Còn con mắt, người thương binh trọn đạo làm thầy

Năm 1972, một con mắt của ông Trần Quang Liệu gửi lại chiến trường B1 khốc liệt, tỉnh Bình Định. Khi ấy, ông 18 tuổi. Trải qua nhiều lần phẫu thuật chỉnh hình, ông tiếp tục ước mơ dang dở từ thời còn đi học là trở thành thầy giáo dạy Toán.

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, dù thị lực con mắt còn lại suy giảm nhiều và được bác sĩ khuyên nghỉ dưỡng nhưng bất cứ đứa trẻ nào trong vùng gõ cửa, nhà ông luôn rộng mở để giảng những bài toán chúng chưa hiểu.


Viết tiếp ước mơ giữa khói lửa chiến tranh


Tôi tìm đến nhà ông Trần Quang Liệu (tổ 19, phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội), căn nhà tình nghĩa trải qua 20 năm nằm khiêm tốn trên con phố nhỏ. Hai vợ chồng ông Liệu lúi húi rửa dọn khoảnh sân nhỏ bám đầy rong rêu. Trên bậu cửa chính là những bộ bàn ghế được xếp gọn dường như dành cho học sinh đến học tại nhà.

Ông Trần Quang Liệu mở lại những trang viết từ những năm ở chiến trường. Ảnh: Lê Vân.


Một nửa khuôn mặt ông Liệu bị khuyết nhưng nổi bật là chiếc mắt giả trắng đục, to tròn vô định. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Liễu, một cán bộ quân nhu đã nghỉ hưu thuộc Tổng Cục hậu cần, một nửa khuôn mặt cũng không còn lành lặn. Sau những hỏi thăm, ông bà ôn tồn chia sẻ cho tôi nghe về một phần bức tranh đời lính, đời người của họ. Để có một gia đình vẹn tròn như hôm nay, ông bà đã trải qua những năm tháng khó quên. Khi đó, 17 tuổi, chàng thanh niên quê lúa Thái Bình Trần Quang Liệu đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc lên đường nhập ngũ. Đơn vị tiếp nhận anh Trần Quang Liệu là Trung đoàn 5, Sư đoàn 350, Quân khu 3. Sau nhiều tháng ngày hành quân, đơn vị đến chiến trường B1, tỉnh Bình Định và đóng quân tại đây.


“Những ngày hành quân của lính bộ tôi không thể quên được sự háo hức khi được lên đường chiến đấu. Nhiều đồng đội vừa rời trang giấy, cây bút ở nhà trường để đón bòng súng từ đơn vị. Dọc đường hành quân là muôn vàn những khó khăn nhưng cũng tôi luyện cho chúng tôi thế nào là khói lửa chiến tranh dọc chiều dài đất nước”, ông Trần Quang Liệu nhớ lại.


Năm 1972, khói lửa chiến tranh bao trùm cả nước. Khi miền Bắc hứng chịu những đợt rải bom thì miền Nam là những trận đánh khốc liệt. Lúc này, chiến sĩ Trần Quang Liệu bị một mảnh pháo găm vào nửa bên mặt tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. “Khi tỉnh dậy, một nửa bên mặt của tôi không còn xương gò má, một mắt còn, một mắt mất. Khuôn mặt hoàn toàn biến dạng. Đau đớn nhưng tôi nghĩ mình còn sống là may mắn hơn rất nhiều đồng đội hy sinh ở chiến trường”, ông Trần Quang Liệu bùi ngùi.


Năm 1973, ông Trần Quang Liệu được chuyển về bệnh viện ngoài Bắc. Ông Trần Quang Liệu kể: “Ngày 27/1/1973, nghe đài nói rằng đã ký được Hiệp định Paris mà anh em chúng tôi ai ai vui mừng, ca hát. Lúc này, tôi vẫn chưa ý thức được nhiều về tình trạng sức khoẻ của mình. Khi cảm thấy ổn định, tôi mong muốn trở về quê nhà để giúp gia đình làm nông nghiệp. Đó là những chuỗi ngày rất buồn khi bản thân không những không giúp được gia đình mà tôi còn nhận ra sự tàn khốc của vết thương trên khuôn mặt. Ra vào trong làng thì trẻ con trêu. Trong lúc chán nản tôi nhận được thư của đồng đội mách rằng nên đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để chỉnh hình khuôn mặt. Tại đây tôi đã gặp được vị bác sĩ lấy lại được phần nào khuôn mặt cho mình và cũng là nơi tôi gặp vợ mình bây giờ”.


Người đã giúp ông Trần Quang Liệu lấy lại được một phần khuôn mặt và lắp ổ đựng mắt giả là Thiếu tướng, GS TSKH Nguyễn Huy Phan, nhà khoa học chuyên về phẫu thuật tạo hình, người đặt nền móng cho ngành Phẫu thuật tạo hình và vi phẫu thuật ở Việt Nam. “Người mà cả đời này tôi không quên. Những ngày sau đó tôi đi đi về về giữa đoàn an dưỡng ở quê nhà và bệnh viện. Sức khoẻ bị ảnh hưởng nhiều và tôi bắt đầu suy nghĩ về tương lai mình sẽ làm gì. Chả nhẽ, cứ loanh quanh ở đoàn an dưỡng và bệnh viện mãi. Trong khi, thời gian để chỉnh hình khuôn mặt kéo dài 4 - 5 năm với nhiều đợt thì nguội đi ý trí học Toán của mình. Tôi tâm sự với bác sĩ Nguyễn Huy Phan rằng muốn tiếp tục được học nữa và được sự ủng hộ rất nhiệt tình”, ông Trần Quang Liệu nhớ lại.


Những ngày sống ở đoàn điều dưỡng và bệnh viện rất buồn tẻ, ông Trần Quang Liệu mượn sách giáo khoa để tự học. Tháng 3/1975, ông Trần Quang Liệu nộp đơn dự thi khối A, khoa Toán, ĐH Tổng hợp Hà Nội. Sau đó ông trở thành một trong những người đỗ điểm cao và đủ điểm đi học ở nước ngoài. Giữa niềm vui khôn tả ấy, ông Trần Quang Liệu đón nhận giấy mời đến Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.


“Tôi vẫn nhớ như in ngày hôm ấy. Vị cán bộ ấy nói rằng, Bộ biểu dương tinh thần ham học hỏi, là một thương binh nặng nhưng kết quả thi của tôi rất đáng khâm phục. Tuy nhiên, việc đi nước ngoài cần thẩm định hồ sơ rất kỹ. Vị cán bộ nói xem ảnh mặt tôi khá “dữ dội” nhưng thực mặt mới thấy là không đi được vì không tiện cho công tác ngoại giao. Sau khi họ bàn bạc rồi cho tôi biết, Bộ Đại học cho phép tôi muốn vào học bất cứ trường đại học nào cũng được. Nhưng yêu ngành toán nên tôi vẫn tiếp tục học khoa, trường đã đỗ”.


Sau gần 5 năm học đại học, ông Trần Quang Liệu được phân về giảng dạy môn Toán tại Trường Kinh tế Kỹ thuật Hải Dương, dạy Toán ở trường cấp II May 10, cấp II Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội) và về hưu ở tuổi 55.


Còn con mắt để dạy Toán

Ông Trần Quang Liệu cùng với những học trò của mình tại trường THCS Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Gia đình cung cấp.


Sau khi nghỉ hưu ở trường cấp II Thượng Thanh (quận Long Biên, Hà Nội), được sự tín nhiệm của các phụ huynh, bà con trong vùng, ông Trần Quang Liệu tiếp tục đón học sinh về nhà dạy kèm môn Toán. Ngày nắng cũng như ngày mưa, kể cả khi tối trời, lũ trẻ đều có thể đến nhà ông giáo thương binh Trần Quang Liệu để học. 


Ông Trần Quang Liệu tâm sự: “Mùa xuân năm 2009, tôi rời bục giảng nhà trường. Nỗi nhớ trường, lớp và những bài giảng vẫn khôn nguôi. Nhiều phụ huynh, học sinh của tôi vẫn đến nhà nhờ tôi kèm cặp con và giảng bài. Đáp lại tấm thinh tình ấy, tôi nhận các cháu để dạy. Người dân trong khu có người lao động từ quê xa, con không theo được lớp học thêm vẫn đến chỗ tôi nhờ giảng. Tôi đều đón nhận các cháu. Được cùng học sinh giải những bài toán, chia sẻ những gánh nặng nhọc nhằn với phụ huynh là niềm vui rất lớn đối với tôi”.


Bà Nguyễn Thị Liễu, vợ ông Liệu tâm sự: “Ông nhà tôi luôn coi việc dạy Toán cho trẻ là niềm vui cho đi của mình, niềm hạnh phúc khi giúp được người khác. Có khi tôi đi chợ, phụ huynh còn chạy theo cho mấy bó rau, quả mít mà nhà trồng được. Là một người vợ tôi luôn tự hào và luôn động viên, chăm sóc sức khoẻ để ông ấy vẫn đứng lớp được”.


Ông Trần Quang Liệu kể rằng, những đứa trẻ đến nhà không chỉ học Toán, mà ông chia sẻ cho học trò mình nghe về ý nghĩa của việc học sẽ thay đổi cuộc đời ra sao. Như ông, khi đồng đội có trở về có thể mang sức vóc đi làm các công việc khác. Ông lựa chọn việc học, ra nghề để vừa nuôi sống bản thân, gia đình vừa có ích cho cộng đồng. “Nhìn học trò lớn lên, thay đổi, trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định, ra đường gặp thầy chào là tôi như được động viên”, ông Trần Quang Liệu tâm sự.

Bài thơ ông Trần Quang Liệu viết khi rời mái trường để nghỉ hưu. Ảnh: Lê Vân

Nói đến gia đình mình, bà Nguyễn Thị Liễu vui vẻ nói: “Ba đứa con của tôi đều học tốt môn Toán nhờ bàn tay của ông nhà. Các cháu đều đỗ điểm cao vào các ĐH Y Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Kiến trúc Hà Nội. Giờ các cháu đều trưởng thành và làm việc ở bệnh viện, trường đại học lớn”.


Được biết, người con thứ ba của ông bà là con nuôi, được ông bà cưu mang khi mẹ cháu nghèo khó và bố bị ung thư. Nhắc về điều này ông Trần Quang Liệu chia sẻ: “Người con nuôi cũng là người cháu của tôi. Nhìn gia đình nhà em lúc cơ hàn ấy, tôi luôn nghĩ rằng mình còn may mắn hơn. Còn có thể đi làm được, thực hiện ước mơ của mình, có gia đình, cưu mang cháu là việc nên làm. Nuôi được 3 cháu ăn học đại học xong, hai vợ chồng tôi cảm thấy toại nguyện rồi”.


Thực tế, để có một gia đình mà nhiều người lành còn mơ ước, ngoài công việc chính, ông bà cùng các con phải gói thêm bánh chưng để bán. Bánh chưng ở ông giáo thương binh Trần Quang Liệu và bà bộ đội về hưu Nguyễn Thị Liễu được người dân ở khu Sài Đồng tín nhiệm đặt mua. “Năm 10- 12 tuổi, hai con gái đầu của tôi đã gói bánh thành thạo và giúp mẹ đi bán bánh. Nếu chỉ đồng lương của hai vợ chồng thì không đủ sức duy trì cuộc sống ở thành phố được. Càng lớn, việc học của các cháu càng cần tiền. Vì vậy, hai vợ chồng tôi xoay đủ nghề để kiếm sống”, bà Nguyễn Thị Liễu chia sẻ.

Những bài thơ ông Trần Quang Liệu viết dọc đường hành quân. Ảnh: Lê Vân

Ông Trần Quang Liệu nhớ lại về những năm tháng đã qua như một niềm khích lệ, động viên cho sức khoẻ đang suy giảm của mình bây giờ. Ông cho tôi xem những trang thơ, bài viết từ năm 17, 18 tuổi. Ông đọc những vần thơ ấy trong chất giọng đầy cảm xúc như thời thanh niên năm nào.  Ông lại nhớ về những quãng đường đạp xe đạp từ trường tổng hợp ở Thanh Xuân để đi thăm người yêu làm quân nhu ở Tổng cục Hậu Cần (Gia Lâm). “Hai vợ chồng tôi đều bị hỏng một mắt bên trái, tôi thì do bị thương ở chiến trường, bà ấy bị u sắc tố ở mắt. Có lẽ, vì thương cảm hoàn cảnh của nhau mà chúng tôi nâng đỡ nhau vượt qua bệnh tật, đói nghèo để có một cuộc sống gia đình như bao người bình thường”, ông Trần Quang Liệu chia sẻ. Thấy hai vợ chồng ông trao nhau cốc nước, chia sẻ từng câu chuyện đã qua càng khiến tôi khâm phục sự gắn bó, tình cảm vượt qua muôn vàn khó khăn của họ. 


“Thời tiết thay đổi, sức khoẻ xuống, tôi được bác sĩ khuyên là không nên dạy học nữa, hạn chế đọc sách. Bây giờ bàn ghế đang xếp lại để được chuyển dần đi. Tôi thấy bâng khuâng. Nhưng bất cứ đứa trẻ nào đến hỏi bài, tôi đều mở cửa đón chúng. Chỉ có như vậy, tôi luôn cảm thấy mình có ích”, ông Liệu chỉ cho tôi chỗ bàn ghế dựng gọn trên bậu cửa nhà.


Trước khi tạm biệt ông giáo thương binh Trần Quang Liệu cùng gia đình, ông còn đọc cho tôi nghe bài thơ đã sáng tác khi hành quân dọc đường Trường Sơn năm nào. Rồi bài thơ tạm biệt mái trường nơi nhiều năm ông làm thầy giáo dạy Toán. Ông giáo thương binh Trần Quang Liệu cho tôi thấy sự kiên cường của người lính, sự bền bỉ của người thầy và nỗ lực không ngừng trong cuộc sống trong dáng vẻ gầy guộc, giọng nói nhẹ nhàng của ông. Cơn mưa rả rích suốt tuần cũng bắt đầu ngớt. Tiễn tôi ra về, ông bà vẫn với theo khi nào muốn ăn bánh chưng thì hãy đến Sài Đồng, khi nào cần được chăm sóc sức khoẻ thì hãy gọi cho con gái ông bà. Tấm lòng dung dị, chăm sóc ấy đã khiến tôi thực xúc động về tấm gương của người lính, người thầy thời hậu chiến. 


Clip ông Trần Quang Liệu đọc những bài thơ tự sáng tác: 



SaveSave
Lê Vân/ Báo Tin tức
Công tác chăm lo đời sống người có công ngày càng tốt hơn
Công tác chăm lo đời sống người có công ngày càng tốt hơn

Chính sách ưu đãi người có công (NCC) là một chính sách lớn, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm với mục tiêu đảm bảo đời sống người có công (NCC) bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình người dân nơi cư trú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN