Sau nhiều tuần chịu áp lực từ các đồng minh phương Tây, Chính phủ Đức đã đồng ý gửi 14 xe tăng Leopard 2 cho Ukraine để đối đầu với các lực lượng Nga. Quyết định này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Berlin, vốn vẫn do dự gửi vũ khí hạng nặng đến Kiev.
Bất chấp sự do dự ban đầu đó, Đức đã hỗ trợ quân sự đáng kể cho Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra vào tháng 2 năm ngoái. Tính đến tháng 11/2022, Berlin đã cam kết viện trợ quân sự 2,3 tỷ euro (2,5 tỷ USD), theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel.
Nhưng chính xác thì Đức và các đồng minh châu Âu tài trợ vũ khí cho Ukraine như thế nào? Có nhiều nguồn khác nhau, cả về thiết bị và kinh phí đằng sau nó.
Một số thiết bị quân sự mà Berlin gửi đến Ukraine đến từ kho dự trữ của quân đội Đức hoặc lực lượng vũ trang Đức có sẵn. Ví dụ, Đức có hơn 300 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 mà Ukraine muốn có, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.
Chính phủ Đức đã công bố việc giao thiết bị quân sự mà họ đã thực hiện cho Kiev. Một số ví dụ được liệt kê là 5 bệ phóng tên lửa MARS II cùng với đạn dược đi kèm, 14 pháo tự hành (trong một dự án chung với Hà Lan), 22 triệu viên đạn cho súng trường và 14.000 lều ngủ.
Đức hiện có ngành công nghiệp vũ khí lớn nhất trong EU. Năm ngoái, Chính phủ Đức đã đầu tư 2 tỷ euro vào quỹ "xây dựng năng lực an ninh", được thiết kế để giúp đỡ các đồng minh đang gặp khủng hoảng - hiện tại, nguồn lực này chủ yếu là cho Ukraine.
Số tiền trên có thể được sử dụng để đặt mua thiết bị quân sự từ các công ty Đức, sau đó được chuyển đến Kiev.
Trong năm nay, chính phủ Đức đã phân bổ 2,3 tỷ euro cho quỹ này, chủ yếu dành cho Ukraine. Ví dụ, trong số các thiết bị quân sự được quỹ này chi trả gần đây, có 107 phương tiện an ninh nhằm bảo vệ biên giới.
Quỹ viện trợ sát thương, phi sát thương của EU
Ngay sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, EU đã đưa ra quyết định lịch sử sử dụng tiền từ một quỹ tương đối mới, được gọi là Quỹ Hòa bình châu Âu (EPF), để hỗ trợ Kiev. Đây là lần đầu tiên nó được sử dụng để cung cấp vũ khí sát thương cho một nước thứ ba.
Kể từ đó, EU đã cam kết tài trợ chung trị giá 3,6 tỷ euro cho quân đội Ukraine, tập trung chi trả cho sự kết hợp giữa viện trợ sát thương và phi sát thương. Các khoản đóng góp cho Quỹ Hòa bình châu Âu được tính theo sản lượng kinh tế của mỗi quốc gia. Kết quả là Đức, quốc gia có GDP lớn nhất trong khối, đóng góp nhiều nhất.
EPF cũng có thể được sử dụng để hoàn trả cho các quốc gia thành viên khoản viện trợ mà họ đã gửi riêng cho Ukraine. Ví dụ, Ba Lan - một trong những nhà tài trợ quân sự lớn nhất của Ukraine - cho biết họ sẽ tìm kiếm các quỹ của EU để trang trải chi phí cho xe tăng Leopard 2 mà Warsaw muốn gửi tới Kiev.
Trong khi thông báo về viện trợ Leopard 2 cho thấy sự thay đổi trong việc Đức sẵn sàng gửi vũ khí hạng nặng, thì biện pháp trước đây của Berlin được gọi là "trao đổi chéo" - có nghĩa là Đức sẽ cung cấp một số vũ khí nhất định, đặc biệt là xe tăng chiến đấu và các thiết bị hạng nặng khác, không phải cho Ukraine mà cho các nước đối tác NATO. Các quốc gia này sau đó sẽ cung cấp vũ khí cũ từ kho của họ cho Ukraine.
Bằng cách này, Đức có thể tránh được vấn đề gây tranh cãi về việc chuyển giao vũ khí hạng nặng trực tiếp cho Ukraine - vấn đề gắn liền với di sản chính sách đối ngoại từ Thế chiến II - nhưng vẫn thể hiện sự đoàn kết của mình với các đồng minh. Qua đó, Berlin cũng sẽ góp phần hiện đại hóa quân đội của các thành viên NATO.
Cho đến nay, mô hình trao đổi phức tạp trên có nhiều kết quả khác nhau. Ví dụ, Ba Lan đã chỉ trích ý tưởng này. Tuy nhiên, Đức đã thực hiện các trao đổi với những nước EU khác như CH Séc, Slovakia và Slovenia.