Ngày 31/3/1975: Bộ Chính trị họp, quyết định tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng Sài Gòn; Quân ta tiến công Tuy Hòa, Ninh Hòa và thị xã Quy Nhơn.
Các phương tiện chiến tranh của địch ở Quy Nhơn tháo chạy ra biển bị quân giải phóng chặn đánh phá hủy. Ảnh: Văn Bảo- TTXVN |
Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và ra Nghị quyết xác định: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt mà thời cơ chiến lược để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu, nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc”.
Bộ Chính trị quyết định nắm vững hơn nữa thời cơ chiến lược, với tư tưởng chỉ đạo: Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, có quyết tâm lớn thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, không thể để chậm.
Thực hiện quyết tâm chiến lược trên, các binh đoàn chủ lực và quân dân các địa phương nhanh chóng tiến công và nổi dậy diệt địch, mở đường vào tham gia giải phóng Sài Gòn và Nam Bộ.
Cùng ngày, quân dân bắc Phú Yên đánh chiếm và làm chủ đường số 1 (đoạn nam Tuy An), tạo điều kiện chủ lực tiến công Tuy Hoà. Sư đoàn 10, Trung đoàn 25, Trung đoàn 40 pháo binh và Trung đoàn 273 xe tăng đã tiến xuống áp sát khu vực đèo Ma Đrắc, chuẩn bị phá tan phòng tuyến phía tây Ninh Hoà của địch.
Tại chiến trường khu 5, Sư đoàn Sao Vàng đã tiến công giải phóng thị trấn Đập Đá. 13 giờ cùng ngày, ta tiến công thị xã Quy Nhơn.
Ngày 1/4/1975: Giải phóng tỉnh Phú Yên, tỉnh Bình Định; Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi điện cho tiền phương Bộ ở mặt trận: Sáng ngày 1/4/1975, địch gấp rút chấn chỉnh Lữ đoàn 468 đưa ra Nha Trang để tăng cường cho Lữ đoàn dù 3. Nhưng do Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25 của ta đã đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn dù 3 ở đèo Ma Đrắc nên 10 giờ sáng cùng ngày, Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu phải huỷ bỏ lệnh trên.
Ở khu 5, Sư đoàn 320 binh đoàn Tây Nguyên phối hợp với bộ đội địa phương đã giải phóng thị xã Tuy Hoà và toàn bộ tỉnh Phú Yên, bắt chuẩn tướng Trần Văn Cẩm và đại tá Vi Văn Bình. Sư đoàn 968 của ta đánh chiếm sân bay Gò Quánh (Bình Định), tiếp đó phối hợp với bộ đội địa phương giải phóng hoàn toàn thành phố Quy Nhơn và toàn tỉnh Bình Định.
Tuy Hoà, Quy Nhơn thất thủ, địch thấy không thể giữ nổi Nha Trang, nên 15 giờ cùng ngày, chúng phải rút Sư đoàn thuỷ quân lục chiến về Vũng Tàu và chuyển Bộ Tư lệnh Hải quân và Quân khu 2 đi nơi khác.
18 giờ ngày 1/4/1975, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã gửi điện cho tiền phương Bộ ở mặt trận nêu rõ: “Bất ngờ hiện nay không còn ở phương hướng lớn nữa. Địch biết nhất định ta sẽ đánh Sài Gòn, nhưng chúng cho rằng ta cần phải chuẩn bị 1-2 tháng. Vì vậy, bất ngờ hiện nay chủ yếu là ở tốc độ. Một mặt cần cơ động lực lượng nhanh chóng, thần tốc, mặt khác, sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động, không chờ đợi…”.
Cùng ngày, Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy Phạm Văn Phú lệnh cho Sư đoàn 2 không quân rút chạy đã làm cho Nha Trang trở nên hỗn loạn. Địch ban bố lệnh thiết quân luật thành phố và rút cơ quan lãnh sự quán Mỹ ở Nha Trang về Sài Gòn.
Ngày 2/4/1975: Giải phóng thành phố Nha Trang, Tổng cục Chính trị điện gửi các quân chủng, binh chủng về công tác chính trị trước thời cơ chiến lược mới.
Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: Ta đã diệt và làm tan rã hơn 35% sinh lực địch, lần đầu tiên loại khỏi chiến đấu 2 quân đoàn địch, phá huỷ và thu hơn 40% binh khí, kỹ thuật của chúng. Mục tiêu của ta là vây ép Sài Gòn, hướng chủ yếu là Tây Ninh, triệt đường 4, nhanh chóng tập trung lực lượng trên hướng Đông, chờ thời cơ thuận lợi đánh thẳng vào các mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn.
Cùng ngày, Tổng cục Chính trị điện gửi các chiến trường, các quân chủng, binh chủng về công tác chính trị trước thời cơ chiến lược mới, động viên bộ đội xốc tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Thông tin tư liệu - TTXVN