Ông Jovenel Moise, người bị ám sát ngày 7/7 không phải là nạn nhân đầu tiên của bạo lực chính trị tại Haiti kể từ khi nước này giành độc lập từ Pháp năm 1804.
Tướng François-Dominique Toussaint L'Ouverture, nhà lãnh đạo lỗi lạc nhất trong cuộc cách mạng giai đoạn 1789-1804 ở Haiti, một thuộc địa Pháp, đã bị tướng Pháp Jean Baptiste Brunet phản bội và bắt giữ năm 1802 sau khi ông được mời tới đàm phán. Hành động theo lệnh của anh rể Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte là Tướng Charles Leclerc, Brunet xấu hổ tới mức không dám xuất hiện khi nhà lãnh đạo Haiti bị bắt giữ.
Ông L'Overture bị đưa tới Pháp và giam tại Fort de Joux ở biên giới vùng núi giáp Thụy Sĩ. Từ chối dùng củi sưởi và chăm sóc y tế trong những tháng ốm bệnh, người được coi là “cha của Haiti” đã qua đời chưa đầy một năm sau đó.
Thời đế quốc hỗn loạn
Người kế nhiệm ông L'Overture làm lãnh tụ cách mạng Haiti là Tướng Jean-Jacques Dessalines. Sau khi Hati giành độc lập ngày 1/1/1804, ông trở thành toàn quyền nước cộng hòa mới, nhưng tới tháng 9, bắt chước Napoleon và được các tướng lĩnh ủng hộ, ông tự xưng là Hoàng đế Jacques I.
Ông Dessalines đã ra lệnh thảm sát cộng đồng dân định cư người Pháp da trắng còn lại, giết chết hàng nghìn người. Nhưng các thành viên chính phủ của ông, chủ yếu là hai nhân vật Alexandre Petion và Henri Christophe đã âm mưu lật đổ hoàng đế. Ông bị giết hại ngày 17/10/1806. Có người nói ông bị chính người của mình giết chết tại Pont Larnage (giờ là Pont-Rouge), phía bắc thủ đô Port-au-Prince. Ông bị phân xác và thi thể bị bỏ lại trong quảng trường thành phố.
Petion và Christophe bất đồng không lâu sau đó và tuyên bố thành lập hai chính phủ đối đầu. Petion là thủ tướng thứ nhất của CH Haiti ở miền nam, còn Christophe là tổng thống và sau đó là Vua Henry I ở nhà nước Haiti tại miền bắc.
Chế độ cai trị chuyên quyền và cưỡng bức lao động của Henry đã gây ra nổi loạn trong dân. Ông này tự tử ngày 8/10/1820 theo một hình thức phô trương: bắn mình bằng viên đạn bạc để tránh bị đảo chính và hành quyết. Henry II, con trai và là người thừa kế của Henry, bị những người nổi dậy đâm chết tại Cung điện Sans-Souci 10 ngày sau đó, khi chưa kịp lên ngôi vua.
Sau khi Henry tự tử và con trai bị sát hại, người kế nhiệm Petion là Jean-Pierre Boyer đã thống nhất đất nước và chinh phục thuộc địa bán độc lập của Tây Ban Nha là Santo Domingo, giờ là CH Dominica. Nỗ lực áp đặt chế độ như thời phong kiến của Boyer đã dẫn tới một cuộc nổi loạn nữa. Năm 1843, ông này trốn tới Jamaica và sau đó là tới Pháp.
Vài năm nữa sau bất ổn chính trị, Tướng Faustin Soulouque được thuyết phục lên làm tổng thống con rối năm 1847. Tuy nhiên, ông sớm quay lưng với những người hậu thuẫn mình, thành lập lực lượng riêng để củng cố quyền lực.
Năm 1849, Soulouque tự xưng là Hoàng đế Faustin I với tư cách là vua của Đế quốc Haiti thứ hai. Cuộc cách mạng chống lại chế độ cai trị của Faustin I đã nổ ra cuối năm 1858 và Hoàng đế trốn tới Jamaica trên một con tàu chiến Anh vào tháng 1/1859.
Những vụ lật đổ, ám sát các đời tổng thống
Haiti trở lại chế độ cộng hòa hiến pháp cũng không khiến khủng hoảng chính trị chấm dứt. Phần lớn các tổng thống trong nửa sau thế kỷ đó đã bị bạo lực lật đổ.
Người kế nhiệm Faustin là Fabre Geffrard làm tổng thống trong 8 năm rồi bị Tướng Sylvain Salnave lật đổ năm 1867. Sau này, ông Salnave cũng bị lật đổ và hành quyết năm 1869.
Tổng thống sau đó là Michel Momingue bị một số sử gia coi là con rối của Phó tổng thống Septimus Rameuau. Ông Rameuau đã bị ám sát trên phố ở Port-au-Prince ngày 15/4/1876, ngày mà ông Domingue chạy trốn, sống lưu vong ở Jamaica.
Việc Mỹ nỗ lực áp đặt quyền bá chủ trong và xung quanh khu vực Caribe đầu thế kỷ 19 đã ảnh hưởng tới Haiti nhiều không kém các thuộc địa hiện tại và trước đây của Tây Ban Nha. Nửa đầu những năm 1910 đã chứng kiến một loạt tổng thống bị vũ lực lật đổ chóng vánh.
Cincinnatus Leconte tại nhiệm chưa đầy một năm thì bị giết trong một vụ nổ phá hủy Cung điện Quốc gia ngày 8/8/1912. Sau này, người ta cho rằng ông này bị ám sát và vụ nổ được dàn dựng để che đậy vụ ám sát đó.
Người kế nhiệm Leconte là Tancrède Auguste nắm quyền lực cùng ngày đó, nhưng đột nhiên chết sau đó hai tháng. Một số người cho là ông bị đầu độc.
Tổng thống tiếp theo là Michel Oreste sớm bị các lực lượng do các địa chủ lớn dẫn đầu lật đổ. Trong số lực lượng đó có người kế nhiệm là Oreste Zamor. Giai đoạn làm tổng thống của Zamor kéo dài 4 tháng và ông này bị Joseph Davilmar Théodore lật đổ. Chẳng bao lâu sau, Théodore cũng buộc phải từ chức để nhường chỗ cho Vilbrun Guillaume Sam – người theo đường lối thân Mỹ.
Cuộc trấn áp các đối thủ chính trị của Sam đã gây ra đổ máu đỉnh điểm với vụ hành quyết 167 tù nhân, trong đó có Zamor, từ đó làm bùng lên một cuộc nổi dậy. Tổng thống Sam chạy tới Đại sứ quán Pháp, nhưng những người nổi dậy đã lôi ông này ra và đánh tới chết, để thi thể ông bị người dân phanh thây. Sau vụ việc này, Tổng thống Mỹ khi đó Woodrow Wilson đưa quân vào chiếm đóng Haiti trong 19 năm tiếp theo.
Sau vài cuộc đảo chính nữa, Haiti nằm dưới chế độ độc tài suốt 29 năm của François 'Papa Doc' Duvalier và con trai Jean-Claude 'Baby Doc' Duvalier. Tonton Macoute, đội hành quyết tử thần của hai cha con này, đã tra tấn và giết hại hàng chục nghìn người Haiti bị nghi là phản bội. Baby Doc bị lật đổ năm 1986 trong một cuộc nổi dậy của dân chúng, nhưng được Mỹ cứu thoát nhờ có quan hệ tốt với chính quyền Tổng thống Ronald Reagan.
Chính phủ quân đội cai trị sau đó nỗ lực quay lại chế độ dân chủ năm 1988 khi bầu ông Leslie Manigat nắm quyền, nhưng lại lật đổ ông này chỉ vài tháng sau đó.
Haiti quay lại chế độ dân chủ năm 1991 khi ông Jean-Bertrand Aristide thuộc phong trào Lavalas được bầu làm tổng thống. Một lần nữa, vị tổng thống này lại bị quân đội đảo chính 7 tháng sau.
Các cuộc biểu tình năm 1994 đã khiến Tổng thống Mỹ khi đó Bill Clinton giữ cam kết quay lại Haiti. Người kế nhiệm của Aristides là René Préval là tổng thống đầu tiên trong lịch sử Haiti nhận quyền lực hợp hiến và tại vị trọn vẹn nhiệm kỳ.
Ông Aristides lại được bầu làm tổng thống năm 2000, nhưng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính khác năm 2004 khi ông bị lực lượng Mỹ cưỡng ép đưa tới Jamaica và thay thế bằng Boniface Alexandre, người mà ông Aristides đã bổ nhiệm làm chánh án tòa án tối cao. Aristides sống lưu vong ở Nam Phi tới năm 2011 và trở lại lãnh đạo đảng của mình lần nữa.
Vụ sát hại Tổng thống Moise ngày 7/7 vừa qua lại kéo Haiti trở lại những ngày đen tối đảo chính, ám sát triền miên.