Năm 2020 không còn hộ nghèo là người có công
Cả nước hiện có 9,2 triệu NCC với cách mạng, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 138.000 Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng nghìn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến… Trong những năm qua, nhiều chính sách NCC đã được ban hành. Các địa phương cũng có nhiều giải pháp để nâng cao đời sống người có công. Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp gia đình NCC gặp khó khăn.
Trước đó, vào cuối năm 2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổng rà soát và xác định vẫn còn hơn 16.000 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC, chiếm khoảng 1,2% so với tổng số hộ nghèo trong cả nước. Cụ thể, 2 tỉnh có hơn 1.000 hộ là Nghệ An và Quảng Bình. Từ 500 đến dưới 1.000 hộ có 8 tỉnh. Từ 300 đến dưới 500 hộ có 10 tỉnh. Từ 100 đến dưới 300 hộ có 21 tỉnh, dưới 100 hộ có 13 tỉnh.
Đồng thời, Bộ cũng xác định 10 tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC là: Gia Lai, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Cà Mau, Hà Nội, Đồng Nai, Tây Ninh, TP Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương.
Do đó, một trong những mục tiêu của ngành LĐ-TB&XH là đến cuối năm 2020 sẽ không còn hộ nghèo NCC. Ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo cho biết, do đặc thù của từng vùng, địa phương, nguyên nhân dẫn đến hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC có nhiều, cả chủ quan (như hộ nghèo vẫn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lười lao động, không muốn đi làm ăn xa… và khách quan (do ốm đau, bệnh tật, ảnh hưởng của chất độc hóa học).
Với chủ trương của Đảng và Nhà nước là không để gia đình NCC với cách mạng sống dưới mức trung bình của cả nước, hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi NCC đã không ngừng hoàn thiện và được thực hiện để đảm bảo NCC có một cuộc sống tốt và không bỏ sót NCC. Một trong những giải pháp nâng mức sống hộ người có công là điều chỉnh nâng mức trợ cấp ưu đãi.
Để thực hiện mục tiêu "phấn đấu đến cuối năm 2020, 100% gia đình NCC với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú", năm 2019 Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2019/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với NCC với cách mạng. Theo đó, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp theo quy định tại Nghị định 58 là 1.624.000 đồng (quy định tại Nghị định 99/2018/NĐ-CP là 1.515.000 đồng).
Bên cạnh đó, trong những năm qua, việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC đặt ra những vấn đề mới, yêu cầu mới… cần nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện. Do đó, các bộ, ngành, cơ quan chức năng đã xây dựng dự thảo sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (năm 2012), nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập và bổ sung những quy định mới cho phù hợp, vừa bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của NCC cùng thân nhân, gia đình của họ, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội đối với NCC, gia đình NCC.
Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng sửa đổi đang được nghiên cứu hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, ngoài việc xác định rõ các đối tượng chính sách, đảm bảo không để NCC chịu thiệt thòi, không được hưởng chính sách của Nhà nước, quy định mới cũng hướng đến việc tăng ngân sách nhà nước để chăm lo cho NCC, gắn với đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội đối với công tác này; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi NCC.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh một số chế độ trợ cấp ưu đãi, trong đó có trợ cấp ưu đãi một lần cũng đang được nghiên cứu đề xuất. Theo đó sẽ hỗ trợ ưu tiên cho hộ nghèo thuộc diện chính sách NCC thông qua các chương trình giảm nghèo của Nhà nước, cụ thể như chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ưu tiên trong vay vốn; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của NCC vay vốn đầu tư sản xuất.
Đối với hộ nghèo thuộc chính sách NCC mà các thành viên trong hộ không có khả năng lao động, ngoài thực hiện các chính sách giảm nghèo chung, cần quan tâm hỗ trợ cho những hộ này từ các nguồn tài trợ, huy động của các tổ chức, cá nhân và nguồn lực tại cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn cho từng gia đình vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch xóa nghèo đối với gia đình có công với cách mạng gắn với phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng".
Sự chung tay của cộng đồng với gia đình NCC cũng được quan tâm và có nhiều hoạt động thiết thực. Chỉ tính từ năm 2010, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận gần 6.500 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa trên 155.000 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 13.000 tỷ đồng; tặng trên 124.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 980 tỷ đồng; hơn 6 nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng.
Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về hỗ trợ nhà ở đối với người có công, đến nay, cả nước có tổng số 393.707 hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở (gồm 184.695 hộ xây mới và 209.012 hộ sửa chữa) đã được Bộ LĐ-TB&XH thẩm tra, tương ứng với tổng số kinh phí cần cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 10.654 tỷ đồng. Đến hết tháng 11/2019, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ cho 324.910 hộ (gồm 153.072 hộ xây mới và 171.838 hộ sửa chữa), đang triển khai hỗ trợ cho 12.632 hộ (gồm 6.249 hộ xây mới và 6.383 hộ sửa chữa). Tổng số hộ đã và đang thực hiện hỗ trợ nhà ở của cả nước là 337.542 hộ, đạt tỷ lệ 85,73% kế hoạch.
Đề xuất giải pháp giảm nghèo cho hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách NCC, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đề nghị, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố cần tìm ra thực trạng, nguyên nhân nghèo, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình đặc điểm thực tế của các hộ tại địa phương nhằm đảm bảo đời sống của NCC từng bước được nâng lên, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, không để NCC nào sống dưới mức sống trung bình của cả nước.
Để góp phần giảm nghèo cho các hộ có thành viên là NCC, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết: Bộ luôn yêu cầu các địa phương cần bảo đảm kịp thời chính sách, không để chậm trễ với NCC. Song song với đó cần quan tâm giúp NCC và thân nhân của họ tiếp cận việc làm, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường, khởi nghiệp, học nghề… nâng dần ưu tiên cho các đối tượng NCC nằm trong hộ nghèo. Để tạo đột phá trong chính sách giảm nghèo cho NCC rất cần sự quyết liệt, sáng tạo hơn nữa từ các dịa phương.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hàng năm, ngân sách Nhà nước đã dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Cùng với đó, nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” thiết thực đã được thực hiện sâu rộng trong xã hội như nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công.
Tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng
Công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng về công nhận, xác nhận người có công cũng được ngành LĐ-TB&XH triển khai rốt ráo trong những năm gần đây. Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi cho biết, tính đến cuối năm 2019, theo báo cáo của 49 tỉnh, thành phố có 822 hồ sơ tồn đọng (376 liệt sỹ, 446 thương binh), đã có 8 địa phương giải quyết xong hồ sơ tồn đọng (Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Tiền Giang); 14 địa phương không có tồn đọng (Bắc Kạn, Bình Phước, Bình Thuận, Cao Bằng, Đồng Tháp, Hà Giang, Khánh Hòa, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên). Đây là nỗ lực rất lớn của ngành LĐ-TB&XH trong 4 năm qua.
Theo đó, Cục đã chỉ đạo hướng dẫn các địa phương xác nhận và giải quyết chính sách đối với người có công theo nội dung phân cấp. Đồng thời, Cục tổ chức các đoàn công tác đi hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách tại các địa phương; thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ cấp đổi lại bằng Tổ quốc ghi công cho hơn 14.000 trường hợp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Trong 4 năm qua, với tinh thần công khai, minh bạch, đúng quy trình, bài bản nhưng phải thấu tình đạt lý, thận trọng quyết liệt và không cho phép sai sót, chúng ta xem xét, xác nhận hơn 6.000 trường hợp hồ sơ người có công tồn đọng, gần 3.000 trường hợp được công nhận liệt sĩ.
"Đây là một kết quả ấn tượng trong công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng tạo được niềm tin của người dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: "Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng người có công là một việc rất khó và càng ngày càng khó. Nhưng khó không có nghĩa là mình buông tay, trong cái khó phải tìm ra phương pháp để làm. Vừa rồi hơn 6.000 hồ sơ được giải quyết không phải do Pháp lệnh mà từ Pháp lệnh chúng ta tham mưu cho Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết kết luận và trong 2 phiên họp Chính phủ đã giao cho Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành quyết định 408 về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Đây là quá trình Bộ tham mưu Chính phủ xây dựng văn bản dưới Luật, dưới Pháp lệnh để thực hiện".
Đối với hồ sơ tồn đọng là thanh niên xung phong, theo Bộ LĐ-TB&XH, riêng Pháp lệnh Ưu đãi Người có công với cách mạng (sửa đổi) lần này sẽ có thêm 1 chương về giải quyết hồ sơ tồn đọng. Trong đó, giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn cụ thể việc giải quyết hồ sơ tồn đọng.