Một binh sĩ Quân đội Israel tên là Natanel Touthang đã bị thương sau khi trúng mảnh đạn từ một quả đạn pháo mà lực lượng Hezbollah bắn ở khu vực biên giới Israel - Liban. Người này được đưa tới Bệnh viện Rambam ở Haifa và điều trị các vết thương.
Tất nhiên, đây không phải là trường hợp bị thương duy nhất trong một cuộc xung đột khiến hàng nghìn người thương vong. Tuy nhiên, Touthang, 26 tuổi, không phải là một binh sĩ Israel bình thường vì người này sinh ra ở Phailen, một khu phố ở Churachandpur, Manipur, Ấn Độ. Anh và gia đình chuyển đến Israel vài năm trước và sau đó được cấp quyền công dân.
Vết thương của Touthang là sự cố đầu tiên trong cuộc xung đột này liên quan đến một thành viên của Bnei Menashe - một cộng đồng đến từ các bang Manipur và Mizoram phía Đông Bắc Ấn Độ, nơi các thành viên đang ở tuyến đầu chiến đấu cho Israel - quê hương mà họ mới tìm được.
Bộ tộc bị thất lạc của Israel
Bnei Menashe là một cộng đồng Do Thái của người Kuki và Mizo từ Manipur và Mizoram. Một nửa trong số 10.000 người sống ở Israel và nửa còn lại sống ở Ấn Độ. Những người trong cộng đồng này cho rằng họ thuộc về một trong 12 bộ tộc đã thất lạc của Israel.
Ấn Độ đã có nhiều cộng đồng Do Thái trong khoảng một thiên niên kỷ và Ấn Độ là quốc gia mà cộng đồng này không bị đàn áp. Người Do Thái Cochin là nhóm người Do Thái lâu đời nhất nhưng hiện chỉ còn 26 người sống ở bang Kerala, miền Nam Ấn Độ. Nhiều người đã rời đến thành phố Mumbai của Ấn Độ, nơi họ gia nhập các thành viên khác trong cộng đồng chủ yếu là người Do Thái Bene Israel và người Do Thái Baghdadi. Những nơi khác ở Ấn Độ có dân Do Thái còn có Goa và Madras (nay là Chennai).
Vào thời kỳ đỉnh cao vào cuối những năm 1940, cộng đồng Do Thái ở Bombay có tới gần 30.000 người. Bây giờ, chỉ còn lại chưa đầy 4.000 và hầu hết di cư đến Israel vào những năm 1950.
Người Bnei Menashe tuyên bố họ là những người còn sót lại của một bộ tộc đã thất lạc theo Kinh thánh. Các nhà dân tộc học và di truyền học cho rằng tuyên bố này còn gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, một nửa bộ tộc sống ở Israel và nửa còn lại ở Đông Bắc Ấn Độ. Họ không phải là người Ấn Độ bản địa mà là một nhóm người Tây Tạng - Miến Điện được gọi là Mizo ở bang Mizoram của Ấn Độ và Kuki ở bang Manipur gần đó. Họ là một xã hội bộ lạc truyền thống có tôn giáo riêng cho đến khi Đế quốc Anh đến vùng Đông Bắc Ấn Độ.
Vào cuối thế kỷ 20, những nhóm này đã cải đạo, nhưng khi họ trở nên quen thuộc với Kinh thánh, một số người nhận thấy những điểm tương đồng với tôn giáo cũ của mình. Họ bắt đầu tin rằng Manasia - đấng cứu thế ban đầu của họ - là Manasseh trong Kinh thánh (trong tiếng Do Thái là Menashe). Họ tin rằng họ là hậu duệ của bộ tộc mang tên ông, một trong 10 bộ tộc đã biến mất sau khi Đế quốc Assyria chinh phục Israel vào năm 722 trước Công nguyên.
Đường về nhà
Vào những năm 1970, một phong trào Do Thái hóa nổi lên ở phía Đông Bắc Ấn Độ. Đến những năm 1980, Bnei Menashe (có nghĩa là những đứa con của Menashe) chịu ảnh hưởng của giáo sĩ Israel Eliyahu Avichayil. Giáo sĩ Avichayil đưa các nhóm người này đến Israel, nơi họ chính thức cải sang Do Thái giáo và sau đó trở thành công dân Israel chính thức.
Ông Isaac Thangjom, một người Kuki, kể lại về cuộc di cư của cộng đồng Bnei Menashe đến Israel và Giáo sĩ Avichayil: “Chúng tôi đã liên lạc với ông ấy từ cuối những năm 1970”.
Ngày nay, ông Isaac là Giám đốc điều hành của Degel Menashe. Được thành lập vào năm 2019 và được Israel công nhận là một tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức này đã hỗ trợ cộng đồng Bnei Menashe bằng cách khuyến khích cộng đồng Bnei Menashe hội nhập vào xã hội Israel, thúc đẩy cộng đồng này về mặt giáo dục và nghề nghiệp, giúp cộng đồng phát triển thế hệ sinh ra ở Israel để bảo tồn di sản văn hóa của mình. Ở Ấn Độ, tổ chức này nỗ lực và đẩy mạnh cho nhiều người di cư sang Israel.
Ông Isaac nói rằng chiến tranh ở Israel nổ ra vào thời điểm người dân bộ tộc Kuki đang phải đối mặt với mối đe dọa sống còn ở Manipur.
Tình cờ mà Manipur năm nay đã xảy ra các cuộc đụng độ sắc tộc đẫm máu giữa người Kuki và Meitei, khiến trên 180 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và trên 60.000 người phải di dời. Người Kuki thuộc cộng đồng Beni Menashe được cho là một trong những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ông Lalam Hangshing, một người Kuki và là Chủ tịch Hội đồng Bnei Menashe Ấn Độ, cho biết đã có làn sóng di cư ổn định của người dân từ cộng đồng này sang Israel trong ba thập kỷ qua. Ông Hangshing nói: “Bất cứ ai từ Bnei Menashe đến Israel đều có quyền công dân của đất nước đó. Tuy nhiên, họ phải tuân thủ hệ thống và luật pháp của đất nước này”.
Ông Hangshing cũng cho biết, sau khi di cư, người dân được tuyển dụng dựa trên trình độ học vấn và nhiều người đang làm việc trong các lĩnh vực khác nhau. Ông nói: “Nhiều người chuyển đến Israel vẫn còn người thân ở Ấn Độ. “Thỉnh thoảng họ đến thăm để gặp người thân”.
Bnei Menashe và cuộc chiến Israel - Hamas
Ngày nay có khoảng 5.000 người thuộc Bnei Menashe ở Israel. Họ phải đối mặt với những thách thức như những người nhập cư ở khắp mọi nơi, nhưng họ luôn muốn trở lại Israel - vùng đất mà họ tin là tổ tiên họ đã rời đi cách đây hàng thiên niên kỷ.
Ông Isaac Thangjom nói: “Cộng đồng của chúng tôi sống ở 14 thị trấn và làng mạc từ Sderot ở phía Nam đến Kiryat Shmona ở phía Bắc Israel. Có một số người khác sống ở các thị trấn như Afula, Migdal HaEmek và Tiberias ở vùng thung lũng Galil và Jezreel”.
Vì Sderot nằm ở ngoại vi Gaza và là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong chiến tranh hiện nay giữa Israel và Hamas, nhà của người Bnei Menashe ở đó đã bị trúng tên lửa.
Chính phủ Israel đã sơ tán người dân miền Nam đến các khách sạn ở Jerusalem và các khu nghỉ dưỡng trên bờ Biển Chết, trong đó có cả dân ở Sderot, nơi có 120 gia đình Bnei Menashe sinh sống.
Hiện không rõ số lượng người Bnei Menashe phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Israel nhưng ước tính vào khoảng từ 300 đến 400, cả tại ngũ và dự bị. Khoảng 300 quân dự bị người Bnei Menashe, hầu hết thuộc các đơn vị chiến đấu, đã được triệu tập sau cuộc chiến với Hamas.
Mọi công dân Israel đều phải phục vụ trong quân đội khi đủ 18 tuổi; ba năm đối với nam và hai năm đối với nữ. Không bắt buộc phải nhập ngũ sau khi thực hiện nghĩa vụ bắt buộc. Thay vào đó, phụ nữ có thể tham gia chương trình “Phục vụ quốc gia” và những người có vấn đề về y tế và tâm lý được miễn.
Về mức độ quan trọng mà Bnei Menashe đóng góp cho Israel, ông Yitzhak Thangjom, Giám đốc điều hành Degel Menashe, nói với RT: “Xét rằng tổng dân số Bnei Menashe của Israel chỉ vỏn vẹn 5.000 người, chúng tôi có thể có tỷ lệ thanh niên mặc quân phục cao hơn hầu hết các bộ phận dân cư khác. Tôi nghĩ khi cuộc chiến này kết thúc, Bnei Menashe chúng tôi sẽ cảm nhận mình là người Israel theo một cách khác và sâu sắc hơn những gì chúng tôi đã cảm nhận cho đến bây giờ. Chúng tôi sẽ cống hiến mạng sống của mình cho đất nước này, điều mà rất nhiều người Israel đang và đã làm. Trong cuộc chiến phía trước, một số người trong chúng tôi có thể thiệt mạng. Nếu Israel trở thành một quốc gia khác khi cuộc chiến kết thúc, Bnei Menashe chúng tôi chắc chắn sẽ là một cộng đồng khác”.