Xe tăng do Đức sản xuất được gọi là Leopard. Hai mẫu Leopard khác nhau đang được gửi đến Ukraine, gồm Leopard-1 A-5 cũ hơn và Leopard 2 dòng A-4 và A-6. Mẫu Leopard 2 được coi là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực được thiết kế tốt nhất, so sánh tương đương với M1 Abrams của Mỹ, T-90 của Nga và Merkava của Israel.
Mỹ hiện đang tân trang xe tăng Abrams M-1 cho Ukraine. Lô này sẽ đến nơi trong hai tháng tới, thậm chí có thể sớm hơn.
Người Anh thì đã gửi những chiếc Challenger 2 đầu tiên tới Ukraine. "Quái thú" khổng lồ nặng 69 tấn này quá nặng đối với nhiều cây cầu ở Ukraine và không phù hợp để hoạt động trên những con đường lầy lội.
Điều đáng nói là không có chiếc xe tăng nào trong số trên được trang bị lớp giáp phản ứng nổ. Thay vào đó, chúng dựa vào lớp giáp tích hợp được gọi là NERA (giáp phản ứng phi năng lượng). Dạng sơ khai nhất của NERA được gọi là giáp Chobham vì nó được phát triển tại Trung tâm Nghiên cứu Xe tăng Anh ở Chobham, Surrey.
Loại giáp này là sự kết hợp các tấm thép với vật liệu phi thép nằm ở giữa, đôi khi có nhiều cấp độ và vật liệu. Lớp giáp tổng hợp được thiết kế để chống lại đạn có điện tích định hình (giống như loại đạn xe tăng HEAT) và chống lại loại đạn trang bị thanh xuyên giáp để đốt cháy lớp giáp.
Những thanh xuyên giáp ở đạn chống tăng có khi được gọi là "phi tiêu" có thể được làm từ thép cứng, vonfram hoặc uranium nghèo, như đối với đạn M829A4 của Anh và Mỹ là sử dụng thanh xuyên giáp làm từ uranium nghèo. Trong khi đó, đạn xuyên giáp ổn định loại bỏ (APFSDS) của Đức sử dụng đầu xuyên bằng vonfram vì uranium nghèo bị cấm ở EU.
Giới quan sát đánh giá có lẽ người Nga không sử dụng đạn uranium nghèo trong cuộc xung đột ở Ukraine. Năm 1977, người Nga đã có được các kế hoạch chế tạo lớp giáp Chobham của Mỹ và điều chỉnh nó cho xe tăng Nga. Tuy nhiên, không có xe tăng nào của Nga phụ thuộc vào loại giáp tích hợp NERA. Thay vào đó, người Nga đặt các mảnh giáp phản ứng nổ trên thân ngoài của xe tăng, chủ yếu là ở mặt trước, trên tháp pháo và hai bên.
Lớp giáp phản ứng nổ của Nga được phát triển từ các mẫu giáp Kontakt 1 cho đến Kontakt 5. Người Nga hiện đang giới thiệu một loại giáp phản ứng nổ hoàn toàn mới có tên Reklit được thiết kế để đối phó gần như hoàn toàn với các mối đe dọa từ đạn xuyên giáp ổn định loại bỏ.
Tính năng cơ bản của lớp giáp phản ứng nổ là nó phát nổ khi một viên đạn bay tới tấn công xe tăng. Vụ nổ sẽ chuyển hướng quả đạn thực tế đang bay đến hoặc làm hỏng nó, khiến đạn tấn công không hiệu quả.
Các dạng giáp phản ứng nổ tốt hơn có thể phá vỡ hoặc bẻ cong thiết bị xuyên giáp, bảo vệ xe tăng. Giáp phản ứng nổ phải được thiết kế sao cho khi phát nổ không gây thương tích hoặc tử vong cho bộ binh hoặc các phương tiện khác ở gần.
Người Anh, người Đức và đặc biệt là Mỹ từ lâu đã nghĩ rằng xe tăng chiến đấu chủ lực của họ, được thiết kế vào những năm 1970 và 1980, có thể chống lại hầu hết các mối đe dọa và không cần giáp phản ứng nổ.
Tuy nhiên, những cuộc chiến ở Iraq và Syria đã thay đổi tất cả, khi nhiều xe tăng Abrams và Leopard (đặc biệt là những chiếc thuộc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ) đã bị phá hủy bởi vũ khí chống tăng mà tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng.
Nếu lớp giáp của Mỹ và Đức có thể bị hạ gục chỉ bằng loại đạn cũ chứ không phải đạn DART (hay đạn dẫn động giảm thời gian bay), thì dễ dàng nhận thấy rằng xe tăng phương Tây sẽ gặp rủi ro ở Ukraine. Người Nga ngay lập tức nhận ra lỗ hổng của xe tăng Leopard trước vũ khí chống tăng của họ.
Từ năm 2017, quân đội Mỹ đã thiết kế cái mà họ gọi là Angled Tiles, một loại giáp phản ứng nổ được thiết kế để làm chệch hướng mối đe dọa sắp đến. Đến năm 2019, quân đội Mỹ bắt đầu lắp đặt Angled Tiles trên xe tăng Abrams được triển khai ở châu Âu, nhưng họ thừa nhận rằng loại xe tăng hàng đầu của Mỹ, dù có lớp giáp siêu bí mật vẫn thiếu khả năng bảo vệ.
Điều này đặc biệt quan trọng vì xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams mới nhất của Mỹ có hệ thống giáp nhiều lớp độc đáo được cho là có thành phần uranium nghèo. Nhưng Mỹ đã quyết định không cung cấp phiên bản xe tăng này với lớp giáp tăng cường uranium nghèo cho Ukraine vì sợ người Nga có thể bắt chước.
Trong khi đó, tại Ukraine, những chiếc xe tăng Leopard vừa được chuyển đến đang được sửa đổi bằng cách bổ sung lớp giáp phản ứng nổ bên ngoài. Thiếu nguồn cung cấp giáp phản ứng nổ, người Ukraine đang phải tháo các mô-đun khỏi xe tăng Nga bị hư hỏng. Ít nhất cho đến nay, xe tăng Leopard 2 sửa đổi đang được trang bị giáp phản ứng nổ Kontakt 1, thua một vài thế hệ sau các hệ thống giáp phản ứng nổ mới nhất.
Việc Ukraine vội vã trang bị lớp giáp phản ứng nổ cho các xe tăng phương Tây cho chúng ta biết một điều khác: những chiếc xe tăng mới này không tốt hơn nhiều so với những chiếc cũ, khi không có hệ thống phòng thủ chủ động.
Hệ thống phòng thủ chủ động là một hệ thống phá hủy súng cối, tên lửa và đạn pháo trước khi chúng bắn trúng xe tăng. Hệ thống hoạt động bằng cách phát hiện mối đe dọa sắp tới và vô hiệu hóa nó bằng cách bắn chặn.
Do đó, hệ thống phòng thủ xe tăng thích hợp cần phải có lớp giáp chất lượng hàng đầu - tức lớp giáp phản ứng nổ và hệ thống phòng thủ chủ động. Xe tăng có những khả năng này mới có thể sống sót trước cả một kẻ thù được trang bị tốt, vũ khí mạnh.
Hiện đã có một số hệ thống phòng thủ chủ động và một số hệ thống mới hơn đang được phát triển, có thể sẽ sử dụng tia laze thay vì các loại đạn tạo bởi chất nổ.
Người Nga tuyên bố có một hoặc nhiều hệ thống phòng thủ tích cực (một trong số đó được gọi là Arena), nhưng không một chiếc xe tăng nào của Nga ở Ukraine được trang bị Hệ thống Phòng thủ chủ động. Tương tự như vậy, không có xe tăng nào do Đức, Anh và Mỹ chuyển giao được trang bị hệ thống này.
Hệ thống tốt nhất hiện đang được triển khai là Israel Trophy (của hãng Rafael, Israel) và một loại mới hơn được sản xuất tại Israel có tên là Iron First. Trophy đã được thể hiện trong chiến đấu và được trang bị cho xe tăng Merkava.