Những sự kiện đáng nhớ Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975-Phần 17

Giải phóng tỉnh Bình Tuy, bao vây Sài Gòn

Ngày 23/4/1975: Giải phóng tỉnh Bình Tuy

Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 báo cáo tình hình đơn vị với Bộ Tư lệnh mặt trận và nhận nhiệm vụ chiến đấu cụ thể của Quân đoàn. Quân đoàn 2 triệu tập các cán bộ cơ quan và các sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn về Sở Chỉ huy tại ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp, tỉnh Long Khánh để nhận nhiệm vụ.

Các đơn vị thuộc Quân đoàn 3 là: Sư đoàn 10, Trung đoàn 273 xe tăng, Trung đoàn phòng không 234 và Sư đoàn 7 bộ binh đến vị trí tập kết tại huyện Dầu Tiếng chuẩn bị cho Chiến dịch. Quân đoàn 4 họp nêu quyết tâm chiến dịch cho các đơn vị trong Quân đoàn.

Quân giải phóng tiến vào ngã tư Bảy Hiền, giải phóng Sài Gòn (ngày 30/4/1975). Ảnh: Quang Khanh-TTXVN


Ở phía Tây Sài Gòn, ta đã mở thông hành lang tới Tây Ninh và Kiến Tường, làm chủ một phần rộng lớn thuộc khu vực sông Vàm Cỏ Tây.

Cùng ngày, tại Sài Gòn, nội các ngụy quyền của Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn tuyên bố từ chức. Ở Washington (Mỹ), Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố “Chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ” và ra lệnh di tản người Mỹ ra khỏi Sài Gòn.

Ngày 24/4/1975:
Ta bao vây Sài Gòn trên tất cả các hướng. Nhiều sứ quán phương Tây ở Sài Gòn đã đóng cửa. Các công ty hàng không quốc tế ở sân bay Tân Sơn Nhất ngừng hoạt động.

Trước tình thế diễn biến bất lợi, Mỹ đề nghị ta ngừng bắn và thương lượng. Tổng thống ngụy quyền Trần Văn Hương cử đại diện đến xin gặp phái đoàn quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam để thực hiện ý đồ trên.
Bộ Chính trị nhận định: Đây là một âm mưu mới của Mỹ nhằm “tìm cách trì hoãn cuộc tấn công của ta vào Sài Gòn, lập ra Chính phủ mới, hy vọng đi đến một giải pháp chính trị, cứu vãn tình thế của chúng khỏi thất bại hoàn toàn”.

Cho đến lúc này, ta đã bao vây thành phố Sài Gòn-Gia Định trên tất cả các hướng, cách nội đô Sài Gòn trên dưới 50 km, chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công và bí mật đưa một bộ phận lực lượng áp sát mục tiêu. Quân dân ta đã hoàn thành việc tập kết lực lượng, phương tiện chiến tranh tạo thế trận với sức mạnh áp đảo, bảo đảm chắc thắng.

Ở hậu phương miền Bắc, nhân dân sôi nổi và phấn khởi hướng về miền Nam. Trong 4 tháng đầu năm 1975, hậu phương miền Bắc đã bổ sung cho tiền tuyến hơn 110.000 cán bộ, chiến sĩ; 230.000 tấn vật chất các loại. Từ miền Bắc, Đảng và Chính phủ còn cử hàng vạn cán bộ dân chính đảng đến các vùng mới giải phóng để tăng cường cho đảng bộ và chính quyền ở các địa phương, thực hiện ổn định đời sống nhân dân ở các vùng mới giải phóng.

(còn nữa)


TTXVN/TTTL


Giải phóng Long Khánh, Nguyễn Văn Thiệu từ chức
Giải phóng Long Khánh, Nguyễn Văn Thiệu từ chức

Thắng lợi của Chiến dịch tiến công Xuân Lộc-Long Khánh đã đập tan “cánh cửa thép” án ngữ cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, làm rung chuyển hệ thống phòng thủ của địch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN