Ngày Nakba của người Palestine

Hàng năm vào ngày 15/5, 12,4 triệu người Palestine trên khắp thế giới lại nhớ tới ngày Nakba, nghĩa là thảm họa. Năm 2023 là năm kỷ niệm lần thứ 75 diễn ra sự kiện này.

Chú thích ảnh
Người Palestine năm 1948. Ảnh: Reuters

Vào ngày đó, Nhà nước Israel ra đời. Trong quá trình thành lập Israel, hàng trăm nghìn người Palestine đã bị ảnh hưởng.

Từ năm 1947 đến năm 1949, ít nhất 750.000 người Palestine trong tổng số 1,9 triệu người đã phải tị nạn bên ngoài biên giới nhà nước Do Thái. Các lực lượng theo chủ nghĩa Do Thái đã hiện diện ở hơn 78% diện tích lịch sử của Palestine. Trong giai đoạn đó, người Palestine mất khoảng 530 ngôi làng và thành phố, khoảng 15.000 người Palestine thiệt mạng.

Mặc dù ngày 15/5/1948 trở thành ngày chính thức kỷ niệm Nakba, nhưng quá trình di dời của người Palestine đã diễn ra sớm hơn nhiều. Trên thực tế, đến ngày 15/5, một nửa tổng số người tị nạn Palestine đã phải rời khỏi đất nước mình.

Nguồn gốc của Nakba bắt nguồn từ sự xuất hiện của Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái - một hệ tư tưởng chính trị ở Đông Âu cuối thế kỷ 19. Hệ tư tưởng này dựa trên niềm tin rằng người Do Thái là một quốc gia, một chủng tộc xứng đáng có nhà nước riêng.

Từ năm 1882 trở đi, hàng nghìn người Do Thái ở Đông Âu và Nga bắt đầu định cư ở Palestine. Họ tới đây vì bị cuốn theo sức hấp dẫn của Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái và do cuộc đàn áp bài Do Thái cũng như các cuộc tàn sát mà họ phải đối mặt ở Đế quốc Nga.

Năm 1896, nhà báo người Áo Theodor Herzl đã xuất bản một cuốn sách được coi là cơ sở tư tưởng cho Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái chính trị. Cuốn sách có tên Der Judenstaat, tức là “Nhà nước Do Thái”. Nhà báo Herzl kết luận rằng giải pháp để chấm dứt tâm lý bài Do Thái và các cuộc tấn công người Do Thái kéo dài hàng thế kỷ ở châu Âu là thành lập một nhà nước Do Thái.

Mặc dù một số người tiên phong của phong trào này ban đầu ủng hộ thành lập nhà nước Do Thái ở những nơi như Uganda và Argentina, nhưng cuối cùng họ vẫn kêu gọi xây dựng nhà nước ở Palestine dựa trên quan niệm trong Kinh thánh rằng Thánh địa này đã được Chúa hứa ban cho người Do Thái.

Vào những năm 1880, cộng đồng người Do Thái ở Palestine (được gọi là Yishuv) chiếm 3% tổng dân số. Trái với những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đến Palestine sau này, Yishuv ban đầu không có tham vọng xây dựng nhà nước Do Thái hiện đại ở Palestine.

Sau khi Đế chế Ottoman tan rã (1517-1914), người Anh đã chiếm đóng Palestine theo hiệp ước bí mật Sykes-Picot năm 1916 giữa Anh và Pháp nhằm chia cắt Trung Đông vì lợi ích đế quốc.

Năm 1917, trước khi bắt đầu thời kỳ uỷ trị của Anh (1920-1947), người Anh đã ban hành Tuyên bố Balfour, hứa hẹn sẽ giúp thành lập một mái nhà quốc gia cho người Do Thái ở Palestine.

Trung tâm của cam kết là ông Chaim Weizmann, một nhà lãnh đạo và nhà hóa học theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái sinh ra tại Nga và làm việc tại Anh. Ông Weizmann đã vận động tích cực trong hơn hai năm với cựu Thủ tướng Anh David Lloyd-George và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Arthur Balfour để Anh cam kết công khai về việc xây dựng quê hương cho người Do Thái ở Palestine.

Thông qua ủng hộ các mục tiêu của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái ở Palestine, người Anh hy vọng họ có thể khiến cộng đồng người Do Thái tương đối đông ở Mỹ và Nga ủng hộ nỗ lực của phe Đồng minh trong Thế chiến I. Họ cũng tin rằng Tuyên bố Balfour sẽ đảm bảo quyền kiểm soát của mình đối với Palestine sau chiến tranh.

Chú thích ảnh
Người Do Thái ở châu Âu đến thành phố Haifa của người Arab gốc Palestine 5 tuần trước khi Israel được tuyên bố là một nhà nước. Ảnh: Reuters

Từ năm 1919 trở đi, được người Anh tạo điều kiện, số lượng người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái nhập cư vào Palestine đã tăng lên đáng kể. Ông Weizmann, người sau này trở thành tổng thống đầu tiên của Israel, đang thực hiện ước mơ biến Palestine “trở thành nơi dành cho Do Thái như nước Anh là dành cho người Anh”.

Từ năm 1922 đến năm 1935, dân số Do Thái đã tăng từ 9% lên gần 27% tổng dân số ở Palestine.

Các trí thức Arab và Palestine hàng đầu đã nói về động cơ của phong trào Phục quốc Do Thái ngay từ năm 1908. Khi Đức Quốc xã nắm quyền ở Đức từ năm 1933 đến năm 1936, 30.000 đến 60.000 người Do Thái ở châu Âu đã đến bờ biển Palestine.

Năm 1936, người Arab gốc Palestine phát động một cuộc nổi dậy quy mô lớn chống người Anh, phản đối người Anh ủng hộ chủ nghĩa thực dân và ủng hộ người định cư theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Sự kiện được gọi là Cuộc nổi dậy Arab. Chính quyền Anh đã đàn áp cuộc nổi dậy kéo dài đến năm 1939 một cách bạo lực. Họ đã phá hủy ít nhất 2.000 ngôi nhà của người Palestine, đưa 9.000 người Palestine vào các trại tập trung và thẩm vấn bạo lực, tra tấn, trục xuất 200 nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Palestine.

Ít nhất 10% nam giới Palestine đã bị giết, bị thương, bị lưu đày hoặc bị bỏ tù vào cuối cuộc nổi dậy.

Chính phủ Anh lo lắng về bùng phát bạo lực giữa người Palestine và những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái nên đã cố gắng hạn chế người Do Thái ở châu Âu nhập cư vào một số thời điểm. Những người vận động hành lang theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái ở London đã đảo ngược nỗ lực này.

Năm 1944, một số nhóm vũ trang theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đã tuyên chiến với Anh vì cố gắng hạn chế người Do Thái nhập cư vào Palestine vào thời điểm người Do Thái đang phải chạy trốn khỏi nạn diệt chủng Holocaust. Các tổ chức bán quân sự theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đã phát động một số cuộc tấn công người Anh, trong đó đáng chú ý nhất là vụ đánh bom khách sạn King David năm 1946, nơi đặt trụ sở hành chính của Anh, khiến 91 người thiệt mạng.

Đầu năm 1947, chính phủ Anh tuyên bố sẽ bàn giao thảm họa mà họ đã gây ra ở Palestine cho Liên hợp quốc và chấm dứt dự án thuộc địa ở đó. Ngày 29/11/1947, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 181, khuyến nghị chia Palestine thành các nhà nước Do Thái và Arab.

Vào thời điểm đó, người Do Thái ở Palestine chiếm 1/3 dân số và sở hữu chưa đến 6% tổng diện tích đất đai. Theo kế hoạch phân chia của Liên hợp quốc, họ được phân bổ 55% đất đai, bao gồm nhiều thành phố lớn có người dân đa số là người Arab gốc Palestine sinh sống và có cả đường bờ biển quan trọng từ Haifa đến Jaffa. Theo kế hoạch, nhà nước Arab sẽ bị mất các vùng đất nông nghiệp và cảng biển quan trọng, khiến người Palestine từ chối đề xuất này.

Ngay sau Nghị quyết 181 của Liên hợp quốc, chiến tranh nổ ra giữa người Arab gốc Palestine và các nhóm vũ trang theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Các nhóm vũ trang này đã được đào tạo kỹ lưỡng và có vũ khí khi chiến đấu cùng người Anh trong Thế chiến thứ hai.

Dưới hoạt động của các nhóm bán quân sự theo chủ nghĩa Do Thái, hàng loạt người Palestine đã phải rời các thị trấn và làng mạc, mà đỉnh điểm là sự kiện Nakba.

Một số nhà tư tưởng theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái khẳng định không có bằng chứng về kế hoạch tổng thể có hệ thống để trục xuất người Palestine nhằm thành lập nhà nước Do Thái, và rằng việc người Palestine bị tước quyền sở hữu đất là kết quả ngoài ý muốn của cuộc chiến.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Al Jazeera)
Chiến tranh Yom Kippur và chiến thắng... 'thất bại' của Israel - Kỳ 2: Mưu kế của Sadat
Chiến tranh Yom Kippur và chiến thắng... 'thất bại' của Israel - Kỳ 2: Mưu kế của Sadat

Để hiểu được thành công ban đầu của liên minh Arab, người ta phải bắt đầu từ tầm nhìn chính trị và quân sự phi thường của Tổng thống Ai Cập khi đó, Anwar Sadat, kiến trúc sư vĩ đại của cuộc chiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN