Giám sát ngay từ khâu lập danh sách
Để gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng được triển khai kịp thời, không xảy ra việc trục lợi, chiều 27/4, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai và giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, để thực hiện Nghị quyết 42, Quyết định 15 của Chính phủ hỗ trợ kịp thời đến đúng đối tượng, Mặt trận tổ quốc các cấp và ngành LĐ-TB&XH, các bộ ngành có liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ, tuyên truyền rộng rãi, phân công cụ thể, hướng dẫn rõ ràng triển khai bài bản, kết quả công khai.
Để gói 62.000 tỷ đồng được triển khai kịp thời, không xảy ra tiêu cực, thì kinh nghiệm của Mặt trận Tổ quốc trong rà soát chính sách đối với người có công với cách mạng, vai trò giám sát của nhân dân là rất quan trọng. Ông Trần Thanh Mẫn cho biết, ở cơ sở việc làm đúng, làm sai nhân dân đều biết, cần phát huy tính dân chủ để người dân phản ánh.
"Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến sai phạm thường do cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, chưa công tâm, khách quan, chưa nắm chắc hướng dẫn quy định. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố phối hợp với ngành LĐ-TB&XH thực hiện tốt các nhiệm vụ được đề ra", ông Mẫn cho biết.
Theo đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần làm chính xác đối tượng được thụ hưởng chính sách, danh sách tổng hợp phải rõ ràng từ tên tuổi, địa chỉ đến mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ. Công khai mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ qua phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết danh sách những nơi thuận lợi để nhân dân theo dõi, giám sát. Việc lập danh sách người được hỗ trợ, cán bộ của Mặt trận tổ quốc sẽ giám sát ngay từ khâu lập danh sách và cũng để tránh khiếu kiện sau này.
Tập trung hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng sâu thu nhập
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết: Đợt hỗ trợ này tập trung hỗ trợ những cá nhân, nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sâu thu nhập, mất việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu. Theo đó, lấy mức chuẩn nghèo để đánh giá xét với một số đối tượng khi khảo sát và không phải phải tất cả người lao động mất việc làm, giảm thu nhập đều được hỗ trợ.
Đồng thời, mỗi đối tượng chỉ được hưởng một chính sách. Do đó, nếu người hưởng thuộc nhiều đối tượng thuộc nhiều chính sách khác nhau sẽ được chọn và hưởng một chính sách cao nhất. Các địa phương có trách nhiệm rà soát để không trùng nhóm đối tượng này. Với những địa phương đã triển khai trước phải đảm bảo cấp bù cấp đủ và không thấp hơn mức của Quyết định 15 của Chính phủ.
“Bên cạnh đó, những đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ sẽ không đưa vào danh sách. Khi triển khai sẽ triển khai đồng bộ, ứng dụng thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu của nhiều đối tượng khác nhau và ứng dụng công nghệ thông tin, thanh quan qua ngân hàng, không qua trung gian để giảm phiền hà và sự trục lợi”, Thứ trưởng Lê Quân cho biết.
Về mức hỗ trợ với từng đối tượng, đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, thủ tục do địa phương rà soát và Chủ tịch tỉnh phê duyệt danh sách. Lưu ý riêng nhóm đối tượng hưởng bảo trợ xã hội, sẽ chỉ phát đối tượng đang hưởng bảo trợ hàng tháng tại cộng đồng, không bao gồm các đối tượng bảo trợ xã hội đang ở tại các trung tâm bảo trợ xã hội.
Nhóm lao động tự do không có hợp đồng lao động cũng sẽ lấy mức thu nhập chuẩn nghèo để đối chiếu. Những người là lao động tự do nhưng có mức thu nhập tốt như cho thuê nhà, và một số công việc khác, nhưng đạ phương thấy có mức sống trên chuẩn nghèo cũng không được nhận hỗ trợ.
“Việc xét lao động tự do phải chặt chẽ, phải cư trú hợp pháp bằng hình thức tạm trú hoặc thường trú và cho phép người lao động nhận trợ cấp tại 1 trong 2 nơi và phải có giấy xác nhận của 1 trong 2 nơi để không lĩnh trùng. Còn việc hỗ trợ các hộ kinh doanh thì điều kiện là ngừng kinh doanh theo yêu cầu các cấp có thảm quyền là của UBND cấp tỉnh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Lê Quân giải thích.
Về các địa phương, theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, với số liệu về người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, Hà Nội sẽ rà soát những đối tượng trùng để chi trả mức hưởng cao nhất và sẽ phát trước 30/4. Tuy nhiên, khó khăn nhất là nhóm đối tượng lao động tự do, nhóm đối tượng có hợp đồng nhưng ngừng hợp đồng lao động, nhất là thời điểm ngừng hợp đồng hoặc nghỉ theo từng bộ phận.
Trong khi đó, các tỉnh Nghệ An, Kiên Giang kiến nghị, do đảm bảo 50% nguồn kinh phí, trong khi đối tượng nhận hỗ trợ dự kiến lớn, nên đề nghị Trung ương hỗ trợ...
Trước kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Tất cả ý kiến của các địa phương gửi sớm về Bộ trong chiều tối 27/4 và sẽ trả lời trong hai ngày 28 - 29/4.
“Việc công khai danh sách hỗ trợ sẽ có sự tham gia của cán bộ Mặt trận ngay từ đầu để giảm khiếu kiện. Các Bộ ngành như Tài chính, Ngân hàng sẽ có văn bản hướng dẫn với những vướng mắc chưa rõ tại Quyết định 15 của Chính phủ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
“Do đây là tiền từ ngân sách, nên cả xã hội sẽ giám sát và cơ quan chức năng sẽ xử lý rất nghiêm vi phạm trục lợi chính sách này nếu phát hiện. Việc hỗ trợ phải triển khai nhanh nhất. Đối tượng lao động tự do là nhóm đối tượng khó khăn nhất, đang cần hỗ trợ trong thời điểm này. Vì vậy, khuyến khích TP Hồ Chí Minh và Hà Nội thực hiện hỗ trợ lao động tự do trước ngày 30/4”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Bộ LĐ-TB&XH sẽ lập đường dây nóng, trang điện tử, 1 nhóm giải đáp những chính sách nhanh. Do đó, những vấn đề mà các địa phương vướng mắc sẽ được chuyển về Bộ.