Đối mặt với tin giả: Dầu loang và những vết đinh đóng

Tin giả (fake news) ngày càng được phát tán mạnh mẽ như những vết dầu loang khó lòng kiểm soát. Dù có thể được đính chính, nhưng tin giả và những hệ luỵ của nó như vết đinh đóng trên tường, sau khi nhổ đi vẫn hiển hiện đầy nhức nhối.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng làm việc với một đối tượng tung tin giả lên mạng xã hội về thịt lợn nhiễm bệnh. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Một cô giáo bị bắt quả tang vào nhà nghỉ cùng học sinh. Clip do chồng cô đưa lên mạng xã hội nhanh chóng được phát tán, gây nên làn sóng phê phán đạo đức thầy – trò. Ít ngày sau, những bản tin phỏng vấn chủ nhà nghỉ, phụ huynh học sinh được đăng tải, phủ nhận nghi ngờ vụ quan hệ tình ái giữa cô giáo và học trò. Dư luận một lần nữa dậy sóng, bênh vực cô giáo và lên án người chồng đã “dàn dựng” clip trước. Lại ít ngày sau, sự việc được sáng tỏ, đúng là cô giáo có vào nhà nghỉ cùng học trò…

Một đôi vợ chồng đại gia đưa nhau ra toà ly hôn. Hàng loạt bài báo miêu tả công sức đóng góp với khối tài sản chung và nỗi đau khổ của người vợ khi chồng bị “quyến rũ” bởi một thứ niềm tin tôn giáo kỳ lạ mà bỏ bê gia đình, công việc kinh doanh. Ít ngày sau, hàng loạt bài báo phỏng vấn người chồng, chứng minh sự tỉnh táo, trách nhiệm của ông vẫn vẹn tròn cũng như sứ mệnh không thể thiếu với sự nghiệp phát triển doanh nghiệp. Rồi lại hàng loạt bài báo nói về nỗi khổ sở của người vợ phải “đứng hầu lúc gia đình chồng ăn cơm” và cống hiến tuổi xuân cho gia đình, công việc. Tiếp theo lại là những bài viết chứng minh vai trò của người chồng từ khi khởi nghiệp…

Trên đây là hai trong ngày càng nhiều các tin, bài trên báo chí, mạng xã hội trong nước thời gian qua cho thấy người đọc ngày nay đã và đang “chìm ngập” trong môi trường thông tin đa chiều, tới mức có những lúc cảm xúc bị điều khiển bởi luồng tin không được kiểm chứng, không thể phân biệt thật – giả.

Tại nước ta, tin giả (fake news), không phải là khái niệm mới, nhưng một số năm gần đây được nhắc tới nhiều bởi sự xuất hiện ngày càng liên tục với mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng. Dù chưa có một định nghĩa chuẩn, nhưng tin giả được xác định là các thông tin sai lệch so với sự thật, bắt nguồn từ sự việc không có thật, hoặc thông tin thật nhưng chỉ được sử dụng một phần gây nên những hiểu lầm cho người tiếp nhận.

Chú thích ảnh
Facebook - một trong những môi trường lan truyền tin giả phổ biến hiện nay. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đà phát triển của công nghệ, của nghiệp vụ quan hệ công chúng và truyền thông cùng mạng xã hội, tin giả ở nước ta đã không dừng lại ở trò tung tin vô thưởng vô phạt với mục đích câu view, câu like của các cá nhân trên các trang mạng xã hội (chủ yếu là facebook, zalo), hay những bài quảng cáo quá lời nhằm bán các sản phẩm online, các phương thuốc không rõ nguồn gốc. 

Các thông tin giả, thông tin sai sự thật ngày nay đã tiến tới bước được sản xuất một cách có dụng ý, nhằm điều khiển nhận thức và hành động của người đọc. Bên cạnh các tin giả được tung lên mạng xã hội về nạn bắt cóc, mổ nội tạng trẻ em ngay bìa rừng, tin thịt “bẩn”, thịt “bệnh” tại các địa phương… gây hoang mang dư luận; bên cạnh những vụ việc gây tranh cãi một cách vô bổ trong cộng đồng như mâu thuẫn gia đình và các tranh chấp tài sản ly hôn như đã nêu trên… là những trang web, trang fanpage được các thế lực phản động cố tình xây dựng. Không chỉ mang tên diễn viên, cầu thủ nổi tiếng, được dư luận quan tâm… , các trang này còn đứng tên chính khách, lãnh đạo cấp cao, bộ trưởng, trưởng ngành, nguyên thủ của quốc gia, như TL,TĐQ, NTD, …

Thậm chí, gần đây, một trang facebook giả danh Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất hiện với những nội dung chỉ đạo các cơ quan báo chí. Trang web, trang fanpage của các cơ quan thông tấn, báo chí cũng bị làm giả. Trang thông tin điện tử của Thông tấn xã Việt Nam từng có thời bị copy y nguyên trong một trang web có nhận diện tương tự. Một đơn vị thông tin của Thông tấn xã cũng từng bị ghép logo vào những tin giả, gây sự hiểu lầm trong người đọc.

Thông tin của các trang facebook, trang web giả mạo này được duy trì đều đặn, trộn lẫn những thông tin thật và những thông tin đã bị bẻ cong, bóp méo, thậm chí hoàn toàn bịa đặt, nhằm lan truyền những tư tưởng chống đối, làm xói mòn niềm tin của người dân vào chế độ, vào lực lượng bảo vệ an ninh trật tự của đất nước, kích động hận thù, chia rẽ, kêu gọi các hành vi bạo động, lật đổ chính quyền…

Bên cạnh các trang thông tin giả mạo đó là những trang facebook của các cá nhân những người mang danh “hoạt động dân chủ” luôn tuyên truyền tư tưởng phủ nhận các thành tựu của đất nước, bôi xấu chế độ và các lãnh tụ của dân tộc, kêu gọi các vụ biểu tình, chống đối, thường xuyên đưa ra các comment tiêu cực, kích động người đọc.

Trên nền tảng “báo chí công dân” ngày càng nở rộ, nguồn thông tin từ các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter… gần như rất khó kiểm soát, và thực tế đã có xu hướng lấn lướt báo chí chính thống, khi chính các tờ báo cũng khai thác nguồn tin mang tính chất “tin đồn” từ mạng xã hội. Một ngư dân bị mất tích dài ngày trên biển ngoạn mục trở về; Trẻ em nhập viện vì ngộ độc thịt lợn có chứa thuốc an thần; Dàn siêu xe biển xanh nằm dưới… gầm bàn; Đề nghị Thảo Cầm Viên mua lại chó hoang làm mồi cho sư tử; Đề xuất cấm tất cả công chức Hà Nội đổ xăng tại trạm xăng Nhật Bản; Một hoàn cảnh vượt khó thương tâm được coi như biểu tượng của “người tử tế” được đưa lên chương trình của VTV; Bưởi chứa chất gây ung thư; Nước mắm nhiễm Asen… đây là những tin giả đã được xuất hiện trên báo chí, gây nên khủng hoảng truyền thông lớn cho đối tượng thông tin và chính các toà soạn báo. Dù cố tình hay vô ý, có những người làm báo đã chủ quan, bỏ qua một công đoạn quan trọng của nghiệp vụ phóng viên là thẩm định thông tin. Báo chí, lẽ ra là lực lượng “làm sạch” thị trường thông tin hỗn độn, xác minh và đưa tới người đọc thông tin chính trực, thì lại sa vào bẫy của mạng lưới thông tin trên internet, và vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân lan truyền tin giả. Đó là chưa kể tới khi kỹ năng truyền thông quan hệ công chúng đã tới mức chuyên nghiệp, thì không ít các tin bài trên báo hoàn toàn được xuất hiện theo dụng ý của các công ty PR, còn nhà báo hầu như không thể hiện được vai trò của mình. Và khi các tờ báo đánh mất niềm tin của độc giả, tới mức có tờ báo phải ngừng xuất hiện trên thị trường báo chí, thì “mảnh đất” truyền thông lại nhường lại cho tin giả lan truyền.

Thực tế đã chứng minh: Dù được đính chính, kịp thời hay không, những tin giả trên báo chí hay mạng xã hội, chính là những vết đinh đã đóng lên tường, gỡ đi vẫn còn dấu vết. Sự dai dẳng của tin giả, sự khắc nghiệt của những hậu quả mà nó mang lại là điều không thể phủ nhận được. Chính vì vậy, vấn nạn tin giả tại nước ta đã đến lúc cần được xem xét một cách cấp bách, toàn diện, từ phía các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tới các bộ ngành quản lý về thông tin, truyền thông, các đơn vị xây dựng pháp luật cũng như chính mỗi người dân khi tham gia sử dụng mạng xã hội, sử dụng internet.

 

Thuỳ Hương/Báo Tin tức
Thủ tướng Singapore khẳng định dự luật chống tin giả là 'bước tiến quan trọng'
Thủ tướng Singapore khẳng định dự luật chống tin giả là 'bước tiến quan trọng'

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định các dự luật chống lại nạn tin giả mà chính phủ nước này đề xuất sẽ là một "bước tiến quan trọng" trong cuộc chiến chống lại thông tin sai lệch trên mạng Internet.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN