Những sự kiện đáng nhớ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975-Phần 4

Chiến thắng Kon Tum đi vào lịch sử

* Ngày 17-3-1975: Giải phóng thị xã Kon Tum, Pleiku và 53 buôn thuộc Phú Nhơn, Phú Thiện

Sư đoàn 10 bộ binh của ta tiếp tục tiến công cụm quân địch còn lại ở Phước An, tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch cùng nhiều phương tiện chiến tranh.

Hai Trung đoàn 24 và 28 tập trung lực lượng đột phá theo trục đường 21, tiêu diệt Trung đoàn 44 (thiếu) và 3 tiểu đoàn bảo an ở bản Ea Phê và Krông Bút. 500 tàn binh địch chạy đến Chư Cúc bị một bộ phận Trung đoàn 28 chốt chặt phía trước và đơn vị truy kích phía sau tiêu diệt. Địch dùng máy bay ném bom dữ dội phá huỷ một số cầu cống trên dọc đường số 21 hòng ngăn chặn quân ta cơ động lên truy kích tiêu diệt quân rút chạy của chúng.

Cũng trong ngày 17-3-1975, Sư đoàn 320 của ta đã bôn tập về hướng thị xã Cheo Reo thực hiện nhiệm vụ truy kích địch. Lực lượng pháo binh của ta trong ngày đã tập kích hỏa lực áp đảo vào thị xã làm cho địch hoang mang hốt hoảng. Chiều cùng ngày, Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 từ phía Đông đường 14 đã đến đường 7, đã như một “mũi lao nhọn” cắt ngang đội hình địch, chặn đứng một khối lượng rất lớn sinh lực địch. Dọc đường số 7, khoảng 2.000 chiếc xe ngổn ngang xếp hàng 3, hàng 4 tháo chạy. Thị xã Cheo Reo hỗn loạn, đường sá tắc nghẽn.

Cùng với tiến công quân sự, chỉ trong ngày 17-3-1975, lực lượng vũ trang địa phương, các đội công tác đã chớp thời cơ phát động nhân dân nổi dậy giải phóng 53 buôn thuộc quận Phú Nhơn và Phú Thiện. Trung đoàn 19 cùng lực lượng vũ trang tỉnh Kon Tum đã giải phóng thị xã Kon Tum. Trung đoàn 957 và lực lượng vũ trang Gia Lai tiến công giải phóng thị xã Pleiku.

Xe tăng của Sư đoàn thép (Sư đoàn 10) Quân giải phóng tấn công trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu TTXVN


* Ngày 18-3-1975: Giải phóng thị xã Cheo Reo; Bộ Chính trị họp, hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975

Sáng 18-3-1975, Sư đoàn 320 đã chặn được địch ở Đông Nam Cheo Reo. Một bộ phận lực lượng đã tiến công thị xã Cheo Reo.

11 giờ cùng ngày, ta tiến công cụm địch ở Cheo Reo. Pháo ta bắn dồn dập vào thị xã. Bộ binh địch tranh nhau tháo chạy. Xe tăng địch tranh nhau vượt cầu Ba Nu. Cầu bị sập, xe rơi xuống sông, các xe còn lại lội tràn qua sông chạy bừa.

Địch đã cho máy bay A37 đến ném bom hòng chặn lực lượng ta đang truy kích quân rút chạy, nhưng quá hoảng loạn, bom địch đã đánh vào đội hình của Liên đoàn 7 biệt động quân làm thiệt hại lớn về xe cộ, máy móc và binh lính. Tiếp đó, Liên đoàn 7 lại bị ta tiến công tiêu diệt hoàn toàn. Trước tình hình nguy ngập, Tư lệnh Quân đoàn 2 ngụy Phạm Văn Phú điện cho chuẩn tướng Phạm Duy Tất, chỉ huy cuộc rút chạy: “Mở đường máu mà tháo thân. Mạnh đơn vị nào đơn vị ấy chạy, xe không đi nổi thì phá xe, tìm đường, bỏ đi qua mọi tình huống mà luồn cho thoát, lấy Củng Sơn làm tụ điểm”.

Đến 18 giờ ngày 18-3-1975, quân ta chiếm hoàn toàn thị xã Cheo Reo, đập tan về cơ bản cụm chủ yếu của tập đoàn rút chạy của địch.

Cùng ngày, Bộ Chính trị nhận định thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của ta đánh dấu một bước rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp mới của Mỹ-ngụy. Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam trong năm 1975; nhiệm vụ trước mắt là tiêu diệt quân đoàn 1 của địch không cho chúng rút về Sài Gòn, giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Trung Bộ.

Theo phóng viên Thông tấn xã Giải phóng: ”Sáng ngày 18-3-1975, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Đắk Lắk và Ủy ban quân quản thị xã Buôn Ma Thuột đã làm lễ ra mắt. Hơn 200 đại biểu các tầng lớp nhân dân lao động, công nhân, trí thức, phụ nữ, thanh niên, học sinh, các sư sãi, linh mục, mục sư, ngoại kiều trong thị xã đã đến dự lễ cùng với đại biểu các lực lượng vũ trang giải phóng, các đoàn thể cách mạng trong toàn tỉnh Đắk Lắk.


Đọc diễn văn trong buổi lễ, đại tá Y Blốc Êban, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng tỉnh Đắk Lắk và là Chủ tịch Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột nhiệt liệt và thân thiết chúc mừng toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tỉnh Đắk Lắk và thị xã Buôn Ma Thuột. Đại tá biểu dương công lao toàn thể quân dân Đắk Lắk và Buôn Ma Thuột trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong cuộc tấn công nổi dậy giành quyền làm chủ thị xã.

Đại tá Y Blốc Êban tuyên bố, chính quyền cách mạng và trật tự mới được thiết lập ở thị xã Buôn Ma Thuột. Ông kêu gọi đồng bào các dân tộc trong thị xã đoàn kết một lòng, nhanh chóng ổn định sinh hoạt, đề cao cảnh giác, kiên quyết đập tan mọi âm mưu và hành động phản kích, phá hoại của địch; đồng thời, ra sức phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống mới về mọi mặt.

Đại biểu các giới, các dân tộc, các tôn giáo và đại biểu Hoa kiều phát biểu ý kiến nhiệt liệt chào mừng chính quyền cách mạng và hứa phát huy tinh thần đoàn kết chiến đấu dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng để giữ gìn trật tự an ninh và xây dựng cuộc sống mới”.

(còn tiếp)


Trung tâm Thông tin tư liệu/TTXVN

Nổi dậy tiến công địch ở Đông và Tây Nam Bộ
Nổi dậy tiến công địch ở Đông và Tây Nam Bộ

Đã tròn 40 năm trôi qua kể từ Mùa Xuân lịch sử năm 1975. Ôn lại những ngày tháng hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, chúng ta càng thêm tự hào về một trang sử vẻ vang của dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN