Những sự kiện đáng nhớ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975-Phần 5

Chiến dịch giải phóng Thừa Thiên-Huế mở màn

* Ngày 19-3-1975: Giải phóng Quảng Trị; Bộ Tư lệnh quân khu họp nghiên cứu tình hình, đề ra phương án giải phóng Thừa Thiên-Huế

Trên chiến trường Tây Nguyên, Sư đoàn 320 vẫn tiếp tục đẩy mạnh truy kích địch trên đường số 7, trong ngày đã đánh chiếm quận lỵ Phú Thiện. Tướng Phạm Duy Tất chỉ huy lực lượng rút chạy trên đường số 7 phải kêu lên rằng: “Tổn thất quá nặng nề, gần như tan rã”.

Ở Trị-Thiên, các đơn vị chủ lực của ta tiến công qua sông Thạch Hãn. Lực lượng địch ở Quảng Trị phải rút về phòng thủ ở tuyến Mỹ Chánh. Nắm thời cơ, bộ đội và nhân dân Quảng Trị đã tiến công, nổi dậy giải phóng thị xã và các huyện trong tỉnh.

Cùng ngày, binh đoàn Quyết Thắng đã hành quân đến nam Quân khu 4 để kịp tham gia chiến dịch. Tại Đông Nam Bộ, sân bay Biên Hoà bị ta tập kích thiệt hại nặng.
Tuy phần lãnh thổ thuộc Quân khu 1 của địch mỗi ngày một bị thu hẹp lại, nhưng tư lệnh Ngô Quang Trưởng vẫn lấy tính mạng của mình thề thốt với Tổng thống Thiệu rằng: “Tôi sẽ chết trên đường phố Huế, Việt cộng phải bước qua xác tôi mới vô được cố đô này”.

Trong ngày 19-3-1975, lữ đoàn dù từ Đà Nẵng rút về Sài Gòn được lệnh dừng lại tăng cường cho tuyến ngăn chặn của chúng ở Khánh Dương-đèo Phượng Hoàng (trên đường 21).

Tại Anh quốc, Robert Thompson, thiếu tướng cố vấn về phá chiến tranh du kích cho Johnson và Nixon đã dự đoán: “Tôi tin chắc rằng toàn bộ Nam Việt Nam sẽ sụp đổ”.

Cùng ngày, Bộ Tư lệnh Quân khu họp nghiên cứu tình hình, đề ra phương án giải phóng Thừa Thiên-Huế.

Trong lúc tháo chạy địch đã để lại nhiều xe quân sự và các phương tiện chiến tranh khác ở Huế. Ảnh : Hoàng Thiểm - TTXVN.


* Ngày 20-3-1975: Giải phóng Tiên Phước, Phước Lâm (Quảng Nam), Sơn Hà, Trà Bồng (Quảng Ngãi)… làm chủ phía tây sông Vàm Cỏ Đông

Trên chiến trường Tây Nguyên, ở khu vực đường 21, Sư đoàn 10, Trung đoàn 25 của ta cơ động lực lượng vây ép chuẩn bị tiến công diệt Trung đoàn 40 địch, giải phóng Khánh Dương. Ở Gia Nghĩa, Trung đoàn 271 đánh chiếm quận lỵ Kiến Đức. Riêng lực lượng vũ trang Quân khu 5, sau khi giải phóng xong Tiên Phước, Phước Lâm (Quảng Nam), Sơn Hà, Trà Bồng (Quảng Ngãi), mở vùng, mở mảng ở nhiều xã ấp, đang chuyển sang vây ép và tiến công căn cứ Tam Kỳ, Chu Lai.

Ở chiến trường Nam Bộ, binh đoàn Cửu Long tiến công diệt địch trên trục đường 20 làm chủ khu vực từ La Ngà đến Phương Lâm; giải phóng thị xã An Lộc. Đoàn 232 đánh Quéo Ba, mở hành lang Tây Ninh đi Kiến Tường, làm chủ khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.

Thường vụ khu ủy đã thông qua phương án và quyết định cụ thể các bước cuối cùng của Chiến dịch Xuân - Hè 1975 ở Trị-Thiên-Huế. Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng, nhằm “tiêu diệt quân đoàn 1 địch không cho chúng rút về Sài Gòn, để cùng với thắng lợi của Tây Nguyên tạo chuyển biến lớn về so sánh lực lượng chiến lược có lợi cho ta tạo điều kiện giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam”.

* Ngày 21-3-1975: Tiếp tục truy quét tàn quân địch ở Tây Nguyên và mở màn Chiến dịch giải phóng Thừa Thiên-Huế

Tại Tây Nguyên, Sư đoàn 320 của ta tiếp tục truy kích địch rút chạy. Sư đoàn 968 và Trung đoàn 95 phối hợp với lực lượng tại chỗ truy quét tàn quân địch và làm nhiệm vụ tiếp quản, ổn định trật tự ở 2 thị xã Kon Tum và Pleiku.

Lúc này, ở Thừa Thiên-Huế, địch hình thành thế phòng ngự tứ giác quyết bảo vệ thành phố Huế - sào huyệt cuối cùng của chúng ở phía Bắc quân khu 1.

Mặc dù tinh thần địch hoang mang, nhưng lực lượng của chúng lúc này còn đông và ý định bảo vệ Huế đến cùng. Vì thế, quán triệt quyết tâm chiến lược của Quân ủy Trung ương, Thường vụ khu ủy và Quân khu ủy quyết định Chiến dịch Xuân - Hè 1975, giải phóng Thừa Thiên-Huế là: Tranh thủ thời cơ, dốc toàn lực giải phóng Thừa Thiên-Huế bằng một cuộc tiến công tổng hợp, toàn diện, lấy chia cắt và bao vây chiến dịch kết hợp với các mũi thọc sâu của chủ lực làm biện pháp then chốt; đồng thời, sử dụng lực lượng vũ trang địa phương trực tiếp đánh địch hỗ trợ và vận động quần chúng nổi dậy.

5 giờ 50 ngày 21-3-1975, ở hướng Nam Thừa Thiên-Huế, Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 của ta tiến công tiêu diệt địch. Ta đã làm chủ các điểm cao 294, 520, 560, diệt gọn tiểu đoàn 6, chiếm núi Kim Sắc. Trung đoàn 1 Sư đoàn 324 của Quân đoàn 2 đánh chiếm núi Bông, địch dùng xe tăng và bộ binh từ núi Nghệ ra phản kích chiếm lại. Trung đoàn 2 Sư đoàn 324 đánh chiếm điểm cao 214 nhưng không chiếm được mỏm tây 303.

Tình hình hết sức khẩn trương, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 lệnh cho Sư đoàn 325 nhanh chóng xuống đường số 1 thực hiện bằng được chia cắt đường số 1 (cắt Huế - Đà Nẵng) sẵn sàng tiến công Hương Điền. Sư đoàn 324 thay đổi hướng đánh, không đột phá khu vực phòng ngự vững chắc của địch ở núi Bông, núi Nghệ, Mỏ Tàu, điểm cao 303 nữa, mà nhanh chóng thọc ra đường số 1 phối hợp với Sư đoàn 325 chia cắt địch.

(còn tiếp)

Trung tâm Thông tin tư liệu/TTXVN

Nổi dậy tiến công địch ở Đông và Tây Nam Bộ
Nổi dậy tiến công địch ở Đông và Tây Nam Bộ

Đã tròn 40 năm trôi qua kể từ Mùa Xuân lịch sử năm 1975. Ôn lại những ngày tháng hào hùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, chúng ta càng thêm tự hào về một trang sử vẻ vang của dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN