Đừng sống ảo bất chấp

Vụ việc một thanh niên suýt mất mạng khi trèo ra “mỏm đá tử thần” ở Hà Giang mới đây tiếp tục gióng hồi chuông báo động về trào lưu bất chấp tất cả để đổi lấy những lượt thích (like) trên mạng xã hội của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Đã không ít lần chúng tôi đề cập đến mặt trái của mạng xã hội. Mạng xã hội có thể biến một người trở nên nổi tiếng chỉ sau một bức ảnh hay một đoạn video ngắn, nhưng mạng xã hội cũng có thể đẩy một người tới bước đường cùng, đẩy con người ta vào trạng thái trầm cảm, thậm chí bế tắc tới mức buộc phải tìm cách “giải thoát”. Mạng xã hội có thể làm lệch lạc suy nghĩ của giới trẻ, hướng giới trẻ đến những giá trị ảo, xa rời thực tế... Đó chính là những hậu quả thật, vô cùng tai hại mà mạng ảo gây ra.

Tuy vậy, trào lưu mạo hiểm để sống ảo, nghĩa là làm những việc “chưa từng có”, làm những việc “khác người” rồi chụp ảnh tự sướng (selfie) và tung lên mạng xã hội để đổi lấy những lượt “like”, để được cảm thấy mình như một “người hùng”, vẫn có một sức hút lớn đối với không ít bạn trẻ. Xu hướng này còn được cổ súy, kích động bởi cộng đồng mạng khiến nhiều bạn trẻ không ý thức được việc dấn thân vào những thử thách có thể đánh đổi cả cuộc đời của mình, để lại biết bao đau thương cho gia đình và những hệ lụy cho xã hội.

Trở lại với câu chuyện ở “mỏm đá tử thần” thuộc xã Pải Lủng (Mèo Vạc, Hà Giang), ngày 10/1/2021, một nam thanh niên đã trèo lên đây để check-in và trượt chân ngã xuống khe đá, bị đa chấn thương, vỡ xương chậu và rách cơ đùi. Rất may thanh niên này không bị nguy hiểm đến tính mạng do được lực lượng cứu hộ đưa đi cấp cứu kịp thời. “Mỏm đá tử thần” - như cái tên của nó, là nơi đã được chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo nguy hiểm, nhưng nhiều du khách là các nam, nữ thanh niên vẫn phớt lờ cảnh báo, thường xuyên đu một tay lên mỏm đá để thỏa mãn sống ảo.

Gần đây hơn, một vụ việc tương tự xảy ra ở thị xã Sa Pa (Lào Cai), khi một thanh niên rơi từ mái nhà xuống đất dẫn đến tử vong. Thời điểm xảy ra sự việc, nạn nhân đang quay video trên mái nhà cùng một người khác thì không may mái nhà bị thủng. Theo thông tin, nạn nhân là một người dùng Tiktok khá nổi tiếng với hơn 140.000 người theo dõi trên trang mạng xã hội này.

Vẫn biết tai nạn là chuyện ngoài mong muốn, để lại không chỉ vết thương về thể xác cho nạn nhân mà nhiều khi còn là những đau đớn, dằn vặt cho người ở lại, nhưng với những tai nạn đã được cảnh báo mà nạn nhân vẫn phớt lờ cả “tử thần” thì quả thật đáng trách hơn là đáng thương.

Cái giá của việc bất chấp cả tính mạng để sống ảo là vô cùng đắt và câu chuyện không chỉ riêng ở Việt Nam. Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), ít nhất 250 du khách đã tử vong liên quan tới chụp ảnh selfie trên toàn cầu từ năm 2011 đến 2017. Độ tuổi trung bình của nạn nhân là 23. Trong đó, nguyên nhân tử vong chủ yếu do đuối nước hoặc trượt chân khi chụp ảnh từ thác nước, đứng ở đường ray khi tàu hỏa đi qua, ngã từ trên cao. Một số khác chết vì động vật hoang dã tấn công hoặc điện giật…

Như vậy để thấy rõ hơn việc “tử thần” luôn rình rập người ưa sống ảo ở những hiểm địa, và không phải cứ trẻ khỏe là có thể tránh được tai nạn. Trong một giây, bức ảnh selfie “để đời” của bạn có thể nhận được hàng nghìn lượt thích, hoặc hơn, trên mạng xã hội. Nhưng cũng trong một tích tắc đó, một cú sảy chân hay đơn giản là một pha mất thăng bằng do quá tập trung vào việc selfie, có thể đẩy bạn đến gần hơn với “tử thần” đang chực chờ.

Cộng đồng mạng thì vẫn “thả tim” cho những bức ảnh selfie độc nhất vô nhị. Nhưng họ cũng “ném đá” không thương tiếc - dù không phải là tất cả, trước những tai nạn không may ập đến với một ai đó mải mê sống ảo. Chỉ những người sống ảo bất chấp mới thực sự là nạn nhân của chính mình khi đánh đu số phận trên những cây gậy tự sướng.

Việc xác định được giới hạn của việc sống ảo không hề là câu chuyện đơn giản đối với tất cả mọi người. Những khoảnh khắc “để đời” luôn có sức cám dỗ rất lớn và thường đẩy người ta đến sự lựa chọn 50-50, dễ dẫn đến “nước này đi sai rồi”. Ở đây, ý thức cá nhân là điều tiên quyết để tránh một tai nạn không đáng có, nhưng không phải là tất cả. Việc nhiều người nổi tiếng trên mạng đến check-in tại những điểm sống ảo nguy hiểm, hay những video clip dạng thách thức mọi giới hạn khám phá… tràn lan trên các mạng xã hội hiện nay cũng phần nào tạo nên trào lưu “bắt trend” (làm theo phong trào) ở nhiều bạn trẻ.

Biển cảnh báo của chính quyền địa phương có lẽ cũng là không đủ, mà nên chăng cần có biển cấm và quy định hình thức xử phạt thích đáng đối với vi phạm tại các địa điểm check-in tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Italy là quốc gia đã có chế tài riêng để xử lý hành vi chụp ảnh selfie ở khu vực nguy hiểm, gây mất an toàn cho bản thân và người khác, trong khi nhiều nơi khác cấm sử dụng gậy tự sướng ở một số danh thắng… Mục đích trên hết cũng vì sự an toàn của tất cả mọi người.

Cho dù thế nào, đừng vì những nút “like” trên mạng ảo để phớt lờ mọi nguy hiểm, để bức ảnh “để đời” không đồng thời là khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời bạn.

Trung Sơn
Check-in ở mỏm đá 'tử thần', nam du khách bị trượt chân ngã xuống vách núi
Check-in ở mỏm đá 'tử thần', nam du khách bị trượt chân ngã xuống vách núi

Bất chấp cảnh báo nguy hiểm, nam du khách đến từ tỉnh Sơn La bị tai nạn trong quá trình chụp ảnh tại mỏm đá "tử thần" thuộc địa phận xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN