'Mạnh tay' với thông tin giả

Sự phát triển của công nghệ đã khiến tốc độ lan truyền thông tin trong xã hội ngày càng nhanh chóng và rộng khắp. Bên cạnh những thông tin chính xác, thiết thực với cộng đồng, đã xuất hiện các thông tin giả được tung ra với những mục đích khác nhau. Để ngăn chặn những thông tin sai sự thật nhằm trục lợi bất chính hoặc gây hoang mang dư luận, chống phá chế độ, rất cần những chế tài đủ mạnh.

Tùy tiện đăng thông tin không kiểm chứng

Liên tiếp trong những tháng đầu năm 2019, các vụ tung tin giả trên mạng xã hội đã bị phát hiện và truy cứu trách nhiệm.

Chú thích ảnh
Lực lượng chức năng làm việc với bà Đoàn Phương Loan. Ảnh: Nhật Bình/TTXVN

Vào đầu tháng 3, chủ trang Facebook Đầm Bầu Thời Trang Mami đăng thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội, kêu gọi "tẩy chay" thịt lợn vì có thể lây sang người. Với số lượng người theo dõi đông đảo, thông tin này của Đầm Bầu Thời Trang Mami đã gây nên hoang mang không nhỏ trong cộng đồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã gửi công văn tới Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) kiến nghị xử
lý một số cá nhân đã đăng tải thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi, trong đó chỉ đích danh trang facebook "Đầm Bầu Thời Trang Mami". Chủ trang này đã được mời tới Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử để làm việc, ký vào biên bản vi phạm hành chính với mức phạt 20 triệu đồng.

Cũng không lâu sau đó, chiều 12/3, Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công an tỉnh đã làm việc với ông Đoàn Hùng Cường (trú tại tổ 2, khu 8, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), chủ trang Facebook cá nhân Đoàn Cường về việc đăng thông tin: "Mọi người cảnh giác nhé… trưa hôm nay cô mình mua thịt lợn ở chợ Hà Lầm về nấu ăn, về nhà thái thịt ra thì nó như thế này đây… mọi người cảnh giác cao vì đã có dịch tả lợn về đến chợ Hà Lầm, Hạ Long rồi nhé”. Chủ tài khoản bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và phải gỡ bỏ thông tin.

Ngày 15/3, chủ tài khoản facebook “Phương Loan” đăng tin thịt lợn bệnh đã về tới Bạc Liêu với nội dung “Heo (lợn) bệnh về tới Bạc Liêu rồi”. Chỉ sau ít phút nội dung này đã được hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ rộng rãi. Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp với sở, ngành liên quan đã có buổi làm việc với bà Đoàn Phương Loan (ngụ ấp Ninh Lợi, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu), chủ tài khoản facebook trên về đăng tin sai sự thật.

Đối với thông tin về sán lợn, ngày 19/3, Công an huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã mời đối tượng Nguyễn Bá Mạnh (sinh năm 1987) trú tại thôn Cửu Yên, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành để làm rõ về việc đăng tải thông tin lên mạng xã hội về sử dụng thịt lợn nhiễm sán tại Trường mầm non Ngũ Thái. Tại cơ quan công an, Mạnh thừa nhận hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên Facebook Côngnông Đầudọc trên mạng xã hội với status "Cần các bậc phụ huynh xã Ngũ Thái lên tiếng, không ngờ xã mình cũng nhận thịt nhiễm sán... ". Xét tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã ra Quyết định số 59 tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Bá Mạnh về hành vi “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.

Còn ngày 20/3, Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn đã làm việc với đối tượng Nông Ngọc Trâm, sinh năm 1992, trú tại thị trấn Lộc Bình do đưa thông tin thất thiệt về sán lợn gây hoang mang dư luận. Đối tượng Nông Ngọc Trâm thừa nhận do thiếu hiểu biết nên đã sử dụng Facebook cá nhân là Mai Ngân Linh, lập Fanpage Tin nóng Lộc Bình - Lạng Sơn để đăng thông tin sai sự thật. Đối tượng bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và gỡ bỏ thông tin trên.

Cũng trong ngày 20/3, Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định xử phạt hành chính với bà Trịnh Thị Huế (32 tuổi, huyện Di Linh, Lâm Đồng) 10 triệu đồng do đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook. Trước đó, trên tài khoản cá nhân H.T.T đăng tải thông tin, hình ảnh kèm theo lời dẫn “Chợ Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc thời gian gần đây chuyên bán thịt lợn nhiễm sán”. Dòng trích dẫn kèm hình ảnh minh họa thu hút nhiều lời bình luận và kèm theo đó là hơn 800 lượt chia sẻ gây hoang mang dư luận. Bà Trịnh Thị Huế thừa nhận vì muốn đưa thông tin để người khác biết phòng tránh nên đã lấy hình ảnh lợn nhiễm sán trên mạng để đăng tải trên trang Facebook cá nhân của mình.

Cố tình trục lợi và phá hoại

Bên cạnh những thông tin không kiểm chứng, trên mạng xã hội có những cá nhân cố tình tung tin thất thiệt với động cơ trục lợi hoặc phá hoại.Mới đây Công an tỉnh Quảng Ngãi đã làm việc với chủ một tài khoản mạng Zalo, là người tung thông tin giả về tập đoàn nước ngoài đầu tư đặc khu kinh tế tại Quảng Ngãi. Đây là nữ nhân viên kinh doanh bất động sản tên T. (23 tuổi, ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đăng tin giả với mục đích “thổi” giá đất. Tình trạng này xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây tại Đà Nẵng, Quảng Nam... tạo cơn sốt đất ảo. Thậm chí, trên mạng còn lan truyền một văn bản giả ký tên chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về việc xây dựng cầu để tạo cơn sốt đất ở khu đô thị Hòa Xuân, Đà Nẵng.

Phân tích về hành vi tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Minh Ánh cho rằng, hiện trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin giật gân, sai lệch sự thật nhằm “câu view”, “câu like”. Không ít thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều người, gây mất ổn định về kinh tế, xã hội tại nhiều địa phương... Theo quy định hiện hành, tùy theo mức độ, hậu quả của hành vi, cá nhân đăng tin có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.Không những vậy, có những tài khoản cá nhân, Fanpage… đăng bài với nội dung vu khống, chống phá chính quyền, bôi nhọ, phỉ báng các cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước. Điều đáng nói, những nội dung sai sự thật và xuyên tạc này được tung ra và lan truyền theo từng đợt có tính toán, nhằm lợi dụng mạng xã hội Facebook để bôi nhọ, nói xấu với mục đích chính trị. Những nội dung đó đã vi phạm nghiêm trọng Luật An ninh mạng Việt Nam, Nghị định 72/2013 của Chính phủ và Thông tư 38 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Người tham gia phải chịu trách nhiệm về thông tin trên mạng xã hội

Tại Việt Nam, theo khảo sát của chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) cho thấy, trên mạng xã hội, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét tập trung vào các nội dung: nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)…

Theo VPIS, nguyên nhân là do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm còn gặp khó khăn do có sự khác biệt về môi trường pháp lý đối với các nền tảng mạng xã hội nước ngoài cung cấp cho Việt Nam.Bà Phạm Hải Chung, giảng viên Học viên Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ tại tọa đàm “Giả mạo#sự thật” với học sinh THCS tại Hà Nội đã nêu: Hiện có khoảng 6 triệu người đọc thông tin qua mạng xã hội; trong đó đến 80% người đọc thông tin nhưng không cần xác định nguồn tin.

ông Cao Hải Nam, điều phối viên trưởng VPIS chia sẻ, trong nhiều trường hợp, mạng xã hội đang chiếm ưu thế so với các phương tiện truyền thông truyền thống trong việc tạo dư luận xã hội, đặc biệt là ở những vụ việc nhạy cảm. Do đó, Bộ TT&TT đang lấy ý kiến góp ý xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”.

Ông Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được phân chia cho các đối tượng cụ thể. Theo đó, đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, cần ban hành và công khai các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý, ngăn chặn và đấu tranh loại bỏ các nội dung thông tin xấu, độc, các tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực; tôn trọng quyền được bảo vệ thông tin của người sử dụng, không cung cấp thông tin của người sử dụng cho bên thứ ba khi chưa được sự cho phép của chủ thể thông tin.

Đáng chú ý, phải công khai danh tính, đầu mối liên lạc của cá nhân có trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội của tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện quản trị, đăng tải nội dung thông tin lên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, tổ chức có quy tắc riêng cho ứng xử trên mạng xã hội của cán bộ, công chức, nhân viên và người lao động thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Người dùng phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan công tác; Ứng xử trên mạng xã hội văn hóa, không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, mạng xã hội đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Bên cạnh tác động tích cực, mạng xã hội phần nào đó có gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân. Thời gian qua, Bộ TT&TT có nhiều giải pháp loại bỏ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội nhưng không thể loại trừ mặt trái, chỉ có thể hạn chế mặt trái của mạng xã hội. Vì vậy cần bộ quy tắc “mềm” để thúc đẩy tác động tích cực của mạng xã hội, hạn chế tối đa tác động tiêu cực, ngăn ngừa có hiệu quả mặt trái, lan truyền thông tin xấu, tin độc trên mạng.

Xuân Minh/Báo Tin tức
Tour Triều Tiên được nhiều người đặt chỗ tại VITM 2019
Tour Triều Tiên được nhiều người đặt chỗ tại VITM 2019

Tour Triều Tiên được khá đông khách Việt Nam quan tâm và số lượng đặt chỗ tăng đột biến dịp Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2019 (VITM 2019), bởi đây là điểm đến khá mới lạ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN