Chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa từ các chứng cứ lịch sử - Phần cuối

Nền độc lập của Việt Nam đối với Trung Quốc đã được cụ thể hóa trong những năm Pháp xâm lược Việt Nam (trước thời kỳ bảo hộ) bởi chính khi đó, Trung Quốc không quan tâm đến vấn đề này. Từ đó cho thấy lập luận của Trung Quốc rút ra từ các vấn đề chư hầu không thể có giá trị pháp lý.

 

Bia chủ quyền do Pháp xây dựng tại Hoàng Sa những năm 1930. Bia này là sự tiếp nối bia chủ quyền được Vua Minh Mạng cho xây dựng tại Hoàng Sa đầu thế kỷ 19.


Một tiền lệ xét xử quan trọng trước đây đã củng cố điều khẳng định này. Thật vậy, trong vụ Minquers và Écréhous, người ta đã bảo vệ các lập trường giống như lập trường bây giờ về các quần đảo ở vùng biển Trung Quốc gọi là Nam Trung Hoa, Việt Nam gọi là Biển Đông. Nước Pháp khẳng định có các quyền ban đầu chỉ với lý do là các công tước Normandie trước đây là chư hầu của các vua nước Pháp, và các vua Anh đã nhận quận là đất tấn phong. Anh đã phản bác lại là danh hiệu của các vua nước Pháp đối với xứ Normandie là hoàn toàn danh nghĩa. Thấy rằng đây là những quan điểm không rõ ràng về một thời kỳ phong kiến xa xôi, tòa án đã nhận định rằng nếu các vua Pháp có danh nghĩa phong kiến ban đầu bao gồm các đảo trên biển Manche, thì danh nghĩa đó cũng không còn tồn tại vào năm 1204, và tòa đã bổ sung thêm: “Một danh nghĩa phong kiến ban đầu như vậy của các vua nước Pháp đối với các đảo trên biển Manche, ngày nay đã không còn hiệu lực pháp lý, trừ trường hợp một danh nghĩa khác có giá trị theo luật pháp được áp dụng vào thời kỳ đang xem xét đã được thay thế vào đó. Chính phủ Pháp có phận sự phải chứng minh tình hình này”.


Từ đó có thể rút ra cho vụ việc hiện tại những kết luận sau đây: Chế độ chư hầu của Việt Nam đối với Trung Quốc chắc chắn là còn danh nghĩa hơn nhiều so với chế độ các công tước Normandie đối với các vua nước Pháp (sự so sánh này dựa trên những khác biệt về chính trị và văn hóa); các kết luận của tòa án có giá trị đối với các mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc; chế độ chư hầu của Việt Nam đã kết thúc ngay trong ngày ký Hiệp ước bảo hộ Pháp 1884. Ngày đó, “...ấn tín tượng trưng của Trung Quốc, một khối kim hoàn đẹp, trên có chạm một con lạc đà phủ phục, do Hoàng đế Trung Quốc gửi cho Gia Long năm 1803, đã được nung chảy trước sự có mặt của Patenôtre - vị đại diện toàn quyền của Pháp, trong một buổi lễ long trọng”. Dường như, sự thay đổi này đã diễn ra trong sự thờ ơ của Trung Quốc. Dù sao, Trung Quốc đã không hề biểu lộ một sự mong muốn nhỏ nhặt nào để giữ lại bất kỳ một quyền nào trong các quyền, mà Việt Nam đã giành được qua một quá trình lịch sử lâu dài, đối với lãnh thổ trên đất liền hay trên đảo của Việt Nam. Lúc đó, Trung Quốc đã không đưa ra một bảo lưu nào theo hướng này.


Như vậy là đã hội đủ các điều kiện để áp dụng phán quyết của Tòa án quốc tế năm 1953: danh nghĩa phong kiến ban đầu “ngày nay không thể mang lại hiệu lực pháp lý trừ trường hợp có một danh hiệu khác, có giá trị theo luật pháp được áp dụng vào thời kỳ được xem xét, đã được thay thế vào đó”.


Thời kỳ đang xem xét là giai đoạn trước đó cho đến thời kỳ chế độ bảo hộ của Pháp. Trung Quốc, như đã thấy, lúc đó đã không giành được một danh nghĩa nào đối với các quần đảo theo như luật pháp tại thời điểm đó. Như vậy, đã không có gì có thể thay thế được một chế độ chư hầu đã mất đi sau khi đã tồn tại chủ yếu một cách tượng trưng. Không thể chia cắt lãnh thổ Việt Nam bằng cách vận dụng quan điểm này. Khi bị mất đi quyền kiểm soát (phong kiến) đối với Việt Nam, Trung Quốc mất luôn quyền kiểm soát các quần đảo, nếu như họ đã có một mối quan tâm nào tới các quần đảo, thế nhưng người ta không tìm thấy các bằng chứng là họ có mối quan tâm đó. Cuối cùng, người ta nhận thấy khi Trung Quốc viện lý về chế độ chư hầu để đòi các quyền của Việt Nam đã giành được phải thuộc về Trung Quốc (khi luận chứng về vấn đề chư hầu bị bác bỏ), Trung Quốc chỉ còn lại việc công nhận rằng các quyền đã được thụ đắc thực sự. Trong khi đó, các quyền này chỉ dành cho Việt Nam.


Những kết luận được rút ra là: (1) Khi có Hiệp ước của Pháp năm 1884, Việt Nam đã nắm giữ, không có cạnh tranh và trong khoảng gần hai thế kỷ, một quyền đối với các quần đảo, theo đúng chế độ luật pháp của thời kỳ đó; (2) Quyền này được thực thi không có nghi ngờ gì đối với các đảo Hoàng Sa. Chỉ còn phải xác minh xem có đúng quyền đó đã được thi hành trên toàn bộ quần đảo hay không. Có những lý do để người ta nghĩ rằng sự quản lý của Việt Nam đã mở rộng cả tới các đảo Trường Sa. Nhưng không có gì nêu chính xác việc quản lý lúc ấy đã liên quan đến toàn bộ một quần đảo trải rộng tới 160.000 km², hay là ít ra, đến một số đảo quan trọng và có liên quan đến các đảo khá quan trọng để đưa đến, nói rộng ra là để có quyền đối với toàn bộ quần đảo. Trong trường hợp này, đã có một “inchoate title” (danh nghĩa sơ khởi) nghĩa là một quyền mới hình thành mà các người chủ sau đó phải củng cố.


 

Chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa từ các chứng cứ lịch sử - Phần 7
Chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa từ các chứng cứ lịch sử - Phần 7

Các tài liệu có từ cuối thời kỳ đang xem xét ở đây, xác nhận rằng cho đến khi đó (cuối thế kỷ XIX), Trung Quốc chưa thể hiện tham vọng rõ ràng đối với bất kỳ quần đảo nào trong hai quần đảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN