Một quyền chỉ hình thành nếu sau khi được khẳng định, nó vẫn được duy trì trong một số điều kiện nhất định. Đó cũng là điều mà cơ chế luật tính theo thời điểm đòi hỏi. Mọi khiếu nại đặt ra từ khi khẳng định quyền, mọi trở ngại cho việc thực hiện quyền đó đều làm cho quyền này yếu đi và có thể bị bàn cãi. Do vậy, cần phải kiểm tra các thái độ của từng bên tranh chấp có thể có.
Bản đồ Việt Nam thời Nguyễn vẽ khoảng năm 1838, đã vẽ "Hoàng Sa", "Vạn lý Trường Sa" thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam. |
Trường hợp của Trung Quốc cần được nghiên cứu trên cơ sở hai câu hỏi: (1) Có phải Trung Quốc tự họ đã giành được các quyền, cùng cạnh tranh với các quyền của Việt Nam trong thời kỳ này không? (2) Có phải Trung Quốc đã giành được các quyền, thông qua các quyền của Việt Nam, theo cơ chế của chế độ chư hầu gần hai nhà nước với nhau hay không?
Như đã thấy ở phần trên, các tài liệu của Trung Quốc không cho phép xác định là đã có sự thụ đắc chủ quyền lãnh thổ cho đến đầu thế kỷ thứ XVIII. Từ thời điểm đó, có các sự kiện mới xác lập các quyền có lợi cho phía Trung Quốc hay không? Một cuốn sách do Trung Quốc xuất bản đã kể lại điều này: “Dưới triều Thanh, Quách Tông Đào, Công sứ Trung Quốc được ủy nhiệm ở Anh, trên đường đến nhiệm sở để nhậm chức vào năm 1876, đã viết trong Sứ Tây kỷ trinh (notes sur mon voyage de mission à l’Ouest - Những điều ghi về cuộc hành trình sang phương Tây) như sau: “Con tàu, sau khi đã vượt 813 dặm, đến giữa trưa ngày 24 (tháng 10, năm thứ hai đời Quảng Tự) đã tới một điểm ở 17°.30’ Bắc xích đạo, cách phía Nam Quỳnh Châu 200 đến 300 dặm. Các thủy thủ gọi nơi này là biển Trung Hoa (China sea), nghĩa là biển Trung Quốc... Cách đó không xa, ở bên trái, là các đảo Hoàng Sa (các đảo Tây Sa) sản xuất ra hải sâm và cả san hô nhưng không phải là loại tốt. Các đảo này thuộc Trung Quốc”.
Tài liệu nói trên không ghi rõ ngày tháng và lời trích dẫn cũng không ghi. Cứ giả sử nó là xác thực và đã được dịch một cách chính xác, thì đó là một ghi chép của một chuyến đi. Tác giả đã không đứng trên lập trường chính thức và ngay cả khi ông ta là một nhà ngoại giao trên đường đến nhiệm sở tại châu Âu, lời mà ông ta đã ghi thoáng qua về việc các đảo thuộc về Trung Quốc, dù có thú vị thế nào chăng nữa, thì cũng không phải là một căn cứ đủ để cho một vài tác giả khẳng định đã từng có một yêu sách của Trung Quốc trong thời kỳ xa xưa.
Trong tất cả các tài liệu Trung Quốc đều nhắc lại rằng các ngư dân Trung Quốc đã đến các đảo vào mọi thời. Nhưng, như đã biết (xem phần 1), đó chỉ là những hành vi cá nhân, không có đặc quyền, không phù hợp với một sự chiếm hữu cũng như với ý định khẳng định chủ quyền bởi vì việc chiếm cứ do các tư nhân không hành động nhân danh chính phủ của họ, mà thực hiện vì một lợi ích cá nhân không tạo thành một sự chiếm hữu. Hơn nữa, trong cùng những thời kỳ này, chính các quần đảo đó cũng thường được các dân chài Việt Nam lui tới. Trên thực tế, đã không có một chút dấu vết gì là Trung Quốc từng phản kháng lại sự khẳng định chủ quyền của Hoàng đế Gia Long và các người kế nhiệm ông trong suốt cả thế kỷ XVIII cũng như thế kỷ XIX, khi các chúa Việt Nam tổ chức việc khai thác các đảo nằm dưới quyền tài phán của họ một cách hành chính hơn.
Chúng ta có thể tìm thấy trong các văn tập lịch sử Trung Quốc những lời xác nhận sự không tồn tại tham vọng của Trung Quốc trong lịch sử. Ví như trong Hải lục, có viết: “Vạn Lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên đậu của An Nam”, điều đó cho phép kết luận rằng “… ở đây, không có bằng chứng nào cho thấy nhà Thanh đã sáp nhập các đảo này vào lãnh thổ của đế chế”. Từ đó ta thấy rằng Trung Quốc không có các hành vi thực thi chủ quyền mà còn im lặng, họ hình như đã đồng tình với sự chiếm hữu của Việt Nam. Một số sử gia đã đưa ra lời giải thích: “… Từ thời Gia Long xa xưa, những người láng giềng duy nhất có thể chiếm các đảo Hoàng Sa là người Trung Quốc thì đã ở quá xa; việc chiếm đóng Hải Nam lúc đó chỉ là trên danh nghĩa. Cho đến những năm gần đây, người Trung Quốc chỉ chiếm đóng có một vùng hẹp dọc bờ biển phía Bắc đảo và một hay hai cảng ở bờ biển Nam”.
Như vậy, có thể thừa nhận rằng Trung Quốc đã không tha thiết đối với các quần đảo suốt trong thế kỷ XIX (vả lại Trung Quốc cũng chứng tỏ điều ấy trong những năm cuối thế kỷ này). Sự thờ ơ của Trung Quốc đối với các quần đảo trong thời kỳ này đã được hai tài liệu xác nhận: bản đồ Trung Hoa của đế chế thống nhất Hoàng triều nhất thống Dư đị tổng đồ, phát hành vào năm 1894, lãnh thổ Trung Quốc trong đó chỉ mở rộng tới đảo Hải Nam. Ngoài ra, quyển sách “Trung Quốc Địa lý học giáo khoa thư”, phát hành năm 1906 nêu ở trang 241 rằng “điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu đảo Quỳnh Châu, ở vĩ tuyến 18°13’ Bắc”.