Facebook hiện có 300 triệu người dùng tại Ấn Độ, do đó đây là công cụ quan trọng được tận dụng trong các chiến dịch tranh cử trước thềm cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 11/4 tới. Facebook cũng đang phải chịu nhiều áp lực để đảm bảo nền tảng truyền thông xã hội này không bị lạm dụng vì mục đích chính trị hoặc truyền bá các thông tin sai lệch.
Trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các ứng cử viên đối lập sử dụng tài khoản Facebook chính thức để gửi đi thông điệp chính trị đến hàng triệu người ủng hộ, nhiều trang Facebook chưa được kiểm chứng cũng đã đăng bài chỉ trích hoặc ủng hộ các chính trị gia. Facebook cho biết đã xóa 549 tài khoản và 138 trang có liên quan đến đảng đối lập ở Ấn Độ vì cung cấp tin giả. 15 tài khoản khác liên quan đến công ty IT của Ấn Độ cũng chịu chung số phận vì đăng bài về đảng cầm quyền và cáo buộc sai trái nhằm vào các đối thủ chính trị.
Tại quốc gia láng giềng Pakistan, Facebook đã gỡ bỏ 57 tài khoản, 24 trang, 7 nhóm và 15 tài khoản Instagram có liên quan đến quân đội Pakistan vì lý do tương tự.
Thời gian qua, Facebook liên tục công bố các chiến dịch rầm rộ nhằm chống nạn tin giả sau khi bị chỉ trích không xử lý được các phát ngôn thù địch và những thông tin sai trái trên nền tảng mạng xã hội đình đám này. Ngày 31/1 vừa qua, Facebook tuyên bố sẽ cấm các quảng cáo chứa nội dung chính trị trên nền tảng của mạng xã hội lớn nhất thế giới này tại Thái Lan trong thời gian diễn ra cuộc tổng tuyển cử tại nước này.
Trước đó, ngày 29/1, Liên minh châu Âu (EU) cũng hối thúc Facebook đẩy mạnh cuộc chiến chống các chiến dịch gieo rắc thông tin giả, vào thời điểm EU đang bắt đầu chuẩn bị cho cuộc bầu cử nghị viện châu Âu, dự kiến diễn ra trong các ngày từ 23-26/5 tới.