Những ngày tháng 3 vừa qua, người dân Hà Nội đã quen với sự có mặt của lực lượng chức năng trên các tuyến phố. Đó là lúc Hà Nội đang trong giai đoạn 2 của chiến dịch "giành" lại vỉa hè cho người đi bộ với việc tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự đô thị, trong đó tăng cường xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố. Từ tháng 4 này tới ngày 1/11, chiến dịch bước vào giai đoạn 3 với việc các lực lượng duy trì kiểm tra, không để vi phạm tái diễn.
Ngày 31/3, khi báo cáo kết quả sau gần một tháng "giành" lại vỉa hè, phó Chủ tịch TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết hiện nay tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện đã giảm dần; việc sắp xếp phương tiện cơ bản gọn gàng, đúng quy định. Các bục bệ, mái che, mái vẩy vi phạm hành lang giao thông, gây mất mỹ quan đô thị đã được người dân và lực lượng chức năng tháo dỡ. Trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường được đảm bảo. Kết quả đạt được trong cao điểm chiến dịch có thể nói khá khả quan.
Tuy nhiên, nếu quay ngược thời gian sẽ thấy từ năm 2014 tới nay, Hà Nội đã nhiều lần phát động chiến dịch "giành" lại vỉa hè cho người đi bộ. Đây là một trong những nội dung của “Năm trật tự và văn minh đô thị” 2014, 2015. Đến năm 2017, Ban Chỉ đạo 197 (BCĐ 197) của Hà Nội đã ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, bao gồm các hành vi vi phạm tại lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện. Tiếp đó, năm 2018 là sự ra đời của quy định chi tiết về việc sử dụng tạm thời hè phố đối với đường đô thị trên địa bàn Hà Nội.
Không thể phủ nhận nỗ lực "giành" lại vỉa hè cho người đi bộ của các lực lượng chức năng cũng như kết quả đạt được. Người đi bộ đã có lúc được hưởng sự thông thoáng trên nhiều tuyến bố. Nhưng cũng không thể nói rằng chiến dịch đã “thành công toàn diện”, giải quyết tận gốc nạn chiếm dụng lòng đường, hè phố. Bởi nếu như vậy năm 2023, người dân Hà Nội không phải chứng kiến một chiến dịch tương tự thông qua việc thực hiện Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 của BCĐ 197 TP. Tuy nhiên, một khác biệt đã xuất hiện.
Ngày 31/3, kết luận hội nghị giao ban quý I/2023 giữa Thường trực Thành uỷ-HĐND-UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu phải tính toán các giải pháp căn cơ liên quan đến chuyện lòng đường, vỉa hè. Theo ông Dũng, lòng đường, vỉa hè thực tế gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Cho nên, nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch. Từ thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch…
Quả thực, đối tượng lấn chiếm vỉa hè thường là chủ ngôi nhà mặt tiền hoặc người thuê ngôi nhà mặt tiền. Họ cũng có thể là người buôn bán lưu động từ nơi khác đến hoặc người muốn chiếm vỉa hè làm nơi đỗ phương tiện giao thông để kiếm tiền. Nói cách khác, lấn chiếm vỉa hè phần lớn để đảm bảo sinh kế. Cho nên, mới xảy ra hiện tượng lực lượng chức năng đến thì dẹp vào, đi lại bày ra và đuổi chỗ này thì chạy chỗ khác.
Như vậy, để giải quyết vấn đề lấn chiếm vỉa hè, bên cạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, cần có quy hoạch đặc thù và quy hoạch ấy cần hướng tới việc đảm bảo sinh kế cho đối tượng đang lấn chiếm vỉa hè. Cần có quy hoạch những tuyến phố cho phép người buôn bán hoạt động trên vỉa hè trong phạm vi cụ thể, cả về không gian và thời gian. Như kinh nghiệm ở Bangkok (Thái Lan), những người tham gia buôn bán vỉa hè phải đăng ký với cơ quan chức năng, hoạt động ở những tuyến phố nhất định, đóng thuế và tiền thuê mặt bằng hàng tháng. Đương nhiên, sẽ có những tuyến phố không được bán hàng trong giờ cao điểm hoặc quy định rõ thời gian được kinh doanh.
Đối với Hà Nội, thực tế cho thấy vỉa hè không đồng nhất, có nơi rất rộng, có nơi lại quá hẹp, cho nên, một quy định chung về độ rộng vỉa hè dành cho người đi bộ là khó khả thi. Cái này cần có khảo sát thực tế và quy hoạch chi tiết cho từng phường để tạo không gian phù hợp cho người đi bộ và mặt bằng phù hợp cho “kinh tế vỉa hè” ở từng nơi. Một vấn đề nữa là cũng nên tạo ra đặc trưng cho “kinh tế vỉa hè” của các tuyến phố trong quy hoạch. Thời xưa, nhắc tới 36 phố phường Hà Nội, mỗi phố là một “hàng”. Giờ đây, thực hiện “kinh tế vỉa hè” cũng nên có quy hoạch theo hướng ‘buôn có bạn, bán có phường” như kiểu nhắc tới làng Vòng là nhắc tới cả một khu vực xoay quanh cốm, từ không gian văn hoá lúa nước tới trải nghiệm làm cốm và các món ăn từ cốm…
Một vấn đề nữa là cao điểm qua đi cũng là lúc bộ mặt vỉa hè dần dần hoàn nguyên. Nhưng không thể lúc nào cũng là bài ca “lực lượng mỏng”, “địa bàn rộng”… , cho nên không thể bao quát hết. Có hay không chuyện “đóng tiền để tồn tại”, “đóng tiền để biết trước thông tin”… như báo chí đã nhiều lần nêu. Cái này chắc chắn không khó để công an điều tra xác minh và cũng là cơ hội để thanh lọc những kẻ “ăn của dân không chừa cái gì” ra khỏi bộ máy, để loại bỏ tình trạng “bảo kê” lấn chiếm vỉa hè dưới mọi hình thức.
Có như vậy, vỉa hè không còn là nơi mà người ta chứng kiến cảnh giành giật đồ đạc, hàng hoá giữa lực lượng chức năng và người bán hàng. Vỉa hè tự nhiên đi vào trật tự, không chỉ tạo ra sinh kế, mà còn mang tới nguồn thu ngân sách, thậm chí trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch.