Mấy ngày qua, các ca bệnh COVID-19 trong nước đã vượt qua mốc 100 ca và dự kiến còn tiếp tục tăng. Dịch bệnh đã chuyển sang một tầm mới!
Trong số các ca nhiễm mới, rất nhiều là du học sinh về nước. Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến thời điểm này, đã có 26 du học sinh dương tính với virus SAR-CoV-2, trong đó, một nửa là du học sinh trở về từ Anh. Tiếp đến là Pháp.
Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng có lường trước được tình hình này? Câu trả lời là có. Kịch bản cho việc bùng phát các ca nhiễm mới, cho giai đoạn tiếp theo của dịch đã được đưa ra khi có thông tin hàng trăm ngàn người từ nước ngoài sẽ trở về. Những khu cách ly, lực lương cán bộ y tế cũng được tăng cường. Sinh viên trường y, rồi cán bộ y tế về hưu, tất cả đều đã sẵn sàng “ra trận”.
Lường trước hết, nhưng không vì thế mà không dang tay đón những “con Lạc, cháu Hồng” trở về vòng tay che chở của Mẹ Việt Nam. Dù không phải sự trở về nào cũng mang tới niềm vui. Nhiều chuyến bay, tổ bay phải cách ly vì hành khách dương tính với virus SAR-CoV-2. Có những du học sinh, Việt kiều trở về, thay vì biết ơn Tổ quốc, biết ơn những người đã và đang phục vụ mình, lại lên tiếng chê bai, chửi bới, dùng những lời lẽ thiếu văn hóa với cán bộ sân bay, nhân viên cách ly... Một Việt kiều đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi livestream nói xấu Tổ quốc. Nhiều du học sinh đã phải “hứng chịu gạch đá” của dư luận vì đưa hình ảnh chê ký túc xá bẩn, mất vệ sinh, đòi điều kiện này, điều kiện kia…
Tất nhiên, đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, còn hầu hết những du học sinh, Việt kiều đều hạnh phúc khi được về “nhà”, dù nhà ấy chưa phải là mái ấm với cha và mẹ, với chị em, bạn bè. Rất nhiều người đã làm nhật ký hình ảnh, cập nhật Facebook chia sẻ cuộc sống trong khu cách ly với sự lạc quan, vui vẻ. Trong cuộc họp trực tuyến hôm qua với Thủ tướng, câu nói cuối cùng của những người dân được cách ly đều là: “Cám ơn Đảng, Chính phủ đã chăm sóc, hỗ trợ chúng tôi”, “Chúng tôi rất vui khi được trở về nhà”…
Tổ quốc không bỏ rơi bất cứ ai, mọi công dân đều sẽ được đón nhận. Bởi vậy, vẫn còn rất nhiều các du học sinh, Việt kiều đang trên đường trở về, tìm cách trở về, dù việc di chuyển đã khó khăn hơn rất nhiều vì rất nhiều nước đóng cửa biên giới, nhiều quốc gia ngừng các chuyến bay, ngừng cho transit qua sân bay của mình như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Facebook của một cô bạn tôi sáng 23/3 đăng hình ảnh 40 người Việt, trong đó có rất nhiều du học sinh cấp 3, đang vạ vật ở sân bay Dallas (Mỹ) với tấm biển xin được hỗ trợ đưa về nước. Họ đã làm thủ tục check-in máy bay, nhưng bị từ chối lên máy bay, bởi hãng hàng không ấy không chắc chắn có thể đưa về tới Việt Nam. Những du học sinh phải sống trong cảnh thấp thỏm, lang thang sân bay, tự lo tìm chỗ ăn nghỉ, trong khi Mỹ cũng đang là một điểm dịch đáng lo ngại. Trong khi ở nhà, bố mẹ cũng ngồi trên đống lửa, không biết số phận con mình sẽ ra sao, nhiều người mẹ đã khóc hết nước mắt… Cuối cùng, nhờ sự can thiệp của các cơ quan ngoại giao Việt Nam, chuyến bay này đã được transit qua Hong Kong, và những đứa trẻ đang trên đường về nhà, sau rất nhiều giờ căng thẳng, bất an…
Viết đến đây, tôi lại nhớ tới rất nhiều du học sinh đã “đứng yên khi Tổ quốc cần” tại nhiều quốc gia như Czech, Hà Lan. Ngay từ đầu mùa dịch, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Czech đã phối hợp với kênh truyền thông nổi tiếng tuyên truyền thông điệp: "Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần" đến lưu học sinh tại đây. Thế nên gần như rất ít thanh niên, sinh viên ở Czech về Việt Nam “tránh dịch”.
Tại Hà Lan, Hội Thanh niên Sinh viên cũng đã phối hợp với Đại sứ quán, Hội người Việt ở nước ngoài để cập nhật số liệu, tạo bộ hướng dẫn cho lưu học sinh phòng ngừa dịch bệnh tại nhà, chế độ ăn uống phù hợp, cũng như cung cấp số điện thoại của bác sĩ và hotline đầu mối của hội tại các khu vực để nhận giải đáp kịp thời về dịch bệnh.
Nhiều Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại các nước khác cũng đã xây dựng kênh truyền thông để tuyên truyền, kịp thời thông tin cho lưu học sinh biết về tình hình dịch bệnh.
Chiều 22/3, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cũng đã tổ chức giao ban trực tuyến với Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Áo, Hungary, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Tây Ban Nha, CH Czech, Ba Lan, Rumani, Nhật Bản. Tại buổi giao ban, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đề nghị hội tại các nước kịp thời hỗ trợ du học sinh khi cần thiết, đồng lòng cùng nhau chống dịch.
Bởi thế, dù có không về nước, các du học sinh vẫn sẽ không lo bị bỏ rơi, vẫn còn các Hội Thanh niên Sinh viên; Đại sứ quán, Hội người Việt Nam ở nước ngoài đồng hành cùng các bạn.
Vậy nên, trước khi bước chân, hãy một lần nữa cân nhắc. Chúng ta là tuổi trẻ, chúng ta là sức mạnh tương lai của Tổ quốc; lúc này, là lúc để chúng ta thể hiện trách nhiệm của mình. Thay vì mang thêm nỗi lo cho mẹ cha trên hành trình chúng ta đi; thay vì có thể trở về với nguy cơ nhiễm bệnh khá lớn; hãy đứng yên tại chỗ và biết cách bảo vệ bản thân mình, mạnh mẽ dù ở bất cứ đâu.
Với các bậc cha, mẹ, cũng cần có cái nhìn tỉnh táo và cân nhắc lợi hại, khi đưa ra quyết định cho con mình ở lại hay trở về, nhất là khi trong bối cảnh hiện nay, khi Bộ Ngoại giao đã ra khuyến cáo công dân hạn chế tối đa đi lại giữa các nước và về Việt Nam, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại. Theo Bộ Ngoại giao, trong trường hợp không có đầy đủ giấy tờ cần thiết, công dân Việt Nam có thể bị phía nước ngoài từ chối cho quá cảnh hoặc xuất nhập cảnh.
Tổ quốc dù không bỏ rơi công dân, nhưng cũng không nên tạo thêm cho Tổ quốc những gánh nặng, cũng là tạo nên những nguy hiểm cho chính mình. Hãy đứng yên khi Tổ quốc cần, như một du học sinh đã trả lời bạn bè khi được hỏi tại sao không trở về: “Trở về rồi lại đi cách ly, nghĩa là Chính phủ nuôi thêm một người 14 ngày. Thôi, ở đâu cứ ở nguyên đó!”.
Chào đón các bạn trở về, những người con Việt Nam, trong bối cảnh dịch không chừa nơi nào cả. Nhưng cũng cám ơn các bạn, những người con Việt Nam, đã biết đứng yên lúc này, để Tổ quốc có thể yên tâm vượt đại dịch!