Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, kỹ sư Đức Wernher von Braun (cha đẻ của bom V-1 và V-2), người đứng đầu chiến dịch tấn công bằng tên lửa tàn khốc vào các đối thủ của Đức quốc xã, đề xuất mở một cuộc tấn công bất ngờ bằng tên lửa đạn đạo vượt đại châu А-9/10 vào nước Mỹ. Tên lửa đạn đạo A-9/10 sẽ phải bay băng qua Đại Tây Dương trong vòng 35 phút, vượt qua quãng đường 5.000km, sử dụng hết 70 tấn nhiên liệu và đưa khối thuốc nổ nặng 1 tấn tới mục tiêu.
Với toan tính làm cho cuộc tấn công này gây ấn tượng mạnh, người Đức chọn mục tiêu đầu tiên là Tòa nhà tháp Empire State – tòa nhà cao nhất New York lúc bấy giờ. Nếu như Tòa nhà “chọc trời” Empire State bị tên lửa Đức bắn trúng và nổ tung, thì cả nước Mỹ chắc chắn sẽ hoảng sợ. Nếu một loạt cuộc tấn công tiếp theo bằng tên lửa nhắm vào nước Mỹ cũng thành công như vậy, thì đây chắc chắn sẽ là một sức ép lớn, buộc Mỹ phải thương lượng riêng với nước Đức để rút khỏi cuộc chiến. Ban lãnh đạo Đức quốc xã đã tính toán như vậy.
Do thời bấy giờ các thiết bị dẫn đường cho tên lửa đạn đạo còn lạc hậu, nên để đánh trúng mục tiêu, ban đầu, giới quân sự Đức đề xuất phương án cải tiến phần đầu đạn của tên lửa vượt đại châu A-9/10, lắp vào đó một khoang lái có người điều khiển. Một phi công liều chết sẽ ngồi vào khoang lái đó và điều khiển tên lửa bay thẳng đến mục tiêu.
Phương án này đã lập tức bị Tổng công trình sư Wernher von Braun bác bỏ với hai lý do. Thứ nhất, việc tạo khoang lái cho phi công sẽ làm giảm bớt khối lượng thuốc nổ lắp vào đầu đạn tên lửa, và như vậy sẽ làm giảm sức công phá. Thứ hai, một phi công lái máy bay chiến đấu không đủ kinh nghiệm để điều khiển một quả tên lửa bay với tốc độ phi thường tới mục tiêu một cách chính xác.
Wernher von Braun đề nghị cử một toán gián điệp biệt kích Đức đổ bộ lên đất Mỹ với nhiệm vụ bí mật lắp đặt thiết bị dẫn đường bằng tín hiệu vô tuyến điện lên nóc tòa nhà chọc trời này của Mỹ. Thiết bị này sẽ dẫn đường cho quả tên lửa bay chính xác tới mục tiêu.
Thực hiện kế hoạch của Wernher von Braun, chiến dịch tấn công nước Mỹ mang mật danh Magpie do Tổng cục An ninh Đức quốc xã (RSHA) phát động đã bắt đầu. Đêm 30/11/1944, tàu ngầm Đức bí mật tới vùng biển phía đông nước Mỹ, chở theo hai gián điệp Đức. Hai người này dùng xuồng cao su bơi vào đất Mỹ. Vào tới bờ, họ chọc thủng và nhấn chìm chiếc xuồng cao su; sau đó họ đi theo hai hướng khác nhau.
Gián điệp thứ nhất mang căn cước công dân Mỹ với tên Jack Miller. Đây là một biệt kích dày kinh nghiệm của RSHA, tên thật là Erich Gimpel – kỹ sư vô tuyến điện. Từ năm 1935, y từng là gián điệp của Đức hoạt động ở các địa bàn Anh, Mỹ và Peru. Gián điệp thứ hai mang bí danh Edward Greene – một người Mỹ gốc Đức có tên thật là William Kolpag. Từng tốt nghiệp Học viện kỹ thuật quân sự Massachusetts và Học viện Hải quân Hoa Kỳ, William Kolpag được Đức quốc xã tuyển dụng ở Boston và đã hoàn thành một số nhiệm vụ tình báo cho nước Đức. Trước chiến dịch Magpie, Gimpel và Kolpag đã trải qua khóa huấn luyện đặc biệt về kỹ thuật dẫn đường cho tên lửa đạn đạo tại hãng Siemens. Sau khi đổ bộ vào Mỹ từ tầu ngầm, cả hai đã đến New York an toàn. Nhưng vận may của họ chỉ đến đấy...
Kolpag đã tìm tới một người quen cũ để nhờ xin việc làm trong tòa nhà chọc trời Empire State. Người mà ông ta dự định chiêu mộ là cựu chiến binh Tom Warrens. Tom Warrens giả vờ đồng ý, nhưng sau đó đã báo cáo về âm mưu này với Cục Điều tra Liên bang (FBI). Ban đầu, các nhân viên FBI tỏ ra hoài nghi về khả năng có một âm mưu như vậy từ phía Đức quốc xã. Thật khó để tưởng tượng được rằng, vào giai đoạn cuối của Thế chiến hai, khi Hồng quân Liên Xô đã tiến tới sát gần thủ đô Berlin, mà Đức quốc xã lại có thể nghĩ đến chuyện lên kế hoạch tấn công khủng bố ở mãi tận bên kia bờ Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, Tom Warrens vẫn khăng khăng đòi FBI phải ngay lập tức bắt giữ Kolpag. Ngay trong lần thẩm vấn đầu tiên, Kolpag đã thành khẩn khai báo về bản thân cũng như đồng đội Gimpel. Đương nhiên là Kolpag không thể biết Gimpel đang ở đâu. FBI đã lập tức huy động toàn bộ lực lượng cảnh sát New York và hàng nghìn đặc vụ FBI vào cuộc truy lùng tên biệt kích Đức nguy hiểm Gimpel.
Ở thời điểm đó, Gimpel đang sống ở khách sạn Pennsylvania. Y đã kiếm được việc làm tại một văn phòng dịch vụ du lịch có trụ sở trên tầng cao nhất của Tòa nhà Empire State. Từ đây, y đã kịp gửi một bức điện được mã hóa về Berlin.
Việc Gimpel sa lưới khá ly kỳ. Số là, qua khai thác đối tượng Kolpag, các nhân viên FBI đã phát hiện ra một thói quen khá đặc biệt của Gimpel: Y không để tiền xu trong ví mà để ở túi ngực của áo com-lê, nơi mà mọi người hay để chiếc khăn tay. Cận lễ Giáng sinh năm đó, một người đàn ông ăn mặc bảnh bao đến gần quầy bán báo ở Quảng trường Thời đại. Miệng vẫn ngậm xì gà, y hỏi mua một tờ họa báo. Khi nhận tiền trả lại, y nhét mấy đồng xu lẻ vào túi ngực áo com-lê. Cũng giống như nhiều nhân viên bán hàng khác ở khu vực này, nhân viên bán báo đã được FBI thông báo trước về đặc điểm của đối tượng nên đã kịp thời ra hiệu cho các đặc vụ FBI đang làm nhiệm vụ…
FBI lập tức báo cáo Tổng thống Franklin Roosevelt về vụ bắt giữ các gián điệp biệt kích Đức. Roosevelt đã ra lệnh giao chúng cho Tòa án Quân sự xét xử với tội danh hoạt động gián điệp và mưu toan phá hoại an ninh quốc gia. Kế hoạch của RSHA dùng tên lửa đạn đạo vượt đại châu tấn công khủng bố vào nước Mỹ đã bị đập tan.
Wernher von Braun viết trong hồi ký sau chiến tranh: “Tháng 1/1945, Hồng quân Liên Xô ngày càng tiến sát thủ đô Berlin. Tôi nhận được lệnh nhanh chóng rời Berlin với toàn bộ tài liệu về tên lửa hành trình (bom bay V-1 và V-2) và về tên lửa đạn đạo vượt đại châu A-9/10. Cùng lúc, tôi lại nhận được một lệnh khác với nội dung hoàn toàn ngược lại – Cố thủ tại Berlin và nếu cần thì thiêu hủy toàn bộ tài liệu!. Trong tình huống rất khẩn cấp lúc bấy giờ, tôi đã triệu tập một cuộc họp của các vị chỉ huy đơn vị mà tôi phụ trách. Số đông chỉ huy có mặt trong cuộc họp hôm ấy đã biểu quyết ủng hộ việc đưa toàn bộ đơn vị và tài liệu rời Berlin và di chuyển về phía Tây...”.
Cùng với việc đóng gói tài liệu, Wernher Von Braun đã ra lệnh cho thuộc hạ tháo dỡ toàn bộ các thiết bị thí nghiệm để đem theo. 2.000 xe ô tô tải được huy động để vận chuyển hàng tấn thiết bị, bao gồm các bộ phận và linh kiện tên lửa, các thiết bị khoa học, các tài liệu, bản vẽ, nhật ký ghi chép công việc đã làm...
Rồi thì việc gì phải đến đã đến: Các chuyên gia hàng đầu về vũ khí tên lửa của Đức quốc xã đã quy hàng Sư đoàn 44 của Mỹ. Toàn bộ các tài liệu và thiết bị, khí tài tối mật của Đức quốc xã rơi vào tay người Mỹ. Nhưng "chiến lợi phẩm" quý giá nhất mà người Mỹ có được lúc đó lại chính là nhà thiết kế tên lửa Wernher Von Braun, thuộc hạ thân tín của Hitler và Himmler.
Tất cả các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tên lửa của Đức quốc xã đã được đưa về nước Mỹ. Tại đây, thay vì bị đưa ra trước Tòa án binh để xét xử về tội ác chiến tranh, họ lại được nước Mỹ trọng dụng. Ông trở thành người phụ trách chương trình nghiên cứu Mặt Trăng của Mỹ, người đã thiết kế - chế tạo tên lửa và tàu vũ trụ Apollo đưa các phi hành gia Mỹ lên Mặt Trăng vào tháng 7/1969.