Đúng sai đã rõ rành rành, dư luận đang chờ đợi xem vi phạm của người điều khiển chiếc xe biển xanh đó sẽ được xử lý ra sao. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, cùng thời điểm diễn ra sự việc nêu trên, tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2016, khi thảo luận về nội dung quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, rất nhiều đại biểu kiến nghị cần phải sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, trong đó có đề xuất phải xóa biển xanh (xe công), biển đỏ (xe của lực lượng vũ trang), thống nhất biển xe một màu để tạo sự công bằng.
Khi có sự nghiêm minh trong xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, thì khi đó màu của biển số xe sẽ không còn là vấn đề gây tranh cãi như hiện nay (ảnh minh hoạ). |
Thực tế, tình hình trật tự an toàn giao thông ở Việt Nam thời gian gần đây diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi ngày trung bình ở nước ta có 24 người chết và gần 60 người bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông. Thực tế này đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, xây dựng văn hóa giao thông; bên cạnh đó, cũng cần xóa bỏ sự phân biệt màu biển xe trong xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, thì không phải xe biển xanh nào cũng được quyền đi vào đường cấm. Với xe biển xanh được ưu tiên, khi đi vào đường cấm, hoặc đường ngược chiều phải có còi, đèn ưu tiên để báo hiệu cho các phương tiện nhường đường. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít lái xe biển xanh bất chấp quy định, tự cho mình cái quyền ưu tiên đi vào đường cấm. Nói đúng hơn, họ lợi dụng sự có phần nhẹ tay của lực lượng chức năng khi xử lý xe biển xanh vi phạm để có hành động coi thường pháp luật.
Không khó hiểu, các loại xe biển xanh, biển đỏ… thuộc các cơ quan đơn vị nhà nước, phục vụ cán bộ, công chức, lãnh đạo. Bởi vậy, người làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ít nhiều phải chịu áp lực khi xử lý vi phạm đối với người điều khiển loại xe này. Hay nói cách khác, họ ngại động chạm, thậm chí sợ bị phiền toái nếu kiên quyết xử lý. Vẫn biết, Luật Giao thông đường bộ không có quy định nào đề cập tới màu của biển số xe.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi xử lý vi phạm, xe công (biển xanh, biển đỏ) thường được linh động, chỉ bị nhắc nhở, hoặc được bỏ qua vi phạm. Do vậy, không ít lái xe biển xanh khi tham gia giao thông đã bất chấp, coi thường tính mạng của người khác, cố tình phóng nhanh vượt ẩu,mà không sợ bị xử phạt.
Ở góc độ khác, việc bỏ qua vi phạm cho xe biển xanh, biển đỏ cũng cho thấy, người làm công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Rõ ràng, việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đã đến lúc phải chấn chỉnh lại. Chỉ khi nào có sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm minh của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, thì khi đó màu của biển số xe sẽ không còn là vấn đề đáng quan tâm nữa.