaza, có thể kể đến như:

Năm 2012, sau khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sát hại Tổng Thư ký phong trào Ủy ban Kháng chiến Nhân dân Zohair al-Qaisi, hơn 300 quả tên lửa đã được phóng sang lãnh thổ Israel. Vòm Sắt đã đánh chặn thành công 56 trong số 71 quả bay về phía các khu dân cư đông đúc. Trong 1 tuần diễn ra chiến dịch Trụ cột Phòng thủ tháng 11/2012, hệ thống này đã chặn được 421 quả tên lửa từ Gaza. Kênh CNN đánh giá tỷ lệ thành công là khoảng 85%.

Trong 50 ngày diễn ra chiến dịch Vành đai Bảo vệ năm 2014, trong số gần 4.600 quả tên lửa và đạn cối được bắn từ Gaza sang Israel, Vòm Sắt đã đánh chặn 735 đầu đạn được đánh giá là mối đe dọa thực sự, với tỷ lệ thành công 90%. Trong chiến dịch này, Vòm Sắt để lọt 70 đầu đạn.

Tháng 5/2018, Vòm Sắt cũng đã được kích hoạt khi 20 quả tên lửa được phóng từ Syria về phía Israel. 16 quả trong số này không vượt qua biên giới và Vòm Sắt bắn hạ thành công 4 quả còn lại. Hệ thống phòng thủ này cũng thành công đánh chặn 100 quả tên lửa phóng từ Gaza.

Trong cuộc xung đột đang diễn ra với lực lượng Hamas, từ ngày 10/5 đến nay đã có hơn 3.150 rocket được phóng từ Gaza về phía Israel, 450 trong số đó không vượt qua được biên giới. Quân đội Israel thông báo Vòm Sắt đã bắn hạ hơn 1.200 quả có quỹ đạo nhằm vào các khu dân cư và khu vực quan trọng khác.

Nhờ hiệu quả tác chiến cao, Vòm Sắt đã được nhiều nước đặt mua. Trong đó, Mỹ đã nhận bàn giao 2 khẩu đội vào tháng 11/2020 và tháng 1/2021. Một số nước khác đã ký hợp đồng đặt mua bao gồm Azerbaijan, Ấn Độ và Romania. Tập đoàn Rafael cũng đang muốn bán Vòm Sắt cho Hàn Quốc và các nước châu Âu để bảo vệ lực lượng triển khai tại Iraq và Afghanistan.

Mặc dù vậy, Vòm Sắt cũng có những hạn chế nhất định. Ngoài chi phí tương đối cao như đã đề cập ở trên, hệ thống này còn có nguy cơ bị kẻ thù "áp đảo" và thậm chí là vô hiệu hóa bằng chiến thuật bắn ồ ạt, liên tục trong thời gian dài, do thời gian nạp đạn lâu và số đầu đạn dự trữ của một khẩu đội Vòm Sắt là không lớn. Các phe nhóm tại Gaza đã nhận ra được điểm yếu này và cố gắng lợi dụng. Hơn nữa, hệ thống này cũng trở nên kém hiệu quả hơn nhiều khi phải ứng phó với các mối đe dọa ở tầm cực ngắn (dưới 4km) hay có tốc độ bay quá nhanh (dưới 28 giây từ khi phát hiện cho tới khi bay đến mục tiêu).

Quang Minh (P/v TTXVN tại Israel)
Truyền thông Iran chỉ ra nguyên nhân lá chắn Vòm Sắt Israel bị xuyên thủng
Truyền thông Iran chỉ ra nguyên nhân lá chắn Vòm Sắt Israel bị xuyên thủng

Quân đội Israel luôn tự hào về hệ thống phòng không tân tiến nước mình gồm Vòm Sắt, Arrow 3, Barak 8 và Sling có khả năng ngăn chặn các mối đe dọa từ rocket cỡ nhỏ cho đến tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, cuộc xung đột mới nhất với Hamas đã cho thấy không có hệ thống phòng không nào an toàn tuyệt đối.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN