Chia sẻ trên Twitter, Tổng thống Macron cho rằng cái chết của al-Baghdadi là một tổn thất lớn của IS, nhưng đây mới chỉ là một giai đoạn của cuộc chiến và Pháp ưu tiên tiếp tục cùng liên minh quốc tế trong nhiệm vụ đảm bảo tổ chức khủng bố này bị đánh bại hoàn toàn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner đã gửi một bức thư tới các cảnh sát trưởng của nước này, kêu gọi tăng cường cảnh giác trước khả năng IS tiến hành các cuộc tấn công trả đũa sau cái chết của thủ lĩnh IS.
Trong thư, ông cho rằng có khả năng IS sẽ gia tăng tuyên truyền thánh chiến và kêu gọi hành động trả thù sau cái chết của al-Baghdadi.
Bộ trưởng Nội vụ đồng thời yêu cầu các lực lượng an ninh Pháp đặc biệt chú trọng đảm bảo an ninh các sự kiện công cộng diễn ra tại các địa phương trong những ngày tới.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng cho rằng dù việc tiêu diệt được thủ lĩnh IS là một "thời khắc quan trọng", nhưng không đồng nghĩa rằng mối đe dọa từ IS không còn tồn tại và cuộc chiến chống tổ chức này sẽ chưa thể đến hồi kết. Anh khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế để hoàn thành cuộc chiến này.
Trong một chia sẻ trên mạng Twitter, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg mô tả chiến dịch nhằm tiêu diệt thủ lĩnh IS là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực chống khủng bố quốc tế và khẳng định NATO tiếp tục đồng hành cùng cuộc chiến chống kẻ thù chung IS.
Trả lời trên sóng phát thanh, Thủ tướng Phần Lan Antti Rinne cho rằng việc tiêu diệt al-Baghdadi có thể sẽ đẩy IS vào tình thế khó khăn hơn, nhưng sẽ không thể làm tê liệt hoạt động của tổ chức này. Ông cũng cảnh báo vẫn còn những tay súng IS hoạt động ở những khu vực lân cận và cái chết của thủ lĩnh có thể sẽ kích động những hành động trả thù.
Ngoài ra, việc Mỹ rút quân khỏi khu vực cũng như chiến dịch tấn công của Syria vào lực lượng người Kurd ở Syria trên thực tế đã làm suy yếu những nỗ lực chống IS tại thực địa.
Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan gọi việc tiêu diệt thủ lĩnh tối cao IS al-Baghdadi là “bước ngoặt” trong cuộc chiến chung chống chủ nghĩa khủng bố.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chúc mừng Mỹ và gọi đây là một "thành quả ấn tượng", một phần của cuộc chiến lâu dài chống IS mà liên minh quốc tế cần phải giành chiến thắng. Ngoại trưởng Bahrain Khalid bin Ahmed Al Khalifa nhận định cái chết của thủ lĩnh IS al-Baghdadi là một "đòn chí tử" đối với tổ chức khủng bố này.
Người phát ngôn của Chính phủ Iran Ali Rabiei cho rằng việc thủ lĩnh IS thiệt mạng mới chỉ khép lại một chương trong cuộc chiến chống IS và cảnh báo chủ nghĩa khủng bố IS sẽ vẫn tiếp tục phát triển. Chỉ huy trưởng Lực lượng người Kurd tại Syria Mazloum Abdi cảnh báo những phần tử khủng bố IS đang ẩn náu ở nhiều nơi sẽ tìm cách trả thù cho al-Baghdadi.
Trước đó, tối 27/10 (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận thủ lĩnh tổ chức IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong cuộc đột kích của quân đội Mỹ ở tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria. Ngoài al-Baghdadi, nhiều thuộc hạ và phần tử ủng hộ y cũng bị tiêu diệt trong cuộc đột kích này.
Nhà lãnh đạo Mỹ cảm ơn Nga đã mở cửa không phận giúp Mỹ tiến hành cuộc đột kích bất ngờ này, đồng thời ông cũng đánh giá cao lực lượng người Kurd ở Syria cung cấp thông tin giúp tiêu diệt thủ lĩnh IS.
Ngày 27/10, truyền thông Trung Đông dẫn nguồn tin từ một quan chức tình báo Iraq cho biết cơ quan tình báo nước này đã cung cấp cho liên quân do Mỹ đứng đầu tọa độ chính xác về địa điểm của thủ lĩnh IS. Việc làm này đã góp phần mở đường cho cuộc đột kích được cho là đã tiêu diệt được trùm khủng bố khét tiếng này.
Cái chết của al-Baghdadi có thể coi là thành công lớn nhất của quân đội Mỹ kể từ chiến dịch tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden hồi năm 2011. Abu Bakr Al Baghdadi đã lẩn trốn suốt 5 năm nay. Trừ lần xuất hiện trong một đoạn video do IS tung ra hồi tháng 4/2018, lần gần đây nhất Al Baghdadi xuất diện công khai là vào tháng 7/2014 tại Đại thánh đường ở Mossoul, Iraq.