Ẩn số xung quanh TTIP

Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu là cuối năm 2015 sẽ được ký kết. Tuy nhiên, mục tiêu này còn xa vời khi mà các vòng đàm phán được diễn ra trong vòng bí mật.


TTIP là một trong số ít hiệp định tự do thương mại gây nhiều tranh cãi. Về phía châu Âu, phe ủng hộ coi hiệp định đó là đòn bẩy mở ra thị trường rộng lớn của Mỹ. Phe chống đối lo ngại các tập đoàn lớn của Mỹ áp đặt luật chơi với 500 triệu người tiêu dùng của châu Âu, phá hỏng các chuẩn mực về xã hội, môi trường trên “lục địa già”.

Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Dan Mullaney (phải) và người đồng cấp EU Ignacio Garcia Bercero (giữa) trong cuộc họp báo kết thúc vòng đàm phán thứ 10 về TTIP giữa EU và Mỹ từ ngày 13 - 17/7 ở Brussels, Bỉ.


TTIP là gì và là chủ đề nào gây tranh cãi giữa hai bờ Đại Tây Dương? Ai đang trông đợi hiệp định thương mại đầu tư này như một chiếc đũa thần để đem lại tăng trưởng và vì sao nhiều tổ chức từ các đảng phái chính trị đến tổ chức đoàn thể lại xem TTIP như một mối đe dọa tiềm tàng? Triển vọng kinh tế của TTIP như thế nào?

Lợi ích của TTIP: Từ lý thuyết đến thực tế

Dự án thành lập một khu vực thương mại tự do châu Âu - Mỹ đã xuất hiện từ những năm 1990 nhưng sau nhiều lần thất bại, đến tháng 6/2013, EU và Mỹ mới bắt đầu đàm phán về TTIP mà mục tiêu cuối cùng là hướng tới một thị trường rộng lớn với 820 triệu người tiêu dùng. Đến nay, gần 10 vòng đàm phán đều được mệnh danh là những “trận đấu” bất phân thắng bại.

Mỹ và EU kiểm soát hơn một nửa GDP toàn cầu, bảo đảm hơn 2/3 các hoạt động thương mại quốc tế. Thống kê của Brussels cho thấy, một khi đi vào hoạt động, nhờ xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, châu Âu hàng năm thu về được thêm gần 120 tỷ euro, tương đương với 0,9% GDP của 28 nước thuộc EU. Ngoài ra, ít nhất hai triệu việc làm có được nhờ TTIP.

Người biểu tình phản đối TTIP tại Brussels ngày 18/4/2015.


Ngoài thương mại, TTIP còn bảo vệ các nhà đầu tư khi họ trực tiếp bỏ vốn vào thị trường ở bên kia Đại Tây Dương. Căn cứ vào số liệu của Viện Thống kê châu Âu (Eurostat) năm 2013, tổng kim ngạch thương mại giữa châu Âu và Mỹ lên tới hơn 670 tỷ USD. Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa hai bên đạt hơn 1.000 tỷ USD. Mỹ là khách hàng quan trọng nhất của EU, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu và là nguồn cung cấp đứng hàng thứ ba (11%) cho EU, sau Trung Quốc và Nga.

Ngoài một số ngoại lệ như xe hơi hay nông sản, thuế suất mà châu Âu đánh nhắm vào hàng nhập khẩu từ Mỹ là 5,2%, cao hơn thuế của Mỹ đánh vào hàng châu Âu. Do vậy đối với các nhà bảo vệ TTIP, điều quan trọng hơn là Brussels và Washington cùng áp dụng các tiêu chuẩn phi thuế quan. Khi có cùng những luật chơi chung, mỗi bên sẽ giảm được rất nhiều phí tổn hành chính hay về thủ tục pháp lý.

Theo một công trình nghiên cứu gần đây, do các tiêu chuẩn phi thuế quan và tùy theo mặt hàng, châu Âu phải chịu một khoản phí tổn từ 20 - 56% khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Thiệt hại đối với các tập đoàn của Mỹ muốn xuất khẩu vào thị trường châu Âu cũng tương tự. Chính vì vậy thống kê của Eurostat cho thấy việc xóa bỏ được các hàng rào thuế quan và phi thuế quan sẽ thúc đẩy đầu tư và thương mại hai chiều tăng mạnh.

Một lợi ích khác được những người ủng hộ TTIP nêu lên là với hiệp định này, Mỹ sẽ phải bảo đảm luật chơi công bằng khi các cơ quan của nhà nước mời thầu. Đâu đó luật “Mua hàng Mỹ” sẽ mất hiệu lực.

Nhưng tất cả vấn đề nằm ở chỗ: Thứ nhất không có gì bảo đảm Mỹ sẽ xóa bỏ luật bắt buộc các cơ quan nhà nước Mỹ ưu tiên cho các tập đoàn quốc gia. Hiện tại châu Âu đã cởi trói đến 90% lĩnh vực công cộng. Tỷ lệ đó ở bên kia Đại Tây Dương là 32%.

Vấn đề thứ hai nằm ở chỗ Brussels và Washington không dễ xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan, bởi chúng liên quan trực tiếp đến vấn đề hạn ngạch, đến các chuẩn mực về hành chính, luật pháp - luật đầu tư, luật lao động, luật tài chính, y tế, môi trường... của châu Âu và Mỹ. Vấn đề lại càng nổi cộm hơn trong các lĩnh vực như nông nghiệp, văn hóa, sở hữu trí tuệ.

Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế (CEPR), một cơ quan trực thuộc EU, trong trường hợp Mỹ giảm 10% hàng rào phi thuế quan, GDP của EU từ nay đến năm 2027 tăng thêm 68 tỷ USD/năm, tương đương với 0,04% GDP của toàn khối.

Nói chung, những hứa hẹn về tăng trưởng và khả năng tạo việc làm cho người dân châu Âu thấp hơn nhiều so với những thống kê của Brussels. Bản thân người Mỹ cũng rất thận trọng với TTIP.

Bình mới rượu cũ

Ngoài những tranh cãi về lợi ích TTIP có thể đem lại cho người dân hai bên bờ Đại Tây Dương, đến nay đàm phán giữa châu Âu và Mỹ bế tắc trong ba vấn đề.

Vấn đề thứ nhất là tính bí mật của các vòng đàm phán. Dù đã được khởi động từ tháng 6/2013 nhưng cho đến tận tháng 5/2014, tức sau 5 đợt thảo luận, mỗi lần các bên đều họp kín với nhau. Người dân không được biết hai bên bàn luận những gì và diễn biến của các cuộc thương lượng đi tới đâu, mỗi bên nhượng bộ đối phương điều gì trong chương trình đã đề ra.

Điều tồi tệ hơn là Ủy ban châu Âu (EC) đàm phán với Mỹ nhân danh 28 nước thành viên trong liên minh nhưng theo lời Nghị sĩ châu Âu người Bỉ, đại diện cho Đảng tự do, Dân chủ và cải cách châu Âu (ALDE), Gerard Deprez, chỉ có một số ít chính trị gia của các nước liên quan được thông báo về nội dung. Ông nói: “Đầu tiên, Nghị viện châu Âu thậm chí còn không biết các thành viên trong EU đã đồng ý để Ủy ban châu Âu đàm phán những gì với phía Mỹ. Đó là điều không thể chấp nhận được. Sau đó, Brussels hé lộ cho một số ít nghị sĩ về vấn đề các bên thương lượng với nhau. Nhưng phải khẳng định có rất ít người biết rõ nội dung đàm phán và đến nay đó vẫn là một bí mật được các nhà ngoại giao giữ kín. Tuy nhiên, tôi xin lưu ý hai điểm: EU có sức mạnh rất lớn về mặt thương mại, tự trói buộc với TTIP sẽ rất bất lợi cho khu vực xuất khẩu. Điểm thứ hai là tôi không tin tưởng vào những dự báo về viễn cảnh tăng trưởng do TTIP đem lại. Đơn giản là vì chúng ta cũng không biết TTIP gồm có những gì”. 

(Còn tiếp)

TTK
Ẩn số xung quanh TTIP (Tiếp theo và hết)
Ẩn số xung quanh TTIP (Tiếp theo và hết)

Dự án thành lập một khu vực thương mại tự do châu Âu-Mỹ đã xuất hiện từ những năm 1990 nhưng sau nhiều lần thất bại, đến tháng 6/2013, EU và Mỹ mới bắt đầu đàm phán về TTIP mà mục tiêu cuối cùng là hướng tới một thị trường rộng lớn với 820 triệu người tiêu dùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN