Những lo lắng của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa là những lo lắng có cơ sở, khi hai hai bên bờ sông Sài Gòn hiện đang bị tư nhân hóa. Các dự án phát triển đô thị đang rơi vào tay của một số người giàu chứ không phải là không gian công cộng, là công viên phục vụ cho hơn 10 triệu dân Thành phố. Con sông Sài Gòn thơ mộng đang bị lấn chiếm, phân lô và bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. Trong khi lẽ ra, không gian này phải là không gian công cộng, phục vụ công chúng.
Ở các nước văn minh, quyền được hưởng thụ cây xanh, mặt nước ven sông, ven biển là một quyền cơ bản của mọi công dân. Các công trình xây dựng cao tầng phải cách xa bờ sông, đó cũng là nét văn hóa chung trong quy hoạch, xây dựng. Trong khi đó, hiện tại khu trung tâm TP. HCM còn rất thiếu không gian xanh, lẽ ra không gian bờ sông là một cơ hội vàng để tăng mảng xanh, nâng diện tích cây xanh trên đầu người thì Thành phố lại giao đất để phát triển nhà cao tầng, khu đô thị, thương mại cao cấp mà phần đông người dân Thành phố không có cơ hội để tiếp cận những dịch vụ này.
Sòng phẳng mà nói thì các “đại gia” không có lỗi khi đầu tư, khai thác lợi nhuận từ những khu đất vàng. Vấn đề chính là ở tư duy quy hoạch, sử dụng đất vàng ở các khu đô thị và trách nhiệm của chính những cán bộ lãnh đạo và chính quyền mỗi địa phương. Có một thực tế mà không nói ra thì ai cũng biết, đó chính là việc “chạy đua” vào các khu đất vàng. Các nhà đầu tư, đương nhiên sẽ làm “mọi cách” để có được những khu đất vàng và khi có được, họ cũng đương nhiên tìm mọi cách để khai thác tối đa những giá trị từ yếu tố “địa lợi”.
Phổ biến nhất hiện nay là việc đầu tư các khu nhà ở đô thị cao cấp, khu thương mại cao cấp, tận dụng tối đa cảnh quan tự nhiên từ mảng xanh sẵn có như bờ sông, bờ biển... Đối với các mảnh đất vàng khu vực trung tâm, nhà đầu tư cũng cố gắng “chạy chọt” để xây vượt tầng càng nhiều càng tốt, nhằm thu lợi nhuận tối đa từ những mảnh “đất vàng”, bất chấp những hệ lụy đang đè nặng lên hệ thống hạ tầng đô thị.
Sự phát triển ồ ạt của các dự án đô thị, đặc biệt là các cao ốc trong nội đô không chỉ lấy mất đi những không gian xanh, thu hẹp không gian hưởng thụ của người dân mà còn khiến hệ thống hạ tầng quá tải, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của cộng đồng xung quanh các dự án cũng như người dân đô thị. Dễ thấy nhất chính là tình trạng ngập nước, kẹt xe ngày càng gia tăng do hệ thống hạ tầng không phát triển kịp với tốc độ phát triển của các dự án “kéo dân về khu trung tâm”.
Đành rằng, việc giao các khu đất vàng với giá cao cho các nhà đầu tư, trước mắt mang lại cho địa phương những khoản thu lớn vào ngân sách, thậm chí mang lại những món lợi không nhỏ cho những cán bộ có trách nhiệm trong việc giao các dự án. Nhưng hệ lụy từ việc phát triển ồ ạt các dự án đô thị lại tạo những áp lực nặng nề lên hệ thống hạ tầng. Việc đặt cao ốc ở những khu vực gần bờ sông, khu trung tâm... khiến lượng xe cộ sẽ tăng lên rất nhiều, gây kẹt xe cho khu vực. Và chính ngân sách Nhà nước phải gánh cho việc đầu tư cải tạo nâng cấp toàn bộ hệ thống điện, nước, thoát nước... cho những khu vực này, trong khi lẽ ra ngân sách cần được ưu tiên để phát triển hạ tầng cho các khu vực ổ chuột và đô thị mới giúp giãn dân.
“Đất vàng” rơi vào tay “đại gia” không phải là điều đáng lo, vì “đại gia” mới đủ sức biến “đất vàng” thực sự trở thành vàng. Nơi đâu cũng cần những nhà đầu tư đủ lực để phát triển, nhưng đó phải là những nhà đầu tư có trách nhiệm với xã hội và tạo ra những giá trị cho xã hội từ quá trình đầu tư chứ không phải thông qua “vận động chính sách” để khai thác lợi nhuận, ăn chênh lệch giá trị đất và hưởng lợi từ những nhóm lợi ích.