Căn bệnh đáng sợ
Trong số những bệnh truyền nhiễm trong quá khứ, ít có bệnh nào lại khiến người ta sợ hãi như bệnh đậu mùa. Đậu mùa xuất hiện từ thời xa xưa, trở thành bệnh dịch ở châu Âu từ thế kỷ thứ 5 tới thế kỷ thứ 7, giết chết hàng triệu người tính tới thế kỷ 20.
Bệnh lây qua các giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, hoặc từ các vết thương trên da. Bệnh khởi phát bằng phát ban trên da nhưng ảnh hưởng tới mọi hệ thống cơ quan chính của cơ thể. Bệnh nhân thường sốt cao và một nửa trong số họ tử vong. Nếu còn sống sót, họ sẽ mù lòa hoặc có nhiều vết sẹo sâu trên da.
Những ai từng mắc bệnh đậu mùa thể nhẹ thường không bao giờ mắc bệnh nặng nếu bị lại. Do đó, người dân ở một số quốc gia lấy những mảnh trên vùng da thương tổn và nghiền thành bột. Sau đó, họ hít vào phổi, tạo ra khả năng bảo vệ để tránh mắc bệnh sau này. Một cách tiếp cận tương tự được gọi là chủng đậu, tức là lấy vảy hoặc mủ từ vết thương tổn đậu mùa để chà xát vào da. Cách này cũng tạo ra sức đề kháng với bệnh. Mặc dù khi chủng đậu như vậy cũng sẽ khiến da thỉnh thoảng xuất hiện vết phát ban nhỏ, nhưng thậm chí nhiễm bệnh nhẹ cũng dủ để tạo miễn dịch và bệnh nhân sau này sẽ có miễn dịch hiệu quả. Tuy nhiên, rõ ràng là có nguy cơ mắc bệnh nặng từ cách làm như vậy và nguy cơ này xảy ra khá thường xuyên.
Cuối thế kỷ thứ 18, nước Anh có một căn bệnh rất giống đậu mùa, được gọi là bệnh đậu mùa ở súc vật, lây nhiễm từ gia súc và ai mắc bệnh này thì sẽ không bị đậu mùa nữa. Những người làm nghề vắt sữa bò thì thường lây bệnh này từ con vật. Họ có làn da rất đẹp, không bao giờ bị sẹo đậu mùa như nhiều phụ nữ khác. Đây là điều mà Tiến sĩ Edward Jenner nhận thấy.
Ông chứng minh rằng nhiễm virus đậu mùa sống từ gia súc sẽ tạo ra phát ban và sốt nhẹ, giúp người nhận virus sống đó được bảo vệ vĩnh viễn trước căn bệnh đậu mùa. Do đó, ông Jenner chỉ rõ sự giống nhau giữa vi khuẩn đậu mùa ở gia súc và vi khuẩn đậu mùa ở người có nghĩa là phản ứng miễn dịch do bệnh đậu mùa ở gia súc gây ra cũng hiệu quả với bệnh đậu mùa ở người, đảm bảo chủng ngừa thành công. Ông Jenner đã đăng giả thiết và kết quả chủng ngừa. Năm 1798, ông viết sách về kinh nghiệm của mình và sau đó, chủng ngừa dần phổ biến ở Anh.
Năm 1800, tin tức về đột phá của ông Jenner trong ngăn chặn căn bệnh kinh hoàng này đã lan khắp châu Âu. Vốn có nhiều thuộc địa bị đậu mùa hoành hành nghiêm trọng, Tây Ban Nha tìm cách tận dụng công nghệ mới này. Vua Charles IV đã từng mắc đậu mùa, nhiều thành viên hoàng gia Bourbon cũng mắc căn bệnh này. Vua Charles IV đã đọc sách của ông Jenner, trong đó nói về lợi ích của chủng ngừa bằng virus bệnh đậu mùa trên gia súc để ngăn lây nhiễm bệnh đậu mùa trên người năm 1799 và ngay lập tức hành động.
Hành trình vaccine hoàng gia Tây Ban Nha
Ông đã triệu tập cuộc họp và nghe lời khuyên của bác sĩ hoàng gia Tiến sĩ Joseph Flores. Tiến sĩ đã vạch ra kế hoạch đưa một nhóm người tới Thế giới mới để chủng ngừa cho người dân tại thuộc địa Tây Ban Nha ở đó.
Hành trình này được đặt tên chính thức là Hành trình Vaccine Hoàng gia Tây Ban Nha, nhưng cũng được gọi là Hành trình Balmis theo tên của Tiến sĩ Francisco Javier Balmis, bác sĩ quân y tây Ban Nha đóng vai trò quan trọng trong thành công của hành trình. Ông Balmis đã thuyết phục Vua Tây Ban Nha, người có con gái chết vì đậu mùa, tài trợ cho hành trình vaccine thiện nguyện này.
Con tàu hộ tống Maria Pita được lựa chọn để chở nhóm y tế và những thứ cần thiết cho cuộc chủng ngừa đậu mùa ở các thuộc địa Tây Ban Nha. Con tàu do ông Pedro del Barco y Espana làm thuyền trưởng. Nhóm chủng ngừa gồm có ông Balmis là giám đốc, cùng với phó giám đốc, 3 bác sĩ phụ tá, 2 nhân viên sơ cứu và 4 y tá.
Điều quan trọng nhất chính là phương pháp được sử dụng để giữ cho vaccine có thể sử dụng được khi kết thúc hành trình vượt Đại Tây Dương. Lúc đó, người ta không thực sự hiểu biết về bản chất của nốt đậu mùa, nhưng như ông Jenner đã chỉ ra, nốt mụn mủ mới của bệnh đậu mùa trên gia súc chính là nguồn vaccine.
Thời đó, không có tủ lạnh hay tủ đông, cũng như không có cách gì lý tưởng để bảo quản vaccine. Vì thế, người ta đã thực hiện một biện pháp đáng lưu ý, trong đó một dây chuyền trẻ em sẽ được cho nhiễm bệnh này trong hành trình xuyên Đại Tây Dương.
Để thực hiện kế hoạch, 22 trẻ em mồ côi Tây Ban Nha tuổi từ 3 tới 9 đã được mang theo và do người điều hành trại trẻ mồ côi tên là Isabel Zendal chăm sóc. Isabel Zendal được Tổ chức Y tế Thế giới coi là y tá đầu tiên trong lịch sử được điều đi làm sứ mệnh quốc tế. Con trai 9 tuổi của Zendal cũng tham gia hành trình.
Trong mỗi giai đoạn, nhóm gồm hai trẻ em sẽ được sử dụng. Lúc bắt đầu hành trình, 2 trẻ em đã được cho nhiễm bệnh đậu mùa trên gia súc từ một con bò. Sau khi khởi hành ngày 30/11/1803, hai trẻ em này nhanh chóng xuất hiện nốt đậu mùa và vào ngày nhiễm bệnh thứ 10, các bác sĩ đã lấy mẫu nốt đậu mùa này và tiêm vào cánh tay của hai trẻ em chưa miễn dịch để hai em này mắc bệnh đậu mùa trên gia súc.
Tiếp đó, vào ngày thứ 10, các vết mụn trên tay hai em tiếp theo này lại được sử dụng làm nguồn vật liệu để truyền virus đậu mùa trên gia súc cho hai người tiếp theo. Theo cách đó, khi tới Thế giới mới, có một số trẻ em đã khỏi bệnh, nhưng điều quan trọng nhất là còn hai em vừa mắc bệnh và các nốt đậu mùa mới có thể được sử dụng để chuẩn bị vaccine.
Trên đường tới Thế giới mới, 22 trẻ em ban đầu ở lại Mexico, còn ông Balmis tuyển thêm 26 bé trai Mexico để tiếp tục hành trình từ Acapulco tới Philippines. Con tàu Maria Pinta đã chở 26 bé trai để làm người vận chuyển vaccine mới và sau đó, tàu đã đi quanh nhiều thuộc địa Tây Ban Nha. Tổng cộng, gần 1,5 triệu lượt chủng ngừa đã được thực hiện ở quần đảo Canary, Colombia, Ecuador, Peru, Mexico, Philippines và Trung Quốc.
Đây là hành trình rất nhân văn, được thực hiện trên quy mô quốc tế và được mô tả là mô hình về một nỗ lực y tế quốc tế phức tạp, tốn kém về mặt hậu cần, nhưng có hiệu quả trong đưa phương pháp y tế tiến bộ tới nhiều nơi. Ước tính 1/4 trong số một triệu trẻ em đã được chủng ngừa. Ông Jenner đã mô tả về hành trình này: “Tôi không thể hình dung nổi là trong lịch sử lại có ví dụ nào về hành động nhân đạo xuất sắc hơn và mang lợi ích tới nhiều người hơn hành trình này”.
Mặc dù ngày nay, người ta có thể băn khoăn về việc sử dụng trẻ mồ côi, nhưng lúc bấy giờ, chuyện này là có thể chấp nhận. Một tác giả nhận định: “Hình thành một dây chuyền lây nhiễm sống (thông qua trẻ mồ côi) có thể không phải là phương pháp chủng ngừa có thể chấp nhận được khi xét về tiêu chuẩn chuyên nghiệp và vệ sinh hiện nay, nhưng đó là biện pháp sáng tạo, hiệu quả để vận chuyển vaccine tại thời điểm mà tủ lạnh, dụng cụ vô trùng không tồn tại”.
Hành trình Balmis là chiến dịch chủng ngừa quốc tế đầu tiên và thành công to lớn tới mức tư liệu về hành trình này cần được tuyên truyền rộng rãi hơn, để thế giới trong đại dịch COVID-19 hiện nay có thể thấy rõ phong trào bài vaccine nguy hiểm và vô trách nhiệm tới mức nào.
Triển lãm tư liệu về hành trình Balmis khai mạc tại Archivo General de Indias ở Seville, Tây Ban Nha và sẽ mở cửa tới ngày 15/9/2021. Ông Manuel Alvarez, người tổ chức triển lãm, coi đây là lời tri ân gửi tới toàn bộ nhân viên y tế đang chiến đấu chống đại dịch COVID-19.