Những sự kiện đáng nhớ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975-Phần 18

Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn

Ngày 25/4/1975: Triển khai lực lượng ở vùng ven và các mục tiêu nội thành Sài Gòn. Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh quyết định dùng máy bay thu được của địch, do phi công ta lái để đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, thúc đẩy hơn nữa sự rối loạn của địch, không cho bọn đầu sỏ dễ dàng chạy trốn, không cho máy bay hiện còn ở sân bay Tân Sơn Nhất tháo chạy.

Lúc này, Sở Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chuyển về Bến Cát, trực tiếp chỉ huy cuộc Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định.

Ở vùng ven Sài Gòn, ngoài các đơn vị chủ lực và địa phương, có 6 trung đoàn đặc công, 4 tiểu đoàn và 11 đội biệt động của ta đã bí mật triển khai lực lượng, áp sát các mục tiêu ở nội thành, chuẩn bị chiếm và giữ các cầu lớn ra vào thành phố. Thành ủy Sài Gòn-Gia Định điều động 1.700 cán bộ vào các quận nội thành các xã vùng ven, phát động quần chúng nổi dậy, phối hợp đòn tiến công của bộ đội chủ lực.

Từ mọi hướng, các cánh quân chủ lực tiến công vào Sài Gòn. Ảnh tư liệu


Hai trung đoàn và 5 tiểu đoàn của lực lượng vũ trang thành phố, các đại đội bộ đội huyện cũng sẵn sàng hỗ trợ quần chúng nổi dậy. Nhiều đội tuyên truyền xung phong được thành lập. Hàng trăm xe trang bị các phương tiện truyền thanh lên đường làm nhiệm vụ. Nhiều nơi, quần chúng in truyền đơn, may băng cờ, viết biểu ngữ… nô nức chuẩn bị đón bộ đội giải phóng.

Ngày 25/4/1975, tại Sở Chỉ huy Quân đoàn 1 đóng ở Rạch Bé, Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã tổ chức phổ biến quyết tâm chiến đấu và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Trên hướng hoạt động của Quân đoàn 3, Bộ Tư lệnh Quân đoàn ra lệnh cho Sư đoàn 316 đưa toàn bộ lực lượng ra ngăn chặn khi phát hiện thấy Sư đoàn 25 ngụy có dấu hiệu rút chạy về Đồng Dù và Hóc Môn.

Ngày 26/4/1975: Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn

Ngày 26/4/1975, Tổng thống ngụy quyền Trần Văn Hương không muốn là nhân chứng lịch sử chấp nhận thất bại, đã vội vàng tuyên bố nhường chức Tổng thống ngụy quyền cho Dương Văn Minh.

Nắm vững thời cơ, 17 giờ ngày 26/4/1975, các lực lượng của ta trên tất cả 5 hướng là: Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc, Đông và Đông Nam, Tây và Tây Nam, vùng ven và nội thành Sài Gòn đồng loạt nổ súng tiến công Sài Gòn, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Từ hướng Đông và Đông Nam, lực lượng bộ binh, xe tăng của thê đội 1 (Quân đoàn 2) tiến công cụm phòng thủ của địch. Sư đoàn 325 tiến đánh chi khu Long Thành, diệt 3 tiểu đoàn của địch, sau đó vượt đường 15 giải phóng Phước Tường, bao vây Long Tân. Sư đoàn 3 Quân khu 5 trong đội hình Quân đoàn 2 đánh chiếm quận lỵ Đức Thạnh, thị xã Bà Rịa và phối hợp với bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương giải phóng các huyện Xuyên Mộc, Long Lễ, Long Điền, Đất Đỏ. Sư đoàn 304 tiến công căn cứ Nước Trong. Sư đoàn 341 tiến công khu phòng ngự địch ở chi khu Trảng Bom.

Lược đồ Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu


Hướng Tây và Tây Nam, Sư đoàn 5 (Đoàn 232), Sư đoàn 8 (Quân khu 8) cắt đứt đường 4 từ cầu Bến Lức đến ngã ba Trung Lương và từ Cai Lậy đến An Hữu chặn các Sư đoàn 7, 9 và 22 ngụy.

Hướng Bắc và Đông Bắc, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt một số trận địa pháo địch, làm chủ đoạn đường số 16, bao vây căn cứ Phú Lợi, chiếm khu phía Bắc thị xã Thủ Dầu Một, chặn Sư đoàn 5 ngụy không cho về Sài Gòn.

Hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 tập trung hỏa lực pháo binh diệt 11 trong số 18 trận địa pháo địch. Sư đoàn 316 dùng một bộ phận ép sát các căn cứ Trà Vồ, Bến Mưởng, Cẩm Giàng cắt đường 1 và 22, chặn đường rút của Sư đoàn 25 ngụy về Đồng Dù.

Các lực lượng ở vùng ven và nội thành Sài Gòn tổ chức đánh phá các sân bay, bến tàu, kho tàng, trận địa pháo địch, phát động quần chúng nổi dậy, diệt đồn bốt nhỏ, mở rộng địa bàn đứng chân, đánh chiếm và giữ trước các cầu.

Ta dùng 5 máy bay A37 lấy được của địch ném bom Sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó dùng pháo binh chế áp, làm tê liệt cầu hàng không di tản của địch, buộc Mỹ phải tổ chức chiến dịch di tản “Người liều mạng” bằng máy bay lên thẳng.

Ngày 27/4/1975: Giải phóng tỉnh Phước Tuy; ta chiếm và giữ các đầu cầu vào nội thành Sài Gòn


Hướng Đông và Đông Nam:

Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) tổ chức nhiều đợt phản kích địch; tiến công vào Trường Thiết giáp và căn cứ Nước Trong nhưng chưa dứt điểm được.

10 giờ ngày 27/4/1975, Sư đoàn 341 (Quân đoàn 2) hoàn toàn làm chủ chi khu Trảng Bom do Sư đoàn 18 bộ binh và Trung đoàn 5 thiết giáp ngụy chiếm giữ.

Sư đoàn 3, Quân khu 5 đánh chiếm thị xã Bà Rịa và trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp. Đến trưa ngày 27-4-1975, ta làm chủ thị xã Bà Rịa. Tỉnh Phước Tuy hoàn toàn được giải phóng. Các lực lượng Sư đoàn 3 tiếp tục phát triển xuống Vũng Tàu nhưng địch đã phá cầu Cỏ Mây và tổ chức ngăn chặn.

Trong ngày 27/4/1975, địch đã sử dụng 114 lần chiếc máy bay các loại bắn phá dữ dội vào đội hình tiến công của Quân đoàn 2. Lực lượng Quân đoàn 2 đã bắn trả quyết liệt và bắn rơi 7 chiếc.

Hướng Bắc:

Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) nổ súng tiến công cứ điểm Bình Cơ và Bình Mỹ. Địch chống trả quyết liệt. Đến 18 giờ cùng ngày, ta làm chủ 2 căn cứ này, mở thông đường 16, tạo điều kiện đưa Sư đoàn 312 vào triển khai ở phía bắc cầu út Thơ.
Hướng Tây Bắc:

Sư đoàn 316 (Quân đoàn 3) đánh bại các cuộc phản kích lớn của địch ở Phước Mỹ và phía Nam chi khu Trảng Bàng. Sư đoàn 320A đánh chiếm bàn đạp tiến công chuẩn bị tiến đánh Đồng Dù. Sư đoàn 10 chuẩn bị thọc sâu vào Sài Gòn.
Bộ đội đặc công và Trung đoàn Gia Định chiếm và giữ đường bao quanh Sài Gòn. Được nhân dân và các lực lượng vũ trang tại chỗ hết lòng giúp đỡ, phối hợp chiến đấu, Trung đoàn 113 đặc công đánh cầu Rạch Chiếc, Rạch Cát. Trung đoàn 115 đặc công cùng một tiểu đoàn của Trung đoàn Gia Định chiếm cầu Bình Phước tới Quán Tre. Trung đoàn 116 chiếm cầu xa lộ Biên Hòa. Bộ đội đặc công đã đánh lui hàng chục đợt phản kích của địch, bảo vệ được cầu, đón các binh đoàn đánh vào nội thành.

Hướng Tây và Tây Nam:

Sáng ngày 27/4/1975, Sư đoàn 3 (Đoàn 232) tiến công đánh chiếm đầu cầu khu vực An Ninh-Lộc Giang, sau đó vượt sông Vàm Cỏ Đông áp sát địch. Sư đoàn 5 cắt hoàn toàn quốc lộ 4 từ Bến Lức đến Tân An. Sư đoàn 8 cắt hoàn toàn quốc lộ 4 từ đoàn Trung Lương-Tấn Hiệp-Long Định.

Tiểu đoàn công binh 341 (Quân khu 8) cùng bộ đội địa phương cắt đoạn đường từ Cai Lậy đến An Hữu, ngăn chặn các Sư đoàn 7, 9, 22 của quân ngụy trên hướng này.

(còn tiếp)


TTXVN/TTTL
Giải phóng tỉnh Bình Tuy, bao vây Sài Gòn
Giải phóng tỉnh Bình Tuy, bao vây Sài Gòn

Ngày 24/4/1975: Ta bao vây Sài Gòn trên tất cả các hướng. Các công ty hàng không quốc tế ở sân bay Tân Sơn Nhất ngừng hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN