Tiếp xúc cử tri Đà Nẵng vào ngày 27/4 vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định thời gian tới, Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm cán bộ tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Cùng với việc xử lý cả cán bộ đương chức lẫn cán bộ đã nghỉ hưu nếu có sai phạm, không để tình trạng “hạ cánh an toàn”, Chủ tịch nước nhấn mạnh phải xử lý đồng thời cả các vụ tham nhũng lớn và tham nhũng vặt ở cơ sở. Trước đó, phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào ngày 12/1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở.
Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, việc xử lý “tham nhũng vặt” đã được các nhà lãnh đạo đứng đầu Đảng và Nhà nước nêu ra với thái độ kiên quyết. Nơi xảy ra “tham nhũng vặt” cũng được xác định rõ là ở địa phương, cơ sở. Định hướng này dường như cũng trùng khớp với sự hoàn tất việc thành lập 63 Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh vốn bắt đầu từ tháng 8/2022, cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở “dưới” (cơ sở) cũng bắt đầu nóng lên, không còn tình trạng “trên (trung ương) nóng, dưới lạnh” nữa.
Khi những vụ đại án về tham nhũng được đưa ra xét xử, khi một số nhân sự cấp cao bị kỷ luật cảnh cáo đệ đơn lên Trung ương xin từ chức mà không chờ hết nhiệm kỳ, người dân tin rằng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không còn chuyện “tắm từ vai trở xuống”. “Lò” cháy rừng rực ở “trên”, nhưng những chuyện xảy ra bên “dưới” khiến dư luận không khỏi lo ngại.
Theo Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm 11/4, năm 2022 có 71,7% số doanh nghiệp được hỏi thừa nhận: Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục là phổ biến. Tỷ lệ này tăng mạnh so với mức 57,4% của năm 2021 và 54,1% trong năm 2019 và năm 2020. Báo cáo PCI còn cho biết tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế đã gia tăng đáng quan ngại, từ mức 33,8% của năm 2021 lên mức 54,54% trong năm 2022.
Đối với người dân, trong quá trình sinh sống và làm việc ở địa phương, họ không ít lần phải đến cơ quan công quyền thực hiện thủ tục hành chính, từ hồ sơ học hành của con cái, tới giấy chứng nhận, xác nhận, chấp thuận trong các lĩnh vực như y tế, đăng kiểm, trật tự xây dựng, giao thông, môi trường, đất đai… Những dịch vụ công phổ biến đó thường có quy định, quy trình và biểu giá rõ ràng, nhưng một bộ phận cán bộ đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để “vặt” hoặc cố tình gây khó khăn nhằm “vòi vĩnh”.
Muốn thông đồng bén giọt, người dân và doanh nghiệp phải chi thêm một số khoản phí không chính thức để “lót tay”. Ấy là hiện tượng không hiếm gặp ở cơ sở.
Với doanh nghiệp, khoản phí ngoài biểu giá này không lớn. Tuy nhiên, do tính chất thường xuyên, lặp đi lặp lại, chúng sẽ trở thành chi phí đáng kể và khi được hạch toán vào giá thành sẽ đẩy giá bán lên, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Còn với người dân, nhất là hộ nghèo, khoản phí ngoài biểu giá thường chiếm tỷ lệ cao trong thu nhập của họ.
Từ đó có thể thấy chi phí “bôi trơn” trong quá trình xử lý thủ tục hành chính có thể là “vặt” đối với cán bộ, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của dân nghèo và nhiều lần tích tiểu sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Quan trọng hơn, tham nhũng vặt không chỉ làm xói mòn môi trường pháp lý, chệch hướng các quy định, quy trình, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của bộ máy nhà nước, khiến các nhà đầu tư chùn bước và người dân mất niềm tin vào chính quyền cơ sở. Bên cạnh đó, những cán bộ tham nhũng vặt hiện nay ở cơ sở, nhưng một ngày nào đó “vào nguồn”, “chui sâu leo cao” thì hậu quả thật khôn lường.
Tham nhũng vặt, vì thế, giống như “vòi bạch tuộc” bám chặt, gây bức xúc lớn ở cơ sở, cần phải xử lý triệt để, giải quyết tới nơi tới chốn. Vấn đề này cũng đã được nêu ra tại nhiều hội nghị cùng hàng loạt giải pháp, từ phát huy vai trò của các cấp uỷ Đảng, chính quyền tới đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ… Tuy nhiên phải thấy rằng các biện pháp này cần có thời gian mới tạo ra sự thay đổi và trong bối cảnh đó, lời Bác dạy rằng “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” càng trở nên thấm thía.
Phát huy vai trò của nhân dân, doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng vặt là hết sức quan trọng bởi họ chính là bên chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tham nhũng vặt và một ứng dụng báo cáo tham nhũng trên điện thoại thông minh sẽ huy động được sự tham gia của đông đảo người dân và doanh nghiệp. Đương nhiên, kèm theo báo cáo là bằng chứng như hình ảnh, âm thanh. Bên cạnh đó, do các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh mới đi vào hoạt động, nhân lực và nguồn lực đều hạn chế, cho nên, việc phòng, chống tham nhũng vặt cần ưu tiên giải quyết một số lĩnh vực ảnh hưởng nhất đối với người dân và doanh nghiệp như khu vực dịch vụ công nhằm tạo ra niềm tin và khuyến khích sự tham gia của nhân dân, doanh nghiệp.