Những sự kiện đáng nhớ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975-Phần 15

Triển khai lực lượng chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngày 18/4/1975: Ta tiến công thị xã Phan Thiết

Ngày 18/4/1975, tại thị xã Phan Thiết, Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) và các đơn vị binh chủng hợp thành của ta đã phối hợp với Trung đoàn 812 lực lượng Quân khu 6, tiểu đoàn 15 bộ đội địa phương tỉnh Bình Thuận tiến công thị xã.

Hành quân ra trận. Ảnh tư liệu TTXVN


Cùng ngày, Bộ Chính trị điện khẩn cho Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thời cơ quân sự, chính trị để mở cuộc tiến công vào Sài Gòn-Gia Định đã chín muồi.

Ta cần tranh thủ từng ngày kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không thể để chậm. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về chính trị và quân sự. Kịp thời hành động lúc này là bảo đảm chắc thắng. Nắm vững thời cơ lớn, chúng ta nhất định toàn thắng.

Sau khi phòng tuyến Phan Thiết bị quân giải phóng đánh chiếm, ở Sài Gòn, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân khỏi Xuân Lộc về “tử thủ” Long Bình, Biên Hòa.

Ngày 19/4/1975: Tỉnh Bình Thuận hoàn toàn được giải phóng; Ta bao vây, chia cắt địch ở thị xã Xuân Lộc


Ngày 19/4/1975, tỉnh Bình Thuận hoàn toàn được giải phóng. Đội hình tiến công của binh đoàn Hương Giang ào ạt đánh qua tỉnh Bình Tuy tiến về thị xã Xuân Lộc.

Tại Xuân Lộc, các trận chiến diễn ra ác liệt. Sư đoàn 341 đã chiếm được khu cố vấn Mỹ, trung tâm thông tin, ty cảnh sát, khách sạn, bến xe…; đập tan phản kích của 3 tiểu đoàn địch, giữ vững các vị trí. Sư đoàn 7 tiến công hướng phía Đông thị xã.

Ta và địch giành giật nhau từng đoạn hào, căn nhà, góc phố. Địch điều lực lượng lên tăng cường đánh phá dữ dội, thậm chí, chúng còn sử dụng bom CBU-55 có sức sát thương lớn, gây cho ta thiệt hại đáng kể.

Bộ Tư lệnh miền và binh đoàn Cửu Long quyết định chuyển cách đánh. Pháo binh của binh đoàn Cửu Long bắn mãnh liệt vào Trung đoàn 43, 48 (Sư đoàn 18) và Lữ đoàn dù 1 của địch, chi viện bộ binh diệt từng bộ phận quân địch. Pháo cơ giới và pháo mang vác của đoàn 113 đặc công miền liên tục đánh phá sân bay Biên Hòa.

Sư đoàn 6 Quân khu 7, Trung đoàn 95 đánh chiếm chi khu Túc Trưng, Kiên Tân, diệt Trung đoàn 52, đánh lui Lữ đoàn 3 kỵ binh ngụy, chiếm ngã ba Dầu Giây. Đường 1 từ Biên Hòa đi Xuân Lộc bị cắt đứt. Thị xã Xuân Lộc hoàn toàn bị bao vây, cô lập.

Tại Sài Gòn, các tướng tá sĩ quan quân đội Sài Gòn và các nhóm đối lập kiên quyết đòi Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu từ chức.

Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn Ma Tin điện khẩn về Mỹ báo cáo: “Các đơn vị quân Bắc Việt Nam đang cùng một lúc hội tụ về khu vực Sài Gòn rộng lớn từ mọi hướng, với một lực lượng hậu bị to lớn hơn lực lượng Chính phủ (Sài Gòn) rất nhiều, có khả năng bao vây và cô lập thành phố trong vòng 1 hay 2 tuần nữa. Quân Bắc Việt Nam có khả năng hầu như ngay tức khắc loại trừ những lực lượng tăng cường của Chính phủ”.

Ngày 20/4/1975: Truy kích địch rút chạy khỏi Xuân Lộc; Ta triển khai lực lượng chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh


Đêm 20/4/1975, trước nguy cơ bị tiêu diệt, quân địch ở Xuân Lộc rút chạy theo đường liên tỉnh số 2 về Bà Rịa.


Binh đoàn Cửu Long và các đơn vị Quân khu 7 của ta đã chặn đánh và tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, bắt đại tá tỉnh trưởng Long Khánh.

Lúc này, lực lượng đi đầu của binh đoàn Hương Giang (cánh quân phía Đông) đã tiến tới Rừng Lá, cách Xuân Lộc gần 20 km. Binh đoàn Hương Giang cùng với binh đoàn Cửu Long, Sư đoàn 3 Quân khu 5 và lực lượng vũ trang các địa phương đã hình thành nên một mũi vu hồi ở phía Đông, Đông Nam Sài Gòn.

Thực hiện việc triển khai lực lượng chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng ngày, Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316, Quân đoàn 3) đã đánh chiếm cứ điểm Bầu Nâu, Trà Võ, làm chủ một đoạn dài 7 km trên đường 22 từ Cẩm An đến Bến Mương.

Sư đoàn 5 (Đoàn 232) tiến công khu vực phòng thủ của địch ở Thủ Thừa-Bến Lức, mở đường đưa binh khí kỹ thuật xuống bắc đường 4.

Sư đoàn 4 Quân khu 9 đưa lực lượng áp sát Cần Thơ. Bộ đội đặc công của ta đánh phá và khống chế sân bay Trà Nóc. Đại đội công binh 11 (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 7, Quân đoàn 3) đã ghép xong phà 50 tấn qua Bến Củi; đại đội công binh 5 hoàn thành ghép phà qua Bến Tranh, chuẩn bị cho các lực lượng của các binh đoàn cơ động vào vị trí tập kết, chuẩn bị cho Chiến dịch.

(Còn nữa)

TTXVN-TTTL


Chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh mở màn
Chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh mở màn

Ngày 9/4/1975, Bộ Chính trị gửi điện cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định phê chuẩn kế hoạch tiến công Sài Gòn, Chiến dịch Xuân Lộc-Long Khánh mở màn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN