Al-Baghdadi, từ học giả tôn giáo cấp tiến tới trùm sò khủng bố

Thủ lĩnh nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi vừa bị Mỹ tiêu diệt từng là một học giả tôn giáo cấp tiến, vươn lên thành trùm sò nhóm khủng bố hùng mạnh và máu lạnh nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện trong video quay tại địa điểm bí mật. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/10 thông báo lực lượng đặc biệt Mỹ đã tiêu diệt Abu Bakr al-Baghdadi trong một cuộc đột kích ở tỉnh Idlib, Syria ngày 26/10. Ông nói trong một họp báo được phát trên truyền hình cả nước: “Đêm qua, Mỹ đã bắt tên khủng baố số một thế giới ra trước công lý. Abu Bakr al-Baghdadi đã chết”.

Là “Quốc vương” Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Iraq và Syria, tên al-Baghdadi 48 tuổi đóng vai trò quan trọng trong xây dựng IS trở thành một trong những nhóm khủng bố mạnh nhất lịch sử. Lúc ở đỉnh cao, IS kiểm soát vùng đất rộng bằng cả nước Anh.

Trùm khủng bố IS là một phần tử thánh chiến bí mật, sinh ra với cái tên Ibrahim Awad Ali al-Badri trong một gia đình Hồi giáo dòng Sunni sống ở làng quê miền Trung Iraq. Hắn đi học ở thành phố Samarra. 

Gia đình hắn tự xưng là hậu duệ tới từ bộ lạc của Đấng tiên tri Muhammad. Chính xuất thân này khiến al-Baghdadi sau này trở thành thủ lĩnh của IS. Al-Baghdadi từ sớm đã hiểu đạo Hồi theo một cách bảo thủ. Hắn có bằng trường Shariah thuộc Đại học Baghdad năm 1996. Ba năm sau, al-Baghdadi có bằng thạc sĩ về giảng kinh Koran tại Đại học Nghiên cứu Hồi giáo Saddam. Al-Baghdadi ngừng học lấy bằng tiến sĩ để gia nhập cuộc chiến chống lực lượng Mỹ sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq năm 2003. 

Al-Baghdadi bị lực lượng Mỹ bắt tại nhà bố mẹ vợ gần Falluja hồi tháng 1/2004. Anh rể hắn, người cùng chống lại việc Mỹ đưa quân vào Iraq, là mục tiêu của cuộc đột kích. Cuối cùng, al-Baghdadi bị giam 11 tháng ở trại Bucca.

Một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên phát biểu với tờ The New York Time năm 2014: “Hắn là tên du côn đường phố khi chúng tôi bắt hắn năm 2004. Khó hình dung nổi là khi đó lại có quả cầu tiên tri nào nói hắn sẽ trở thành thủ lĩnh IS”.

Các chuyên gia cho rằng khi ở trại giam, al-Baghdadi đã có điều kiện để cực đoan hóa nhiều người và chính trại giam này trở thành tổng hành dinh để lên kế hoạch hình thành IS. Hắn được bạn tù trong trại giam chọn là thủ lĩnh. Hắn kết đồng minh với các tù nhân dòng Sunni và những người từng theo đảng Baath ở Iraq.

Tại đây, al-Baghdadi đã gặp và trở thành người tôn sùng tay thánh chiến Hồi giáo người Jordan là Abu Musab al-Zarqawi – kẻ sau này sẽ lãnh đạo mạng lưới khủng bố al-Qaeda ở Iraq.

Abu Ahmed, một phần tử thánh chiến Hồi giáo từng bị cầm tù cùng al-Baghdadi ở trại Bucca, cho biết: “Chúng tôi không bao giờ thấy tất cả lại tụ tập như thế ở Baghdad. Ở ngoài sẽ cực kỳ nguy hiểm. Ở đây, chúng tôi không chỉ an toàn mà còn ở cách toàn bộ lãnh đạo al-Qaeda có vài trăm mét”.

Chú thích ảnh
Hiện trường tại nơi al-Baghdadi bị lực lượng Mỹ tiêu diệt. Ảnh: CNN

Theo tờ Business Insider, nói rộng ra, nhiều người cho rằng việc Mỹ đưa quân vào chiếm đóng Iraq đầu những năm 2000 đã tạo động cơ cho tên al-Baghdadi trỗi dậy. Theo nhà báo Tim Arango và Eric Schmitt của tờ The Times, tư tưởng cực đoan của al-Baghdadi được mãi giũa và “tôi luyện” trong thời gian Mỹ đưa quân vào Iraq. Cuộc xâm chiếm của Mỹ đã cho al-Baghdadi và đồng minh một kẻ thù. Hắn tự do phát triển quan điểm cực đoan sau khi Mỹ lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein - người luôn kìm hãm các phong trào Hồi giáo có tính chất cực đoan. 

Quân đội Mỹ thả al-Baghdadi vào tháng 12/2004. Trong nhiều năm sau đó, không có nhiều thông tin về al-Baghdadi. Hắn ta làm cố vấn tôn giáo cho các nhóm khủng bố al-Qaeda ở Iraq. Khi lực lượng Mỹ giáng đòn nặng nề vào bộ máy lãnh đạo al-Qaeda, cố vấn tôn tinh thần của mạng lưới này đã vươn lên thành thủ lĩnh hàng đầu năm 2010 của nhóm khủng bố sau này là Nhà nước Hồi giáo Iraq.

Nhà nước Hồi giáo Iraq (ISI) là một chi nhánh của al-Qaeda ở Iraq. Khi làm thủ lĩnh ISI, al-Baghdadi chịu trách nhiệm lên kế hoạch các hoạt động khủng bố quy mô lớn. Từ tháng 3 tới tháng 4/2011, ISI thực hiện 23 cuộc tấn công ở phía Nam Baghda theo lệnh của al-Baghdadi.

Sau khi Osama bin Laden bị tiêu diệt ngày 2/5/2011 ở Pakistan, al-Baghdadi đe dọa trả đũa bạo lực cho cái chết của trùm khủng bố. Những vụ khủng bố hắn tiến hành ở Baghdad, Mosul lên tới cả trăm vụ với nhiều hình thức khác nhau, khiến cả trăm người chết.

Al-Baghdadi vẫn là thủ lĩnh ISI cho tới khi tổ chức này mở rộng sang Syria năm 2013. Ngày 8/4/2013, hắn thông báo thành lập Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL, ISIS), sau đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong bài phát biểu công khai duy nhất, al-Baghdadi đưa ra tuyên bố thành lập “vương quốc” nói trên tại một nhà thờ Hồi giáo ở Mosul năm 2014. Hắn nói với những tín đồ: “Hôm nay, các bạn là người bảo vệ tôn giáo và bảo vệ mảnh đất Hồi giáo”.

Sự kiện Mùa xuân Arab bắt đầu vào cuối năm 2010 và cuộc nội chiến ở Syria bùng nổ đầu năm 2011 đã giúp nhóm khủng bố của al-Baghdadi có động cơ mới, thành viên mới, vũ khí mới. Các tay súng của hắn cuối cùng đã chiếm được thành phố Raqqa phía Đông Syria.

Đầu mùa hè năm 2014, lực lượng IS đã khiến thế giới sốc khi chiếm 1/3 đất nước Iraq, trong đó có cả thành phố Mosul lớn thứ hai Iraq, cùng với một nửa lãnh thổ Syria.

IS thu hút được hàng chục nghìn tay súng từ 100 quốc gia. IS thực hiện hoặc truyền cảm hứng thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố, giết chết hàng nghìn người ở các nước. Tổ chức khủng bố này khét tiếng với những hình thức tra tấn, giết hại tù nhân tàn bạo.

Video hiện trường nơi Mỹ tuyên bố kết liễu trùm khủng bố Abu al-Baghdadi (nguồn: RT):

Những vụ tấn công đẫm máu có thể kể ra như: vụ đánh bom liều chết vào nhà thờ Thiên chúa giáo ở Sri Lanka vào ngày lễ Phục sinh năm 2019, vụ thảm sát tại chợ Giáng sinh ở Đức năm 2016, vụ xả súng hàng loạt tại San Bernadino (California, Mỹ) năm 2015.

Al-Baghdadi từng tuyên bố IS sẽ tiến tới thành Rome, tức phương Tây, để thiết lập Nhà nước Hồi giáo từ Trung Đông tới khắp châu Âu. Hắn nói hắn sẽ chinh phục cả Rome và Tây Ban Nha, đồng thời kêu gọi người Hồi giáo khắp thế giới di cư tới Nhà nước Hồi giáo.

Nhóm khủng bố này dùng mạng internet để xây dựng mạng lưới ủng hộ khắp thế giới, thực thi những quy định tôn giáo cực đoan lấy cảm hứng từ chính trị thần quyền Hồi giáo thời Trung Cổ, sát hại nhiều cộng đồng tôn giáo thiểu số.

Al-Baghdadi trực tiếp liên quan tới những tội ác và vi phạm nhân quyền do IS thực hiện: diệt chủng người thiểu số Yazidi ở Iraq, bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục hàng loạt, hành quyết con tin có hệ thống. Hắn chỉ đạo các hoạt động khủng bố và thảm sát khắp nơi. Hắn coi sự tàn bạo là một phần trong nỗ lực tuyên truyền cho IS.

Theo một thông tin tháng 10/2014, sau khi bị thương nặng, al-Baghdadi trốn khỏi Raqqa tới Mosul để tránh chiến dịch dội bom ác liệt do lực lượng liên quân chống IS thực hiện. Có nhiều thông tin nói rằng al-Baghdadi bị giết trong nhiều vụ tấn công trong vài năm qua, nhưng tất cả đều không đúng.

Mặc dù IS đã mất kiểm soát gần như toàn bộ vùng đất chiếm đóng nhưng người ta vẫn sợ chúng xuất hiện trở lại hoặc biến tướng thành một phong trào khủng bố mới. Thủ lĩnh đã chết nhưng tư tưởng khủng bố của hắn thì chưa chết cùng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Các nước cảnh giác trước khả năng IS trả thù cho cái chết của thủ lĩnh al-Baghdadi
Các nước cảnh giác trước khả năng IS trả thù cho cái chết của thủ lĩnh al-Baghdadi

Ngày 27/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng việc tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi mới chỉ là một bước và cuộc chiến nhằm quét sạch tổ chức khủng bố này vẫn còn tiếp diễn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN