Các tài liệu có từ cuối thời kỳ đang xem xét ở đây, xác nhận rằng cho đến khi đó (cuối thế kỷ XIX), Trung Quốc chưa thể hiện tham vọng rõ ràng đối với bất kỳ quần đảo nào trong hai quần đảo.
Trong luận án bảo vệ tại Đại học Tổng hợp Pháp, Chu Kiện đã ghi trong đại sử ký của ông ta vào thời điểm 1902: “Sự khảo sát đầu tiên của Trung Quốc về các vùng biển quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa)”. Điều này cho thấy rõ là không có “sự khảo sát” từ trước thì càng không có sự quản hạt. Tác giả cũng tự mâu thuẫn với chính mình vì ông ta đã bảo vệ điều đó trong luận văn này và không chỉ rõ xuất xứ rằng “Chính phủ Trung Quốc của các triều đại liên tiếp đã sáp nhập về mặt hành chính các đảo và đặt chúng dưới quyền tài phán của các nhà chức trách tỉnh Quảng Đông” (tr.265). Vì thế một số nhà bình luận không tự bằng lòng việc xác nhận các quan điểm đã làm sẵn đó, mà do sự lo lắng về tính khách quan đã buộc phải xem xét từng yếu tố lập luận, họ đã đi đến kết luận là không có một danh nghĩa lịch sử lâu đời của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Giả thuyết này chỉ có thể đứng vững trên cơ sở các tài liệu chưa công bố so với tất cả những tài liệu mà công trình nghiên cứu này đã dựa vào.
Chỉ duy sự có mặt của các ngư dân Trung Quốc theo thời vụ là không bàn cãi. Nhưng cũng có cả những ngư dân từ các vùng khác tới. Và trong luật quốc tế điều này không phải là cơ sở cho một danh nghĩa pháp lý. Bởi vì “chỉ đơn thuần khẳng định các quyền chủ quyền hoặc ý định thể hiện mong muốn làm cho một sự chiếm hữu thành thật sự là chưa đủ”.
Phải chăng chế độ chư hầu của Trung Quốc đối với Việt Nam đã đưa lại cho Trung Quốc những quyền thông qua hành động của chính Việt Nam? Trước sự chính xác của các luận chứng của Việt Nam đã tạo thuận lợi cho họ trong việc thụ đắc chủ quyền bằng những hành vi từ thế kỷ XVIII, Trung Quốc đã phản bác lại là các vua An Nam luôn chỉ hoạt động nhằm phục vụ tôn chủ của họ là hoàng đế Trung Hoa. Các hành vi của họ chỉ “xác nhận chủ quyền Trung Quốc đối với các đảo không phải thuộc An Nam”. Như vậy là phải làm sáng tỏ bản chất của mối quan hệ chư hầu này và những hậu quả mà nó có thể mang lại đối với thẩm quyền về các đảo.
Vương quốc Việt Nam (Đại Cồ Việt) được thành lập vào thế kỷ XI bằng việc thiết lập một quyền lực chính trị và một nền cai trị độc lập đối với Trung Quốc, nhưng đồng thời công nhận (khôn ngoan) quyền bá chủ của Trung Quốc. Mối quan hệ chư hầu này khó xác định theo một quan điểm pháp lý bởi vì nội dung của nó mơ hồ và tăng giảm tùy theo các thời kỳ. Nếu so sánh với phong kiến châu Âu, một mô hình có cấu trúc chặt chẽ và được các luật gia phương Tây biết đến nhiều hơn, sẽ là một điều khinh suất. Dường như, mối quan hệ ở đây chủ yếu là một sự trung thành có tính tôn giáo đi kèm với sự nộp cống định kỳ thay đổi.
Trong tác phẩm Trung Quốc việc giải quyết xung đột Đông Dương lần thứ nhất, (Geneve, 1954, NXB Sorbonne, 1979) Francois Joyaux viết: “Về giá trị pháp lý của các mối quan hệ này, rõ ràng không thể đánh giá chúng theo các quy tắc quốc tế của cộng đồng châu Âu mà với chúng thật khó trùng hợp, nhất là sự khác nhau của thời đại và sự khác biệt giữa các quan niệm ở châu Âu và các quan niệm của xã hội châu Á. Triều đại Việt cần lễ thụ phong của Trung Quốc để được công nhận, giống như mọi quốc gia hiện đại muốn đứng vững thì không thể bỏ qua sự công nhận quốc tế. Vả lại, theo quan điểm Trung Quốc, ý tưởng có hai quốc gia khác biệt nhau là không thích hợp. Đúng hơn, thay vào đó là ý tưởng về hai thế giới kế cận: Một thế giới văn minh và một thế giới không văn minh.
Thế giới văn minh, nghĩa là thế giới Khổng giáo, phải phục tùng Hoàng đế (mà chúng ta gọi là hoàng đế Trung Quốc); để tham dự vào thế giới này mà nước Đại Việt phụ thuộc, vì nước này sử dụng chữ viết Trung Quốc và tôn trọng các tập tục Trung Hoa, các biểu tượng của văn minh, Đại Việt không còn cách nào khác là chịu làm chư hầu trước Thiên Tử. Có nghĩa là sự cống nạp đó che đậy, về thực chất, một hệ thống quan hệ cực kỳ phức tạp. Đối với Trung Quốc, cống nạp thể hiện sự phụ thuộc tối đa mà họ hy vọng qua đó có thể duy trì một nước Việt mà không gây phản ứng “đế quốc” từ phía Đại Việt. Ngược lại, đối với Đại Việt, cống nạp thể hiện sự độc lập tối đa mà vương quốc này có thể đạt tới mà không gây nên phản ứng đế quốc từ phía Trung Quốc. Trong trường hợp này cũng như trường hợp kia, có tính Khổng giáo của hai quốc gia, việc triều cống, ít nhất là một phần, chứng tỏ rằng cả hai bên cùng thuộc một hệ thống giá trị”. Ngay cả Trung Quốc cũng có một khái niệm mơ hồ và mở rộng đến mức mà “Kỷ yếu chính thức của Chính phủ Trung Quốc đã xếp là ở thế kỷ XIX chư hầu của họ bao gồm: An Nam, Miến Điện, Xiêm, Lào, Anh, Hà Lan, Ý, Bồ Đào Nha và Tòa thánh!” (Trích dẫn của Jean Pierre Ferrier: Tranh chấp các quần đảo Hoàng Sa và vấn đề chủ quyền trên các đảo không người ở, tr.180 - 181)