Vụ không tặc mà hai Thủ tướng Israel tương lai làm biệt kích giải cứu - Kỳ 1

Năm 1972, đội biệt kích Israel – trong đó có đặc nhiệm Benjamin Netanyahu trẻ tuổi, dưới sự chỉ huy của Ehud Barak - hai người sau này đều trở thành Thủ tướng Israel – đã xông vào một chiếc máy bay ở Tel Aviv để giải cứu nó khỏi những tên không tặc thuộc nhóm "Tháng Chín Đen".

Chú thích ảnh
Đặc nhiệm Ehud Barak, trái, cải trang thành kỹ thuật viên máy bay, trong vụ giải cứu máy bay bị không tặc cướp năm 1972, tại sân bay Lod. Ảnh: IDF 

NỮ KHÔNG TẶC SỐNG SÓT

Năm 2015, một bộ phim tài liệu của Israel đã kể lại câu chuyện từ cả hai phía, trong đó có lời kể của nữ không tặc còn sống sót Theresa Halsa. Halsa chỉ mới 18 tuổi khi cướp chuyến bay 571 của hãng hàng không Sabena (Hãng Hàng không quốc gia Bỉ).

Liệu cô ta có sẵn sàng chết? "Tất nhiên rồi. Mọi người tham gia vào chiến dịch đều sẵn sàng chết", Halsa kể với đoàn làm phim từ nhà riêng ở Amman, Jordan, hơn 40 năm sau vụ không tặc.

Halsa là một trong hai người sống sót trong số bốn tên không tặc thuộc nhóm "Tháng Chín Đen" đã khống chế chiếc Boeing 707 của hãng hàng không Sabena 20 phút sau khi chuyến bay cất cánh từ Vienna đến Tel Aviv vào ngày 8/5/1972. Sau khi buộc cơ trưởng người gốc Anh của máy bay là Reginald Levy phải hạ cánh xuống sân bay Lod (nay là sân bay Ben Gurion), những kẻ không tặc đã yêu cầu thả 315 người Palestine bị kết tội khủng bố khỏi nhà tù của Israel và đe dọa sẽ cho nổ tung máy bay cùng hành khách nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng.

Halsa nhớ lại, trong suốt 30 giờ cô ta và đồng bọn khống chế 90 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn. Cô ta đã nghĩ mình sẽ chết. “Tôi nghĩ mình sẽ bị lính Israel bắn. Hoặc chúng tôi sẽ cho nổ tung máy bay nếu yêu cầu của chúng tôi không được đáp ứng. Tôi sẵn sàng chết vì tôi muốn làm cho người châu Âu và người Mỹ nhận ra rằng có một dân tộc Palestine và họ đã bị người Israel đối xử bất công", Halsa nói trong bộ phim tài liệu.

Chú thích ảnh
Trong ảnh chụp ngày 15/5/1972, quân đội Israel tuần tra quanh đường băng 26, nơi chiếc máy bay Sabena bị cướp nằm trên mặt đất và không thể cất cánh từ Sân bay Quốc tế Lod. Ảnh: AP

"Tháng Chín Đen" được đặt tên để tưởng nhớ cái chết và sự trục xuất của hàng nghìn người Palestine ở Jordan vào tháng 9/1970, nhưng nhóm này trở nên khét tiếng chủ yếu bởi các cuộc tấn công vào các mục tiêu của Israel, đặc biệt là vụ sát hại 11 vận động viên Israel tại Thế vận hội Mùa hè Munich năm 1972, chỉ vài tuần sau vụ cướp chuyến bay 571.

Nhưng làm thế nào mà một nữ y tá người Arab gốc Israel lại trở thành một tên không tặc? "Đó là một câu chuyện dài. Thật khó để nói chuyện qua điện thoại với vốn tiếng Anh kém cỏi của tôi", Halsa nói.

Halsa xuất thân từ một gia đình theo đạo Cơ đốc Arab và tốt nghiệp một trường học của Israel ở Acre. Cô ta nói rằng cô muốn gia nhập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) vì thái độ thù địch ngày càng tăng của người Do Thái đối với người Arab trong và ngoài Israel.

Sáu tháng trước vụ không tặc, Halsa đã vượt qua biên giới Israel-Liban và tham gia huấn luyện tại một trại gần Beirut, học cách sử dụng súng ngắn, đai nổ và lựu đạn. Đầu năm 1972, cô ta cùng ba thành viên Palestine khác trong nhóm "Tháng Chín Đen" được chọn để tiến hành cướp chuyến bay 571. Bốn người – gồm Ali Taha Abu Snina, Abed al-Aziz Atrash, Rima Tannous và Halsa – chỉ gặp nhau một ngày trước khi đóng vai hai cặp vợ chồng trẻ, lên máy bay và khống chế chuyến bay 571.

Họ bay từ Liban bằng hộ chiếu giả đến Rome, nơi họ được cung cấp hộ chiếu giả của Ý, trước khi bay đến Frankfurt, rồi Brussels. Tại đây, hai "cặp vợ chồng" lên chuyến bay 571 cũng với hộ chiếu giả, bắt đầu hành trình đến Israel.

Chú thích ảnh
Theresa Halsa (phải) người vấy đầy máu rời máy bay khi cuộc giải cứu con tin kết thúc ngày 9/5/1972. Ảnh: AP

Chuyến bay Sabena 571 chỉ có được một chút bình yên sau khi cất cánh. Hai mươi phút sau, bọn khủng bố đột nhập vào buồng lái chiếm quyền điều khiển máy bay. Mặc dù bị tấn công và đe dọa, Cơ trưởng người Anh gốc Israel Reginald Levy đã cố gắng hết sức để giữ cho hành khách bình tĩnh, không hoảng loạn, bằng cách trò chuyện đủ thứ với những kẻ khủng bố và trấn an hành khách: "Như các bạn thấy đấy, chúng ta có bạn trên tàu bay!".

Bốn tên khủng bố được trang bị hai khẩu súng ngắn, hai quả lựu đạn và hai đai nổ. Những kẻ không tặc yêu cầu cơ trưởng Levy bay đến sân bay Lod gần Tel Aviv.

Levy nhận ra quyết tâm của bọn khủng bố là cho nổ tung máy bay nếu yêu cầu của chúng không được đáp ứng. Sau đó, ông quyết định gửi tín hiệu báo nguy đến giới lãnh đạo Israel và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Moshe Dayan. Chiếc máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Lod.

Nhật ký chính thức được Bộ Quốc phòng Israel sau này công bố đã ghi lại chính xác chuỗi sự kiên xảy ra vào ngày 8 và 9/5/1972. Theo nhật ký, chiếc máy bay bị cướp đã hạ cánh xuống thành phố Lod lúc 5h15 chiều 8/5. Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Dayan đang ngồi trên trực thăng trở về sau chuyến công du ở Bán đảo Sinai, lập tức tới cuộc họp nội các ở Jerusalem.

Chú thích ảnh
Tham mưu trưởng IDF khi đó, David Elazar tại Sân bay Lod, sau vụ cướp chuyến bay Sabena 571. Ảnh: IDF

Tiếp đó, ông Dayan cùng với Bộ trưởng Giao thông Shimon Peres, Tư lệnh quân đội David Elazar và các quan chức quốc phòng khác tập trung tại tháp điều khiển của sân bay Lod để xử lý vụ không tặc, trong một nỗ lực giải cứu có mật danh là “Chiến dịch Isotope” (Chiến dịch Đồng vị)

Bốn thành viên của nhóm Tháng Chín Đen yêu cầu thả 315 tù nhân Palestine để đổi lấy 97 hành khách và thành viên phi hành đoàn.

“Bọn chúng nói rằng chúng có thuốc nổ và nếu ta không làm theo những gì được yêu cầu, chúng sẽ cho nổ máy bay. Không ai được đến gần máy bay”, ông Dayan nói trong cuộc điện đàm từ tháp không lưu Lod với nữ Thủ tướng Golda Meir.

Từ buồng lái máy bay, cơ trưởng người Anh gốc Israel Reginald Levy cũng cảnh báo các quan chức đang “trực chiến” tại sân bay: “Hãy thực sự nghiêm túc với họ. Nếu không nhận được bộ nguồn ngay lập tức, họ sẽ cất cánh”. Ông nhắc đến một bộ phận năng lượng mặt đất của máy bay được thiết kế để duy trì tất cả các chức năng của máy bay hoạt động khi đang đậu mà không lãng phí nhiên liệu.

Bộ trưởng Quốc phòng Dayan đồng ý giao một bộ nguồn. Khi các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra trong đêm, các quan chức Israel đã có lúc cân nhắc việc giao các tù nhân Palestine để đổi lấy hành khách. Nhưng ý kiến này bị Tư lệnh Elaza phản đối: “Chúng ta muốn gì – chiếm lấy (máy bay) hay trao đổi tù nhân với hành khách? Tôi phản đối việc trao đổi”.

Chiến lược của phía Israel lúc này là “câu” giờ để chuẩn bị cho một cuộc giải cứu. Lợi dụng đêm tối, các đặc vụ Israel đã ngầm phá hoại máy bay, ngăn nó có thể rời đi, trong khi những kẻ khủng bố tin rằng đó là lỗi kỹ thuật của máy bay.

Vào lúc 2h20 sáng, Tư lệnh quân đội Elazar trình bày với Bộ trưởng Quốc phòng Dayan kế hoạch tác chiến tấn công máy bay, và vài phút sau Dayan gọi điện cho Thủ tướng Meir để phê duyệt.

“Elazar đề xuất một hoạt động xâm nhập cưỡng bức. Các điều kiện hoạt động tổng thể là tốt. Cơ trưởng của máy bay thông báo với chúng tôi rằng anh ấy đã để cửa phòng phi công mở. Tôi không thể đảm bảo chiến dịch sẽ kết thúc mà không có thương vong. Nếu chúng tôi không làm điều này - đó có thể là một cơ hội bị bỏ lỡ”, Dayan nói với Thủ tướng Meir trong cuộc gọi lúc 2h30 sáng.

Xem tiếp Kỳ cuối: Sayeret Matkal ra tay

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Times of Israel, Telegraph)
Vụ không tặc mà hai Thủ tướng Israel tương lai làm biệt kích giải cứu - Kỳ cuối
Vụ không tặc mà hai Thủ tướng Israel tương lai làm biệt kích giải cứu - Kỳ cuối

Các biệt kích Sayeret Matkal, trong đó có Ehud Barack và Netanyahu, cải trang thành thợ máy, tấn công vào máy bay bị không tặc, tiêu diệt hai tên khủng bố nam và bắt hai tên khủng bố nữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN