Những sự kiện đáng nhớ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975-Phần 16

Giải phóng Long Khánh, Nguyễn Văn Thiệu từ chức

Ngày 21/4/1975: Giải phóng tỉnh Long Khánh; Tại Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu từ chức Tổng thống Chính quyền Sài Gòn.

Quân giải phóng trên xa lộ Biên Hòa tiến vào nội đô Sài Gòn . Ảnh: Vũ Tạo - TTXVN.


Ngày 21/4/1975, ta làm chủ thị xã Xuân Lộc. Tỉnh Long Khánh hoàn toàn được giải phóng. Thắng lợi của Chiến dịch tiến công Xuân Lộc - Long Khánh đã đập tan “cánh cửa thép” án ngữ cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn và làm suy sụp nhanh tinh thần chiến đấu của quân ngụy còn lại trên toàn miền Nam.

Ta đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công Sài Gòn từ hướng Đông, góp phần tạo nên thế trận chung thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Cùng ngày, Sư đoàn 10 binh đoàn Tây Nguyên về tới địa điểm tập kết tại Củ Chi. Cho đến lúc này, tham gia Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định có các binh đoàn: Quyết Thắng, Hương Giang, Tây Nguyên, Cửu Long, Đoàn 232 (tương đương binh đoàn) và hầu hết các binh chủng kỹ thuật thuộc lực lượng dự bị chiến lược và lực lượng quân sự, chính trị của Quân khu 7, thành phố Sài Gòn-Gia Định. Tổng cộng lực lượng chiến đấu là khoảng 270.000 người và khoảng 180.000 người lực lượng hậu cần chiến lược chiến dịch.

Tại Sài Gòn, ngày 21/4/1975, Nguyễn Văn Thiệu từ chức Tổng thống Chính quyền Sài Gòn, bỏ chạy ra nước ngoài. Trần Văn Hương lên thay. Tướng Mỹ Oenxơn, tùy viên quân sự của Mỹ tại Sài Gòn dẫn một phái đoàn cố vấn đến thị sát sân bay Bình Thủy, bàn bạc với Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4 và Sư trưởng Sư đoàn 4 không quân ngụy về kế hoạch di tản máy bay ở 2 sân bay Biên Hòa và Tân Sơn Nhất; cùng với việc tăng cường thiết bị cho sân bay Tân Sơn Nhất để yểm trợ cho Sài Gòn trong trường hợp sân bay Biên Hòa bị tê liệt.

Ngày 22/4/1975: Các đơn vị chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ngày 22/4/1975, Bộ Chính trị hội ý về sự phát triển của tình hình cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam. Sau đó, đồng chí Lê Duẩn điện gửi các đồng chí chỉ huy mặt trận chỉ thị: Mỹ-ngụy tìm cách trì hoãn cuộc tiến công của ta vào Sài Gòn, lập Chính phủ mới, đưa ra đề nghị ngừng bắn đi đến tìm giải pháp chính trị cứu vãn tình thế khỏi thất bại hoàn toàn. Thời cơ để mở cuộc tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn…

Cùng ngày, Quân ủy Trung ương điện cho đồng chí Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, nêu rõ: Địch trì hoãn để tìm cách đề nghị ngừng bắn, kéo dài sang mùa mưa. Sài Gòn không giữ nổi thì chúng rút về đồng bằng sông Cửu Long, lấy Cần Thơ làm trung tâm… Hướng Tây Nam và đường số 4 sẵn sàng ngăn chặn, tiêu diệt địch trong tình huống chúng rút từ Sài Gòn về Cần Thơ.

Lúc này, kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định đã được Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua và phê duyệt lần cuối cùng.

Tại tỉnh Bình Tuy, ngày 22/4/1975, các lực lượng của ta tiến công thị xã Hàm Tân, tiêu diệt và làm tan rã gần 5.000 tên địch. Tại Đồng Đế, Bộ Tư lệnh đường Trường Sơn đã triệu tập hội nghị khẩn cấp cán bộ chủ trì các đơn vị trực thuộc. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thông báo kế hoạch chuẩn bị của Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhiệm vụ chung của Bộ đội Trường Sơn và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị.

(còn nữa)

TTXVN-TTTL
Triển khai lực lượng chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh
Triển khai lực lượng chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh

Ta và địch giành giật nhau từng đoạn hào, căn nhà, góc phố. Địch điều lực lượng lên tăng cường đánh phá dữ dội, thậm chí, chúng còn sử dụng bom CBU-55 có sức sát thương lớn, gây cho ta thiệt hại đáng kể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN