Kỳ 1: Cuộc đời của người phụ nữ phi truyền thống
Theo trang history.com, vào năm 1898, không ai có thể hình dung rằng một bé gái sinh ra trong một gia đình Do Thái nghèo ở Kiev vào thời kỳ suy tàn của chế độ Sa hoàng ở Nga có thể trở thành thủ tướng. Trong thời đại đó, phụ nữ trẻ thường bị mắc kẹt trong cuộc sống tù túng do không đủ trình độ học vấn, do vướng bận hôn nhân, do phải làm mẹ và do phải đấu tranh sinh tồn hàng ngày để thậm chí không thể nghĩ đến những tham vọng như vậy.
Golda Meir đã vượt lên số phận để làm được điều mà người ta cho là không tưởng đó. Golda Meir là một trong 8 người con của một thợ mộc và vợ ở Kiev. Khi còn nhỏ, cô bé đã trải qua nạn đói và chứng kiến cuộc đàn áp bạo lực khủng khiếp chống người Do Thái. Golda Meir đã vươn lên trở thành một trong những người phụ nữ đầu tiên trên thế giới giữ chức nguyên thủ quốc gia, lèo lái Israel vượt qua những thập kỷ đầu đầy khó khăn. Khi được bầu làm thủ tướng Israel năm 1969, các bài báo tung hô bà với những cái tít như “Bà ngoại được bầu làm thủ tướng”, nhưng bà đã chứng minh mình không chỉ là một người bà ở nhà nướng bánh đơn giản.
Sau này, nhiều năm trước khi các nhà tuyên truyền Liên Xô gọi Thủ tướng Margaret Thatcher của Anh là “bà đầm thép”, bà Meir đã được gọi bằng biệt danh tương tự vì sẵn sàng tiến hành chiến tranh để bảo vệ Israel. Ông David Ben-Gurion, người sáng lập và thủ tướng đầu tiên của Israel, gọi bà đơn giản là “người tốt nhất trong chính phủ”.
Vận may và thời điểm tuyệt vời
May mắn đóng một vai trò lớn trong cuộc đời của Golda khi còn trẻ. Sau này bà nhớ lại, một trong những ký ức đầu tiên của bà là chứng kiến cảnh cha cố gắng rào chắn cửa trước nhà bằng những tấm ván gỗ để đối phó với mối đe dọa về một cuộc tàn sát đang rình rập. May mắn thay, bọn côn đồ không bao giờ đến nhà bà.
Vài năm sau, vào năm 1905, cha bà Golda chuyển cả gia đình sang Mỹ, mở ra những cơ hội mới cho bà. Sau này bà viết rằng bà cảm nhận được những tức giận của cha bà khi không có nhiều lựa chọn để bảo vệ gia đình khỏi bạo lực. Cảm nhận đó đã phát triển thành niềm tin bản năng sâu sắc rằng nếu muốn sống sót, người ta phải hành động mạnh mẽ.
Tìm kiếm mục đích và tiếng nói
Bà Golda bắt đầu tổ chức các hoạt động tại nhà mới ở Milwaukee (Mỹ) vào năm 11 tuổi, khi bà tổ chức một buổi quyên góp tiền. Bà đã thuê hội trường và lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp công cộng để gây quỹ mua sách giáo khoa mới cho trẻ em nghèo. Ở tuổi thiếu niên, bà là một người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái nhiệt thành, tin rằng cần phải tái lập một nhà nước Do Thái ở Palestine, quê hương cổ xưa của họ.
Khi một giáo đường Do Thái gần nhà từ chối cho bà Golda nói về sự nghiệp này tại một diễn đàn, bà đã không bỏ cuộc. Thay vào đó, bà đứng trên một chiếc ghế bên ngoài cửa và nói lên thông điệp của mình khi giáo đoàn rời khỏi tòa nhà.
Khi cha mẹ bà gây áp lực buộc bà phải bỏ học cấp ba, kết hôn với một người đàn ông lớn tuổi hơn nhiều và nhận công việc thư ký, bà đã từ chối và bỏ trốn khỏi nhà. Khi sống với chị gái ở Denver, đi học và hòa mình vào chính trường Do Thái, bà đã gặp người chồng tương lai của mình, Morris Myerson. Bà đồng ý cưới Morris với một điều kiện: Họ sẽ di cư đến Palestine.
Chuyển đến Palestine
Sau này, bà Golda đã viết trong cuốn hồi ký My Life (Cuộc đời tôi): “Tôi hoàn toàn tin rằng khi là một người Do Thái, tôi thuộc về Palestine. Tôi biết rằng tôi sẽ không trở thành một người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái suông”. Palestine, khi đó là lãnh thổ của Ottoman, phần lớn là nơi ở của người Arab. Nhưng kể từ cuối thế kỷ 19, những người Do Thái châu Âu chạy trốn đàn áp đã liên tục di cư đến đó với hy vọng thành lập một nhà nước.
Khi vợ chồng Golda và Morris rời Mỹ vào năm 1921 để trở thành một phần của cộng đồng Do Thái non trẻ ở Palestine, họ đã gia nhập một kibbutz - tức là hợp tác xã. Ban đầu, những thói quen kiểu Mỹ của bà như dùng khăn trải bàn và là quần áo đã bị những người cùng hợp tác xã chê bai. Nhưng sau này, bà đã giành được sự tôn trọng và ngưỡng mộ vì chăm chỉ trồng cây hạnh nhân và chăn nuôi gà. Cuối cùng, hợp tác xã đã trở thành bàn đạp chính trị của cho bà Golda, khi họ chọn bà làm đại diện cho hợp tác xã tại tổ chức lao động Histadrut - một động lực thúc đẩy hình thành nhà nước Israel.
Thăng tiến trong chính trị, hy sinh gia đình
Từ khi còn nhỏ, Golda Meir đã đấu tranh để theo đuổi mục tiêu của mình và không bó hẹp trong vai trò truyền thống của phụ nữ. Bà xung đột với cha mẹ để theo đuổi con đường học vấn. Sau đó, sau khi chồng khăng khăng muốn rời khỏi hợp tác xã, bà cảm thấy không thỏa mãn khi chỉ làm một người vợ và người mẹ truyền thống cố gắng kiếm sống qua ngày ở Jerusalem. Vì vậy, lúc một người bạn mời bà làm việc ở Tel Aviv trong Hội đồng Lao động Phụ nữ, bà đã chớp lấy cơ hội, mặc dù chồng bà từ chối chuyển đi chỗ khác và chỉ đến thăm bà vào cuối tuần. Cặp đôi chính thức ly thân vào cuối những năm 1930, nhưng chưa bao giờ ly hôn.
Công việc mới đã đưa bà Golda lên nấc thang chính trị, mang lại cho bà những vai trò ngày càng quan trọng, như trở thành quan sát viên người Do Thái tại hội nghị Évian năm 1938. Hội nghị này được triệu tập để thảo luận về hoàn cảnh của những người tị nạn tới từ nước Đức dưới chế độ của Adolf Hitler. Khi Golda ngày càng thăng tiến, bà đã hy sinh thời gian cho gia đình. Bà viết trong hồi ký của mình: “Có một kiểu phụ nữ không thể để chồng con thu hẹp tầm nhìn của mình”.
Đón đọc kỳ cuối: Nhiệm kỳ thủ tướng nhiều sự kiện