Những sự kiện đáng nhớ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975-Phần 6

Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng

Ngày 22/3/1975: Chiến dịch tiến công giải phóng Thừa Thiên-Huế tiếp tục phát triển

Rạng sáng ngày 22/3/1975, các tiểu đoàn 7 và 8 của Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) bằng nhiều con đường tự mở đã tới sát đường số 1, nhanh chóng làm chủ đoạn đường dài 4 km từ Bạch Thạch đến Ràng Bò, phá tan các chốt chặn được bố trí tăng cường từ hôm trước của địch.

Xe tăng, xe quân sự và nhiều phương tiện chiến tranh khác của địch vứt bừa bãi ở Huế trong lúc tháo chạy. Ảnh : Hoàng Thiểm - TTXVN.


Sư đoàn 1, Lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ và Liên đoàn biệt động quân ngụy 15 vơ vét lực lượng, mở hàng chục cuộc tập kích vào Ràng Bò, Bạch Thạch hòng giải tỏa đường số 1, song bị thất bại.

Tới 10 giờ sáng ngày 22/3/1975, giao thông đường bộ giữa Huế và Đà Nẵng bị cắt đứt hoàn toàn. Hàng nghìn xe của địch từ Huế định rút chạy về Đà Nẵng bị ùn tắc phải quay trở lại Huế.

Trưa ngày 22/3/1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 nhận định: Do tác động của chiến thắng Tây Nguyên, trước sức tiến công của ta, địch ở Thừa Thiên-Huế rối loạn… Đây là thời cơ tốt nhất để ta tiêu diệt và làm tan rã lớn quân địch, không cho chúng rút chạy, giải phóng Huế và sẵn sàng phát triển về phía Nam.

Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 xác định kế hoạch tác chiến phối hợp lực lượng Quân khu Trị-Thiên giải phóng Huế và giao nhiệm vụ tiếp tục cho các đơn vị.

Chiều và tối cùng ngày, Sư đoàn 325 tiếp tục phát triển tiến công. Các tiểu đoàn 2, 7 và 8 tiến công địch trên 2 hướng Mũi Né và Lương Điền, mở rộng đoạn đường bị chia cắt từ 4 km lên gần 10 km. Tiểu đoàn 1 tiến công điểm cao 363. Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 đánh vào phía sau, diệt chi khu Phú Lộc, chiếm đèo Mũi Né, Phước Tượng.

Lực lượng Quân khu Trị-Thiên tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở Mỹ Chánh. Quân ngụy buộc phải co về giữ tuyến phòng thủ sông Bồ. Huế bị bao vây.

Trên hướng Tây Nguyên, ta tiếp tục truy kích địch. 10 giờ sáng ngày 22/3/1975, ta giải phóng Ga Pui.

Ngày 23/3/1975: Quyết tâm đẩy nhanh tốc độ tiến công giải phóng toàn khu trong thời gian ngắn nhất; Chiến dịch giải phóng Thừa Thiên-Huế phát triển thuận lợi

8 giờ ngày 23/3/1975, Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 của ta đánh chiếm nhanh gọn căn cứ Lương Điền, kịp thời mở đường cho Sư đoàn 324 tiến xuống đồng bằng.

Pháo binh ta bắn vào sân bay Phú Bài, Tây Lộc và Sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy ở Mang Cá. Các lực lượng của Quân đoàn 2 triển khai thọc sâu chiếm cửa biển Thuận An, khoá chặt đường tháo chạy duy nhất còn lại ra biển của địch, tạo thành thế bao vây lớn từ phía Nam Huế đến đèo Hải Vân.

Ta tiếp tục đánh vào La Sơn, Kẻ Bàng rồi xuống chốt chặn ở cửa Cầu Truồi (phía Bắc căn cứ Lương Điền); tiến công dọc vùng Cầu Hai, chiếm Xuân Lồ, bịt đường ra hướng biển của địch, rồi phát triển lên chiếm Ban Môn. 16 giờ 30 phút ngày 23/3/1975, Lương Điền được giải phóng.

Ở hướng Sư đoàn 324, Đại đội 4 xe tăng từ A Lưới kịp thời cơ động vào phối hợp bộ binh đánh địch. Tới chiều ngày 23/3/1975, ta chiếm gọn căn cứ 303, Núi Bông, Núi Nghệ, sau đó tiến xuống đường số 1 đánh ra Phú Bài.

Ở phía Bắc Huế, bộ phận Sư đoàn 325 phối hợp bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị giải phóng khu vực Lương Điền. Tối ngày 23/3/1975, địch ra lệnh rút quân khỏi Huế, quay về Đà Nẵng.

Cùng ngày, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy Khu 5 hạ quyết tâm đẩy nhanh tốc độ tiến công giải phóng toàn Khu trong thời gian ngắn nhất.

Ngày 24/3/1975: Giải phóng thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam); các tỉnh Tây Nguyên được hoàn toàn giải phóng


Sáng ngày 24/3/1975, ta tiến công giải phóng thị xã Tam Kỳ.

Quân ta tiến công dũng mãnh, lực lượng bộ binh, pháo binh và xe tăng, xe bọc thép phối hợp nhịp nhàng đã nhanh chóng đè bẹp sự kháng cự của địch. Quân địch ở Tam Kỳ vô cùng hỗn loạn. Chỉ huy Sư đoàn 22, các Trung đoàn 4, 5, Liên đoàn 12 biệt động quân ngụy đã bỏ sở chỉ huy chạy trốn.

Bằng mọi phương tiện thô sơ và cơ giới, các chiến sỹ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng ngần tấn hàng hoá phục vụ chiến dịch. Ảnh: Thanh Tụng - TTXVN


Đến 10 giờ cùng ngày, Trung đoàn Ba Gia của ta làm chủ thị xã; 11 giờ, Trung đoàn 31 chiếm xong tiểu khu. Thị xã Tam Kỳ hoàn toàn được giải phóng.

Ở Quảng Ngãi, 7 giờ ngày 24/3/1975, Trung đoàn pháo 576 của ta nổ súng đánh vào thị xã Quảng Ngãi. Hai tiểu đoàn của Lữ đoàn 52, các tiểu đoàn 403, 406 đặc công Quân khu 5, tiểu đoàn 7 địa phương và lực lượng thị xã, được xe tăng, xe bọc thép của Trung đoàn 574 chi viện, đồng loạt đánh chiếm xóm Xiếc, sân bay, ga Ông Bố, ngã tư Ba La.

Trung đoàn 94 cùng bộ đội địa phương chiếm Núi Vỏ, phá sập cầu Ô Sông, cắt đứt đường số 1 từ Sơn Tịnh đi Bình Sơn. Tối cùng ngày, quân ta xung phong vào thị xã Quảng Ngãi.

Tại miền Đông Nam Bộ, binh đoàn Cửu Long và Quân khu 7 tiến công địch và phát động nhân dân nổi dậy giải phóng một vùng rộng lớn ở phía Bắc và Tây Bắc Sài Gòn-Gia Định.

Trên hướng Tây Nguyên, ta tiếp tục giải phóng các quận lỵ: Thanh Bình, An Khê, Khánh Dương, thị xã Gia Nghĩa… Đến đây, Chiến dịch Tây Nguyên - chiến dịch tiến công có ý nghĩa chiến lược trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã giành thắng lợi. Ngày 24/3/1975, Tây Nguyên được hoàn toàn giải phóng.


Thông tin tư liệu- TTXVN

(còn nữa)
Chiến dịch giải phóng Thừa Thiên-Huế mở màn
Chiến dịch giải phóng Thừa Thiên-Huế mở màn

5 giờ 50 ngày 21-3-1975, ở hướng Nam Thừa Thiên-Huế, Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 của ta tiến công tiêu diệt địch, mở màn cho chiến dịch giải phóng Thừa Thiên - Huế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN