CNN: Pháp tin Trung Quốc là bên duy nhất có thể trung gian thỏa thuận hòa bình cho Ukraine

Nguồn tin từ Phủ Tổng thống Pháp nói với đài CNN rằng Paris tin chỉ có Trung Quốc mới có thể mang lại thỏa thuận hòa bình cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ ký kết hợp tác diễn ra sau cuộc hội đàm tại Điện Kremlin ngày 21/3/2023. Ảnh: AFP/Getty Images

Sức mạnh của Trung Quốc và mối quan hệ chặt chẽ giữa Bắc Kinh với Moskva có nghĩa là nước này có thể là “quốc gia duy nhất trên Trái đất” có khả năng làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine - một nguồn tin trong Phủ tổng thống Pháp tiết lộ với CNN hôm 31/3. Bình luận này được đưa ra trước chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Bắc Kinh vào tuần tới.

“Rõ ràng Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên Trái đất - có thể là quốc gia duy nhất trên thế giới - có tác động 'làm thay đổi cuộc chơi' đối với cuộc xung đột, đối với cả hai bên", nguồn tin trên cho biết.

Trung Quốc đã tự xác định mình là một bên trung gia hòa bình tiềm năng ở Ukraine, với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra “Lập trường 12 điểm về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine” hồi tháng 2 năm nay.

Mặc dù được truyền thông phương Tây mô tả là một “kế hoạch hòa bình”, nhưng tài liệu này không đưa ra hướng dẫn từng bước để chấm dứt xung đột mà thay vào đó, liệt kê các nguyên tắc mà Bắc Kinh khuyến nghị tuân thủ bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai.

12 điểm của văn bản trên bao gồm những nhượng bộ cho cả hai bên. Ví dụ, tài liệu nhấn mạnh rằng “chủ quyền của tất cả các quốc gia” phải được tôn trọng – đồng tình với yêu cầu của Kiev rằng biên giới trước xung đột của họ phải được trả lại, đồng thời nhấn mạnh rằng “các lợi ích và mối quan tâm an ninh hợp pháp của tất cả các quốc gia phải được coi trọng” - ý chỉ việc Moskva không chấp nhận việc NATO tiếp tục mở rộng dọc đường biên giới của mình.

Lập trường của Trung Quốc được Điện Kremlin hoan nghênh, nhưng bị Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ vì cho rằng đây là một “động thái chiến thuật” nhằm khiến cuộc xung đột ở Ukraine có lợi cho Nga. Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông chỉ đồng ý với một số điểm trong tài liệu.

Theo kế hoạch, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tới Trung Quốc vào 5/4 để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Cường.

Theo nguồn tin của CNN, ông Macron sẽ nỗ lực “tìm cách xác định các giải pháp để chấm dứt cuộc xung đột Ukraine trong trung hạn”. Tuy nhiên, Reuters đưa tin rằng ông Macron dự kiến sẽ đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc đối với ông Tập Cận Bình về việc cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng ở Ukraine.

“Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: Có thể có sự cám dỗ xích lại gần Nga hơn, nhưng đừng vượt qua ranh giới đó”, một nhà ngoại giao Pháp giấu tên nói với hãng tin Reuters.

Trong bối cảnh Washington tăng cường hiện diện quân sự xung quanh Trung Quốc và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ám chỉ những hậu quả ngoại giao đối với Bắc Kinh về mối quan hệ với Moskva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký hơn chục thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng trước, trong khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết sẵn sàng tăng cường hợp tác quân sự với Nga.

Từ ngày 20-22/3, ông Tập Cận Bình đã thăm Nga trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông đắc cử Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ ba. Phát biểu khi đặt chân đến sân bay Nga, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói: "Trung Quốc và Nga là láng giềng tốt, đối tác tin cậy. Trung Quốc sẵn sàng cùng Nga bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)
Chuẩn bị cho chiến sự dài hơi, Nga và Ukraine đều tăng tốc tuyển quân
Chuẩn bị cho chiến sự dài hơi, Nga và Ukraine đều tăng tốc tuyển quân

Sau khi những người lính của họ chiến đấu và thiệt mạng trên chiến trường miền Đông Ukraine, cả Moskva và Kiev đã đẩy mạnh các đợt tuyển quân để củng cố lực lượng đang cạn kiệt của họ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN