Phải khẳng định rằng, ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp là một ngày trọng đại của đất nước. Để chuẩn bị cho ngày bầu cử, cả hệ thống chính trị và người dân cả nước đã tích cực triển khai các công việc theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, đẩy mạnh thi đua để góp phần vào thành công của cuộc bầu cử.
Từ nhận thức được đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ của mình nên trước ngày bầu cử, các cử tri đều tin tưởng sẽ lựa chọn được những người có đức, có tài vào vị trí xứng đáng của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Mỗi cử tri đều nhận thức rõ, Quốc hội do nhân dân bầu ra, là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Chỉ Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của nhân dân thành luật, thành các quy định chung mang tính chất bắt buộc phải tuân thủ đối với mọi tầng lớp dân cư trong xã hội. Hiến pháp giao cho Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Thắng lợi tốt đẹp của cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa I - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam. Có thể nói, Quốc dân Đại hội Tân Trào có vai trò như là một Quốc hội lâm thời hay là một tiền Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự ra đời chế độ dân chủ cộng hòa của nước ta và một Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới.
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra trong điều kiện cách mạng đứng trước thử thách ngàn cân treo sợi tóc, khó khăn chồng chất, lại diễn ra trong điều kiện nhân dân Việt Nam vừa thoát khỏi ách nô lệ. Sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, thử thách và ở trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng lúc phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, nhưng cả nước ta đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946. Ngày đó, mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, dân tộc, tôn giáo, giàu, nghèo đều có quyền dân chủ, bình đẳng, tự do lựa chọn người xứng đáng, thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội.
Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên cũng đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của nhân dân ta; đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân.
Kể từ Quốc dân Đại hội Tân Trào, đến nay, Quốc hội đã trải qua 13 nhiệm kỳ và dù ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh khác nhau đều đã có những công lao, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc, đặc biệt trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay. Trải qua chặng đường 70 năm và qua mỗi khóa hoạt động của Quốc hội, tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước lại đặt ra những trọng trách mới. Người dân luôn luôn tin tưởng vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước với những đại biểu đại diện cho tiếng nói cử tri. Với Quốc hội khóa XIV cũng vậy, cử tri cả nước đều mong muốn, thông qua lá phiếu tự do, dân chủ, cử tri sẽ chọn được những đại biểu quy tụ được lòng dân, ý Đảng; mang hơi thở cuộc sống thực tế đến nghị trường và từ đó đề ra những quyết sách phù hợp với cuộc sống.
Ôn lại truyền thống vẻ vang của Quốc hội Việt Nam, cùng với niềm tự hào, cử tri và nhân dân cả nước tin tưởng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ kế thừa và phát huy thành công của các kỳ bầu cử trước, để lựa chọn những đại biểu có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, tâm huyết với đất nước, xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân tham gia vào các cơ quan quyền lực nhà nước.