"Sứ mệnh chặt đầu" gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là hoạt động thường niên trên Bán đảo Triều Tiên thường gây sóng gió trong khu vực từ những phản ứng gay gắt của Bình Nhưỡng.

Lần này, cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn không chỉ có quy mô lớn nhất từ trước tới nay mà hàng nghìn binh lính hiện đang tập trung ở phía Nam Khu vực Phi Quân sự được cho là còn đang triển khai một bài tập giả định có tên “sứ mệnh chặt đầu” nhằm vào chính nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Binh sĩ Hàn Quốc chuẩn bị tham gia tập trận chung tại cảng thuộc Pohang, miền đông nam Hàn Quốc ngày 7/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là lựa chọn đã được nhiều nhà chính sách quân sự cân nhắc nhưng chưa từng sử dụng. Cả Bộ Quốc phòng Hàn Quốc và quân đội Mỹ đều không hề nhắc tới việc nội dung này đã được đưa vào chương trình các cuộc tập trận Giải pháp Then chốt/Đại bàng non, bắt đầu từ ngày 7/3-30/4.

Tuy nhiên trong bối cảnh sức ép từ một loạt lệnh trừng phạt mới liên quan đến các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa gần đây đang bắt đầu tác động mạnh mẽ tới Triều Tiên, Bình Nhưỡng bắt đầu lưu ý tới các thông tin liên quan đến bài diễn tập “sứ mệnh chặt đầu” mà truyền thông Hàn Quốc đăng tải.

Đây cũng có thể là lý do giới chức Bình Nhưỡng lần này tỏ ra cực kỳ gay gắt và đưa ra nhiều lời đe dọa nặng nề, mặc dù thực tế quốc gia này vẫn luôn có những hành động và lời nói mang tính khiêu chiến. Điều này cũng có thể lý giải cho những thay đổi bí mật và nhạy cảm trong chiến lược quân sự hiện nay của Bình Nhưỡng.

“Sứ mệnh chặt đầu” là gì?

“Sứ mệnh chặt đầu” là cách truyền thông hai miền Nam-Bắc Triều Tiên gọi bài diễn tập này, trong khi quân đội coi đây các cuộc tấn công nhằm thủ tiêu giới chóp bu của kẻ thù. Tuy nhiên, cho dù cách gọi có như thế nào đi chăng nữa, đây cũng là một khái niệm khá mới.

Có thể hiểu đơn giản đây là các cuộc tấn công có mục tiêu cụ thể, tiêu diệt một hoặc nhiều lãnh đạo của đối phương, nhằm đẩy đối phương vào thế “rắn mất đầu” càng sớm càng tốt khi chiến tranh bùng phát. Chiến lược này được cho là đặc biệt hiệu quả khi phải đối phó với những kẻ thù mà quyền chỉ huy tập trung chủ yếu trong tay một người hoặc một nhóm nhỏ.

Ý tưởng cốt lõi của biện pháp này là khi kẻ cầm đầu bị tiêu diệt, lực lượng bên dưới dễ dàng bị phân tán, đập tan- hoặc ít nhất là cũng khó có thể phối hợp nhuần nhuyễn và tiến hành các cuộc tấn công hiệu quả. Triều Tiên được coi là một ví dụ tiêu biểu cho mục tiêu này.

Mỹ đã nhiều lần tiến hành các cuộc không kích, chủ yếu là bằng máy bay không người lái, để tiêu diệt các nhân vật chủ chốt trong các tổ chức khủng bố. Bình Nhưỡng đã từng tìm cách thủ tiêu cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee, cha đẻ của đương kim Tổng thống Park Geun-hye, tại dinh thự riêng vào năm 1968. Có lẽ nhiều người, nhất là Bình Nhưỡng, cũng không quá ngạc nhiên, khi Washington và Seoul cân nhắc lựa chọn này trong trường hợp nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Mùa Hè năm 2015, Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí một kế hoạch mới nhằm huấn luyện và đối phó với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên Bán đảo Triều Tiên, gọi đây là OPLAN 2015. Tuy nhiên, giới chức không hề công bố chi tiết những điểm khác biệt của OPLAN 2015 với các kế hoạch trước đó.

Vũ khí truyền thông

Kể từ tháng 6/2015 sau khi bản kế hoạch được ký, truyền thông Hàn Quốc đã nhiều lần đưa tin về kế hoạch triển khai mới, trong đó có các cuộc tấn công phủ đầu và tiêu diệt giới chóp bu của kẻ thù. Những tin tức như vậy càng xuất hiện với tần số dày đặc sau khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân hồi tháng 1 và phóng vệ tinh hồi đầu tháng 2 vừa qua, như một biện pháp răn đe và thể hiện quan điểm cứng rắn của chính quyền Seoul đối với Bình Nhưỡng.

Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, các cuộc tập trận Giải pháp Then chốt/Đại bàng non lần này bao gồm các bài diễn tập giả định, các bài diễn tập tấn công phủ đầu tại các căn cứ hạt nhân và tên lửa, cùng với các bài diễn tập giả định tiêu diệt ông Kim Jong-un và chính quyền Bình Nhưỡng trong trường hợp nổ ra chiến tranh.

Có thông tin cho rằng trong khuôn khổ các cuộc tập trận lần này, hải quân hai nước còn diễn tập các chiến dịch đổ bộ vào bờ biển Hàn Quốc và tấn công trực tiếp giới lãnh đạo Triều Tiên. Các thông tin này hầu hết không dẫn nguồn hoặc đề nguồn giấu tên và cũng không nói rõ cách thức diễn tập của quân đội hai nước, mặc dù sự hiện diện của các đơn vị triển khai đặc biệt của Mỹ trong các cuộc diễn tập lần này cho thấy quy mô và mức độ đáng kể của các hoạt động huấn luyện.

Ban Chỉ huy Tối cao của Quân đội Nhân dân Triều Tiên cuối tháng trước đã ra một tuyên bố, trong đó nhấn mạnh kế hoạch tấn công này là “đỉnh điểm của những hành động thù địch”, đồng thời cho biết các vũ khí của Triều Tiên đã ở trong “trạng thái sẵn sàng khai hỏa” nhằm vào nước Mỹ.

Ngày 7/3, ngày hai nước Mỹ và Hàn Quốc chính thức bắt đầu các cuộc tập trận, nhật báo “Minju Joson” của Triều Tiên nói rằng “thời khắc lịch sử đã tới” và những kẻ thù sẽ bị “các lực lượng bộ binh, hải quân, không quân và an ninh mạng” (của Triều Tiên) tấn công, bằng cả vũ khí hạt nhân, và chúng sẽ phải chịu “sự thất bại cay đắng nhất”.

Đằng sau những lời đe dọa


Nhiều người cho rằng Bình Nhưỡng đang thực sự lo ngại trước các cuộc tấn công và đe dọa của liên minh Mỹ- Hàn. Triều Tiên đang tích cực chuyển hướng quân đội sang chiến thuật chiến tranh “không cân sức”, trong đó sử dụng các biện pháp và phương tiện do thám, đột kích để giành ưu thế trước đối thủ mạnh hơn và được trang bị đầy đủ hơn. Bình Nhưỡng cũng chú trọng phát triển lĩnh vực an ninh mạnh, các lực lượng đặc biệt và vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nếu bị đẩy vào thế “rắn mất đầu”, tất cả các biện pháp này của Triều Tiên có thể sẽ không còn hiệu quả.

Binh sĩ quân đội Triều Tiên tại lễ tuyên thệ trung thành với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng ngày 14/2. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Trong khi đó, những lời đe dọa của Triều Tiên, chẳng hạn như một cuộc tấn công quy mô san bằng Seoul, đã không còn nhiều trọng lượng. Một số chuyên gia tin rằng nhiều loại vũ khí của Bình Nhưỡng đã cũ và thiếu hiệu quả. Trong khi đó, Seoul lại đang tiến hành thử nghiệm nhiều loại tên lửa mới với khả năng định hướng tốt và có sức công phá lớn.

Trước sức ép này, tuần trước Triều Tiên đã đưa ra câu trả lời của mình: một hệ thống tên lửa có nòng súng cỡ lớn và có thể phóng được nhiều tên lửa cùng lúc. Một số chuyên gia cho rằng tầm bắn của loại vũ khí này có thể cho phép Bình Nhưỡng khai hỏa loại tên lửa xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Nhiều người cũng cho rằng Triều Tiên có thể gắn đầu đạn hạt nhân vào loại tên lửa này.

Jeffrey Lewis- Giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí Đông Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin, tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California- cho rằng thậm chí ngay cả trước khi truyền thông đưa tin về các cuộc diễn tập nói trên, nhiều chuyên gia đã nhận thấy hàng loạt phản ứng lo sợ từ phía Triều Tên và tín hiệu cho thấy Seoul và Washington đang tính đến các khả năng này.

Ông nói: “Sự hiện diện của hệ thống tên lửa tầm xa phản ánh sự lo ngại của Triều Tiên trước các cuộc tấn công nhằm vào giới lãnh đạo nước này. Chúng ta cần lưu ý tới những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Triều Tiên cũng như những định hướng chiến tranh của Hàn Quốc, với các biện pháp tấn công phủ đầu và nhằm trực tiếp vào giới chóp bu”.

TTK (Theo AP)
Liệu có xảy ra cuộc chiến tranh Triều Tiên mới?
Liệu có xảy ra cuộc chiến tranh Triều Tiên mới?

Theo báo Độc lập (Nga) số ra ngày 12/1, Lầu Năm Góc đã đặt quân đội Mỹ ở Hàn Quốc trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu và đe dọa sẽ đưa máy bay ném bom và tàu ngầm hạt nhân đến bán đảo Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN