Biết ơn và day dứt

Cứ mỗi năm đến dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, khắp nơi trên cả nước lại lan tỏa sâu rộng phong trào tri ân, đền ơn đáp nghĩa, “uống nước nhớ nguồn” đối với người có công. Truyền thống ấy dường như đã được ăn vào máu thịt mỗi con người Việt Nam; được cấy sâu gốc rễ ngay từ những câu chuyện, những bài học từ thuở vỡ lòng.

Chú thích ảnh
Chiều 16/7, Chủ tịch Quốc hội thăm và tặng quà thương binh 1/4 Nguyễn Toàn Thắng ở xã Tịnh Phong (Quảng Ngãi). Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

“Đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhờ nguồn” không chỉ là tấm lòng của mỗi cá nhân, mà còn thể hiện đạo đức, văn hóa của cả một dân tộc, một nhiệm vụ cách mạng của Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở trong tư tưởng của Người. Được xác định là một vấn đề chính trị, tư tưởng; một vấn đề tình cảm và xã hội. Là một trong những vấn đề lớn của đất nước, của các cơ quan có trách nhiệm ở Trung ương và địa phương, của tỉnh, của huyện, của xã, của thôn, của từng nhà. Một vấn đề mà không cho phép một người Việt Nam nào không quan tâm hoặc lãng quên!

Chính từ trong sâu thẳm lòng biết ơn những thế hệ cha anh và bù đắp cho thân nhân những anh hùng, liệt sỹ, những thương bệnh binh đã gửi lại một phần thân thể ở đâu đó trên các chiến trường, mà đã có rất nhiều việc làm đền ơn sâu nặng, nghĩa tình đã được cả dân tộc ta thực hiện trong suốt những năm qua.

Đặc biệt, chính sách của Đảng, Nhà nước đã thể hiện sự nhất quán và ngày càng đầy đủ, toàn diện đối với công tác này. Đến nay đã có 4 Pháp lệnh, 4 Nghị định, 22 Thông tư và Thông tư liên tịch, 13 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đang còn hiệu lực thi hành nhằm giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công và các cơ chế, chính sách khác vẫn đang được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Có thể nói đây là hệ thống pháp luật, chính sách tương đối đầy đủ, hoàn thiện và đơn giản để dễ thực hiện nhất; thể hiện mong muốn tạo môi trường pháp lý thuận lợi để toàn thể xã hội có thể tham gia tích cực vào việc đền ơn đáp nghĩa, chăm lo, trợ giúp người có công vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Hành lang pháp lý thuận lợi cộng với tấm lòng tri ân rộng mở, khiến cho công tác đền ơn đáp nghĩa như hoa đua nở. Đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với trên 9 triệu người; ngân sách nhà nước hàng năm dành trên 30.000 tỷ đồng cho công tác đền ơn đáp nghĩa… Bên cạnh đó, phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, vận động được hàng ngàn tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm đạt được hàng chục ngàn sổ với tổng kinh phí gần 2.900 tỷ đồng. Xây dựng mới và sửa chữa cả trăm ngàn ngôi nhà tình nghĩa...

Những hành động đó chắc chắn đã làm anh linh những người ngã xuống vì Tổ quốc vui lòng; làm yên lòng hàng triệu người có công cùng thân nhân của họ và góp phần làm yên ấm hàng triệu hoàn cảnh gia đình có công còn khó khăn!

Chú thích ảnh
Đoàn viên thanh niên thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị làm vệ sinh xung quanh mộ phần các Anh hùng Liệt sỹ. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN
Thế nhưng, bên cạnh những “chiến công” của lòng biết ơn đó, ẩn khuất đâu đó vẫn còn bao niềm day dứt khôn nguôi. Day dứt vì vẫn còn nhiều hồ sơ ghi nhận người có công tồn đọng bởi nhiều lý do. Day dứt vì chế độ cho người có công vẫn còn chưa đảm bảo được sự ổn định cơ bản; chính sách pháp luật cho người vẫn còn thiếu sót, bất cập, chưa thỏa đáng... Day dứt vì cho đến nay vẫn còn hàng trăm ngàn mộ liệt sỹ chưa được quy tập; những đồng đội xưa vẫn nhẫn nại cùng nhau đi tìm nắm xương đồng đội cũ trở về và những người thân vẫn ngày đêm khắc khoải chờ mong. Day dứt vì vẫn còn nhiều tiêu cực trong công tác ghi nhận, chăm sóc người có công như hiện tượng khai giả hồ sơ, lợi dụng chính sách để trục lợi trong quá trình xem xét, giải quyết, tạo ra sự bất bình trong nhân dân…

Không chỉ là sự day dứt trong công tác thực hiện đền ơn đáp nghĩa chưa vẹn tròn, còn tồn tại, mà còn là sự day dứt lớn về những mặt trái của xã hội; sự xuống cấp, tha hóa về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; sự tham lam, gian lận, tham nhũng, tệ nạn diễn ra ở nhiều nơi, trong nhiều lĩnh vực; sự dao động về tư tưởng, đi theo những tiếng gọi phản bội lại quốc gia dân tộc của một bộ phận người dân… Đây chắc chắn không phải là điều mà các anh hùng, liệt sỹ hay thương bệnh binh mong muốn. Bởi họ sẵn sàng hy sinh tính mạng hay một phần máu thịt và cả tuổi thanh xuân của mình, là cho lý tưởng cách mạng, cho nền độc lập dân tộc, cho tương lai tươi sáng của đất nước, cho sự bình yên, hạnh phúc của các thế hệ mai sau, cho một xã hội công bằng và tốt đẹp. Chứ không phải sự hy sinh uổng phí để một thế hệ mai sau nào đó lãng quên và làm hoen ố.

Bởi vậy, đối với công tác tri ân người có công thì trách nhiệm chưa đủ, tốc độ chưa đủ, tình cảm hay lòng biết ơn cũng chưa đủ… Báo đáp bằng những hành động thiết thực là vô cùng có ý nghĩa đạo đức và đời sống, đương nhiên phải tiếp tục làm, làm bao nhiêu cũng chưa đủ.

Để mà đủ, có lẽ phải dốc sức đẩy lùi được sự xuống cấp đạo đức, sự dao động tha hóa về nhận thức, tư tưởng trong toàn xã hội, từng cá nhân; nhân rộng, khơi dậy và lan tỏa những điều tốt đẹp, nghĩa tình sâu nặng với tổ quốc, trách nhiệm với xã hội của mỗi con người... Đó mới là cách tốt nhất để tri ân những hy sinh to lớn mà các anh hùng, liệt sỹ, người có công đã cống hiến cho dân tộc!

Ninh Hồng Nga
Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ: Trao kỷ vật cho những cán bộ 'đi B'
Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ: Trao kỷ vật cho những cán bộ 'đi B'

Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2018), chiều 23/7, tại Thành cổ Quảng Trị, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước thuộc Bộ Nội vụ, tổ chức Lễ trao kỷ vật "đi B" và khai mạc Triển lãm “Kỷ vật đi B - Quảng Trị - Ngày trở về”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN