Washington Post dẫn nguồn một số quan chức quân sự phát biểu trong điều kiện giấu tên đã bày tỏ lo ngại rằng sự suy giảm hiện diện của Mỹ tại Trung Đông đã tác động xấu đến khả năng đối phó với những mối đe dọa tiềm ẩn từ Iran liên quan đến các biện pháp trừng phạt.
Mặc dù những nguồn tin trên không tin Tehran có khả năng tiến hành một vụ tấn công quy mô lớn vào binh sĩ Mỹ tại vùng bất ổn trên nhưng họ vẫn cảnh báo nước Cộng hồi Hồi giáo này có thể kích hoạt tên lửa đạn đạo hoặc phong tỏa vùng Eo biển Hormuz chiến lược để trả đũa.
Nhóm quan chức tiết lộ rằng Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ đã yêu cầu tiếp viện thêm các nguồn lực. Họ cũng đề cập đến việc kể từ khi hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt quay trở về Thái Bình Dương hồi tháng 3 năm nay, vẫn chưa có tàu sân bay Mỹ nào thay thế hiện diện ở Trung Đông - một chỗ trống lâu nhất trong nhiều năm qua. Ngoài ra, Washington cũng rút lượng lớn tên lửa Patriot và chiến đấu cơ khỏi khu vực này.
Mặt khác, nguy cơ từ việc Iran đe dọa phong tỏa Eo biển Hormuz, cắt đứt tuyến đường biển chuyên chở dầu chính của thế giới để “ăn miếng trả miếng” với bất kỳ hành động thù địch nào từ phía Mỹ cũng đáng báo động. Ước tính Iran có khả năng triển khai trên 1.000 quả mìn trong chưa đầy một tuần, các nhân vật trên tin Tehran có thể sử dụng mìn để đóng tuyến đường biển hay khiến nó trở nên nguy hiểm không thể lưu thông.
Một quan chức nói với Washington Post: “Với việc bị siết chặt về kinh tế và ngoại giao, không thể rõ phản ứng sau cùng của Iran là gì”.
Bài báo viết rằng mối lo tiếp tục gia tăng đối với tiềm lực tên lửa của Iran khi các quan chức đặt câu hỏi về khả năng tấn công mục tiêu theo ý định của quốc gia Hồi giáo này. Washington Post cho rằng việc tên lửa Iran, tấn công các phiến quân ở Syria cách vị trí của quân đội Mỹ khoảng 5km không thể bị xem nhẹ.
Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc rút bốn khẩu đội tên lửa Patriot khỏi Trung Đông khiến các quan chức quân đội trên không thấy “tự tin về khả năng để đánh bại tên lửa đạn đạo của Iran”.
Mối quan hệ giữa Iran và Mỹ đã thêm phần xấu đi kể từ khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và khôi phục các biện pháp trừng phạt chống Tehran. Vòng trừng phạt đầu tiên – được dỡ bỏ theo thỏa thuận năm 2015 – đã được tái áp đặt tháng 8 vừa qua.
Trong khi đó, một loạt lệnh cấm vận mới nhằm vào lĩnh vực năng lượng, nền công nghiệp đóng tàu và tài chính của Tehran sẽ có hiệu lực từ 5/11. Cùng lúc, chính quyền Tổng thống Trump đã đưa ra một bản danh sách gồm 12 điều kiện Tehran cần tuân thủ để được xóa bỏ cấm vận.
Với việc siết chặt trừng phạt, Washington muốn gây sức ép tối đa để buộc Iran phải thỏa hiệp và thậm chí nhượng bộ, như Ngoại trưởng Mỹ từng tuyên bố rằng phải làm cho “Chính phủ Iran có sự thay đổi lớn”. Nhà Trắng cũng hy vọng khi lâm vào cảnh kinh tế khó khăn, dư luận trong nước bất an, ảnh hưởng và vai trò của Tehran trong khu vực sẽ giảm sút.