Với tinh thần chống dịch như chống giặc, cuộc chiến COVID-19 tại Việt Nam đã bước đầu giành thắng lợi to lớn. Song đại dịch COVID-19 cũng đang tác động nghiêm trọng tới mọi hoạt động kinh tế-xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân, trong đó người lao động, người nghèo, người yếu thế là những nhóm bị tổn thương nhiều nhất.
Song song với phòng chống dịch, Chính phủ đã sớm xác định khôi phục hoạt động sản xuất-kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân là một nhiệm vụ cấp thiết. Xác định rõ điều này, dù giữa bộn bề công việc lo ứng phó với đại dịch, Chính phủ Việt Nam ngay tháng 4 đã đưa ra một gói hỗ trợ an sinh xã hội với tổng kinh phí 62.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD) hướng tới 7 nhóm đối tượng với trên 20 triệu người có thể được thụ hưởng.
Có thể nói rằng gói hỗ trợ 62.000 tỷ, theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, là điều chưa từng có tiền lệ, là gói an sinh xã hội lớn nhất trong lịch sử nước ta từ trước tới nay, được xem như phao cứu sinh đối với người lao động đang chới với, khó khăn giữa cơn bão dịch. Việc Chính phủ nhanh chóng đưa ra gói an ninh xã hội thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, là minh chứng cho sự gắn bó máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; là nỗ lực quyết liệt để hiện thực hóa chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch COVID-19. Đó là gói hỗ trợ an sinh xã hội toàn diện, thể hiện tính nhân văn của Chính phủ trong việc trong việc chăm lo tới đời sống của người dân. Đặc biệt, các nhóm yếu thế như người cao tuổi, người ốm đau, người giảm sâu thu nhập, người không có thu nhập ổn định, người lao động đứt bữa hoặc không đảm bảo mức sống tối thiểu vì dịch bệnh COVID-19 sẽ được nhận hỗ trợ trực tiếp.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là hiện nay quá trình triển khai gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đang gặp nhiều trở ngại, khó khăn. Chủ trương đúng đắn là vậy, quyết sách của Chính phủ kịp thời là vậy, song việc thực thi chính sách lại chậm chạp, chưa hiệu quả. Sau 2 tháng, việc triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhiều tỉnh/thành chưa thật sự đi vào cuộc sống. Thực trạng đó như một nốt trầm trong cả khúc vĩ ca Việt Nam đang cất lên trong cuộc chiến chống giặc COVID-19.
Quá trình đưa gói an sinh tới những người lao động có hợp đồng, hộ kinh doanh và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều địa phương đang lúng túng, gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xác định chính xác các đối tượng thụ hưởng, nhất là việc thẩm định tiêu chuẩn để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng không có cơ sở kiểm tra, xác minh, mà chỉ dựa vào thông tin do người lao động, người sử dụng lao động cung cấp. Với các đối tượng thuộc nhóm lao động tự do, thời vụ, việc rà soát và đánh giá tiêu chí hưởng gói an ninh xã hội không hề dễ dàng.
Thủ tướng Chính phủ đã sớm có công văn chỉ đạo, yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt, thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15, đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, chính xác. Nhưng rõ ràng một số địa phương đang triển khai chậm, chưa dành sự quan tâm đúng mức, chậm trễ trong chỉ đạo, điều hành. Các tỉnh như Bình Định, Nghệ An, Hòa Bình, Thanh Hóa… gặp khó khăn do thiếu kinh phí. Đáng trách hơn, không ít địa phương vẫn xảy ra tình trạng bệnh thành tích, trục lợi chính sách, hoặc cố tình làm sai chủ trương của chính phủ, như việc khai man để đưa những đối tượng không đủ tiêu chuẩn vào diện thụ hưởng gói an sinh 62.000 tỷ.
Như tại tỉnh Thanh Hóa, trong qua trình thực hiện đã có nhiều sai phạm. Theo báo cáo ngày 21/5 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tại Thanh Hóa, một số nơi có hiện tượng vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận. Có địa phương xuất hiện tình trạng đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo. Tại Ninh Thuận, cán bộ địa phương thậm chí chi thiếu tiền hỗ trợ thiệt hại COVID-19 cho người nghèo. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã yêu cầu kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh, đồng thời chỉ đạo địa phương chi bổ sung ngay cho người dân.
Những “nốt trầm” đáng tiếc như thế đang làm giảm tính nhân văn trong chính sách an sinh của Chính phủ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế-xã hội tại các địa phương, tạo dư luận không tốt trong nhân dân. Như đánh giá của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Ở cơ sở, làm đúng, làm sai, nhân dân biết cả. Vấn đề là phải biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh. Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến sai phạm thường là do cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, chưa công tâm, khách quan, chưa nắm chắc hướng dẫn, quy định”.
Điều cần kíp hiện nay đó là các cấp có thẩm quyền, mà trực tiếp là các địa phương, cần khơi thông điểm nghẽn, khẩn trương giải quyết các vướng mắc trong thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục và đẩy nhanh quá trình phê duyệt một cách nghiêm túc, minh bạch. Doanh nghiệp và người lao động cả nước đang chới với giữa cơn bão dịch, người lao động đã chờ đợi lâu lắm rồi, chính sách đã có, “phao cứu sinh” cũng đã có, đừng vì lý do nào đó khiến gói an sinh xã hội ưu việt của Chính phủ không thể phát huy hết hiệu quả. Đó là nốt trầm, một nốt trầm lạc nhịp, trong bản vĩ ca mang tên Việt Nam.